Bắc Kinh và New Zealand đều đã tuyên bố hết dịch Covid-19 vào giữa tháng 6. Nhịp sống trở lại bình thường: trường học, nhà hàng và các doanh nghiệp đều hoạt động trở lại. Tuy nhiên, điều này không kéo dài lâu.
Tuần trước, quận Phong Đài ở thủ đô Bắc Kinh được đặt trong tình trạng "khẩn cấp thời chiến" sau khi ổ dịch mới ở khu chợ nông sản Tân Phát Địa xuất hiện với hàng chục ca nhiễm Covid-19. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài và không được ra khỏi thành phố. Các trường học đều bị đóng cửa, theo Guardian.
Ở New Zealand, hai phụ nữ Anh - đã đáp chuyến bay tới đây để từ biệt một người thân đang hấp hối - được xét nghiệm dương tính Covid-19. Họ lại là những người được đặc cách không phải chấp hành lệnh cách ly với lý do nhân đạo. Giới chức New Zealand hiện đang phải truy tìm hơn 200 người có tiếp xúc với hai người phụ nữ trên.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến các nhà lãnh đạo phải đưa ra lựa chọn khó khăn. Nếu muốn duy trì kiểm soát được dịch bệnh, quốc gia của họ phải đối mặt với nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, bị cách ly với thế giới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Bắc Kinh hôm 16/6. Ảnh: Getty. |
Thắt chặt biện pháp kiểm dịch
"Họ có thể duy trì kiểm soát dịch, nhưng làm như vậy đồng nghĩa với tuân thủ nghiêm ngặt quy định đi lại", giáo sư Lindsay Wiley, giám đốc chương trình chính sách và luật y tế tại Đại học Luật Washington, cho biết.
"Xét nghiệm khách du lịch nhập cảnh có thể là không đủ để ngăn chặn dịch bệnh, do thời gian ủ bệnh thường kéo dài và nguy cơ từ kết quả âm tính giả. Nhưng lệnh phong tỏa kéo dài sẽ là vấn đề đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và cũng gây trở ngại cho kinh doanh du lịch", giáo sư Wiley nói.
Hiện tại, cả Trung Quốc và New Zealand chỉ cho phép công dân nước họ nhập cảnh, cùng một số ít công dân nước ngoài được đặc cách. Cả hai quốc gia đều yêu cầu hành khách nhập cảnh cách ly 14 ngày. Vì vậy, ngay cả khi quy định nhập cảnh được nới lỏng cho người nước ngoài, du khách cũng không thể đến để du lịch ngắn ngày hay công tác.
Công dân của Trung Quốc và New Zealand phần lớn bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Những người mạo hiểm ra nước ngoài vào thời điểm này, khi trở về cũng phải cách ly 2 tuần.
Giáo sư Wiley cho rằng vaccine cũng không phải là giải pháp cho thế lưỡng nan của nền kinh tế các nước này. "Nếu vaccine không thể có tác dụng 100% - mà thường là như vậy, thì còn phải phụ thuộc vào quy mô phân phối vaccine và số người đáp ứng được với vaccine", chuyên gia này nhận định.
Cả Trung Quốc và New Zealand đều xét nghiệm trên diện rộng và nỗ lực tìm kiếm các trường hợp tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Tại New Zealand, không có trường hợp ngoại lệ nào đối với các biện pháp kiểm dịch.
Người dân ở Wellington, New Zealand, ra đường trong ngày đầu nới lỏng cách ly xã hội hôm 28/4. Ảnh: AFP. |
Đòn giáng xuống nền kinh tế
Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp bổ sung để bảo vệ thủ đô trước đợt bùng phát Covid-19 từ vài tháng trước. Chỉ sau vài ngày bùng phát dịch trở lại hôm 12/6, quân đội đã được huy động quanh chợ bán buôn nông sản Tân Phát Địa ở phía nam thành phố.
Hiện tại, hơn 100 trường hợp đã được xác nhận nhiễm Covid-19 qua xét nghiệm đại trà. Chính quyền thành phố miêu tả tình hình hiện nay là "cực kỳ nghiêm trọng", nâng mức cảnh báo khẩn cấp và ra lệnh đóng cửa tất cả trường học. Người dân không được phép ra khỏi thành phố trừ khi có lý do khẩn cấp.
Không giống như các ca bệnh ở New Zealand, các ca bệnh ở Bắc Kinh không được xác định rõ bắt nguồn từ đâu, làm dấy lên mối lo ngại về phương thức lây lan.
Thông tin ban đầu cho thấy virus corona chủng mới được phát hiện trên thớt dùng để chặt cá hồi nhập khẩu. Điều này gây hoang mang cho người tiêu dùng và các siêu thị cũng không còn bày bán cá hồi, dù loại thực phẩm này không thể truyền bệnh.
Người dân sống gần chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 hôm 16/6. Ảnh: AFP. |
Lệnh phong tỏa mới sẽ là đòn đánh tiếp theo giáng xuống nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trước đó. Lệnh phong tỏa vì Covid-19 khiến đà tăng trưởng trong suốt một thập kỷ qua của Trung Quốc đột ngột bị hãm lại, dù trước đó nền kinh tế khổng lồ vẫn phát triển qua thời kỳ dịch Sars và khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Việc đóng cửa biên giới có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng dòng tiền xây dựng nhà máy và thị trường tiêu thụ sang các quốc gia khác. Trước đại dịch, các nhà đầu tư vốn đã lo ngại về lỗ hổng trong chuỗi cung ứng này.
Tuy nhiên, không phải mọi mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc đều có thể dễ dàng chuyển ra nước ngoài. "Câu hỏi được đặt ra là cuối cùng những nhà đầu tư nước ngoài này sẽ làm gì?", giáo sư Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc của trường SOAS (Anh), nói.