Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế nào là 'cận thị trong tiếp thị'?

Thuật ngữ cận thị trong tiếp thị (marketing myopia) đề cập đến tình trạng một công ty quá tập trung vào việc sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ và xem nhẹ nhu cầu, mong muốn thực tế của khách hàng.

Theodore Levitt giới thiệu khái niệm này vào năm 1960 và thuật ngữ này trở nên phổ biến trong những thập kỷ sau đó.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều công ty đã áp dụng cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm. Điều này đặt khách hàng làm điểm khởi đầu trong quá trình phát triển sản phẩm và dịch vụ; đồng thời ưu tiên trải nghiệm của khách hàng trên nhiều điểm chạm.

Câu hỏi là, cách tiếp cận này có hiệu quả không? Đối với một số người, câu trả lời có lẽ là có. Tuy nhiên, trọng tâm mới này thực sự đã dẫn đến một loạt vấn đề khác mà chúng ta gọi là điểm mù tiếp thị.

Tiep thi anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Linkedln.

Chúng ta hãy xác định điểm mù này và xem xét xem nó có thể gây ra vấn đề như thế nào. Sau đó chúng ta sẽ xem tiếp thị với tinh thần doanh chủ có thể giải quyết những thách thức này ra sao. Chúng ta có thể định nghĩa điểm mù tiếp thị là tình trạng khi một công ty đã thực hiện đúng các quy trình quản trị tiếp thị khác nhau nhưng không nhận ra rằng vẫn còn nhiều yếu tố chưa được kết nối với nhau.

Chưa ai quan tâm đến các động lực khác có thể đóng vai trò trong cách thức triển khai hoạt động tiếp thị, và chính những điểm mù này sẽ cản trở công ty và cuối cùng khiến công ty mất khả năng cạnh tranh. Một số điểm mù tiếp thị phổ biến sẽ được thảo luận trong các phần tiếp theo.

Bỏ qua môi trường vĩ mô

Những gì xảy ra trong môi trường vĩ mô đều có thể ảnh hưởng đến môi trường vi mô. Trong khoa học tiếp thị, có các khía cạnh của chiến lược và các khía cạnh của chiến thuật. Việc xây dựng chiến lược tiếp thị phải tuân theo chiến lược của công ty. Trong khi đó, chiến lược công ty được định hình bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại, bên cạnh các yếu tố khác.

Tuy nhiên, tiếp thị trong thực tế thường chưa quan tâm đầy đủ đến các khía cạnh kinh tế vĩ mô. Ví dụ, các giám đốc tiếp thị có thể gặp khó khăn khi liên kết các hiện tượng trong môi trường vĩ mô với các chính sách chiến thuật trong công ty.

Chúng ta định nghĩa tiếp thị là tiếp cận thị trường, nghĩa là cách chúng ta đối phó với thị trường rất năng động và luôn thay đổi. Nếu hoạt động tiếp thị trong một công ty được phát triển với tốc độ chậm hơn so với tốc độ thực tế rất nhanh của thị trường thì lợi thế cạnh tranh của công ty đó sẽ mất đi. Thật trớ trêu khi chúng ta gọi đó là tiếp thị (tiếp cận thị trường) nhưng lại không đạt hiệu quả trong việc xử lý thị trường. Hình 1.2 minh họa rõ tình trạng này.

Sự lệch pha giữa tiếp thị và tài chính

Điểm mù kinh điển này thường gây ra sự rối loạn liên kết. Các nhà tiếp thị có thể chỉ tập trung vào hiệu quả phi tài chính, chẳng hạn như nâng cao nhận thức về thương hiệu, hình thành nhận thức cụ thể và truyền đạt các đề xuất giá trị. Tuy nhiên, những chỉ số này có thể không có ý nghĩa với các chuyên gia tài chính, khi họ khó có thể nhìn thấy giá trị thực sự mà tiếp thị đang cố gắng đạt được.

Các giám đốc tài chính có thể hỏi lợi nhuận tạo ra từ ngân sách tiếp thị được phân bổ là bao nhiêu và khi nào đạt được lợi nhuận. Câu hỏi này có thể khó trả lời đối với những người làm tiếp thị. Điều này đặc biệt khó khăn nếu tư duy của nhà tiếp thị không hướng đến khái niệm lợi nhuận, điều mà hầu hết những người làm tài chính luôn quan tâm.

Mối quan hệ không hài hòa giữa tiếp thị và bán hàng

Khi tiếp thị và bán hàng không hoàn toàn đồng bộ, mọi chuyện thường sẽ trông giống như chương trình hoạt hình “Tom và Jerry”. Đôi khi cả hai có thể hợp tác rất tốt. Nhưng cũng có lúc, họ có thể xung đột với nhau.

Philip Kotler và nhiều tác giả/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY