Ngôi chợ bán buôn thực phẩm lớn nhất Bắc Kinh đã trở thành ổ dịch mới nhất của Trung Quốc. Diễn biến làm dấy lên lo ngại làn sóng bùng phát thứ hai đã bắt đầu ở Trung Quốc, với tâm điểm là Bắc Kinh. Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên liên quan đến ổ dịch vào ngày 11/6, thành phố đã ghi nhận thêm 78 ca nhiễm tính đến cuối ngày 14/6.
Chỉ sau một đêm, siêu thị và nhà hàng khắp Bắc Kinh loại hết cá hồi khỏi thực đơn và kệ hàng. Trong khi đó, theo giới chuyên gia Trung Quốc, chưa có bằng chứng kết luận cá hồi hay thớt làm cá là nguồn lây nhiễm virus corona ở chợ Tân Phát Địa, theo CGTN.
Cảnh sát Trung Quốc mang thiết bị bảo hộ phong tỏa chợ Tân Phát Địa, tâm điểm đợt bùng phát Covid-19 mới nhất tại Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock. |
Thực hư giả thuyết cá hồi
Trả lời CCTV ngày 14/6, Yang Peng, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ở Bắc Kinh, cho biết có hai giả thuyết về nguồn lây bệnh.
Thứ nhất, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có thể đã mang mần bệnh, rồi lây sang người tiếp xúc. Thứ hai, người nhiễm bệnh đến chợ và phát tán virus qua ho hoặc nhảy mũi, khiến mầm bệnh bám lên thực phẩm.
Tuy nhiên, theo Cheng Gong, nhà virus học của Đại học Thanh Hoa, nhấn mạnh virus không thể tồn tại trong tế bào loài cá.
"Virus phải dựa vào thụ thể trên vỏ tế bào vật chủ để lây nhiễm cho các tế bào. Không có thụ thể phù hợp, chúng không thể xâm nhập thành công vào tế bào. Mọi bằng chứng cho đến lúc này cho thấy các loại thụ thể đó chỉ tồn tại trong động vật hữu nhũ, không có ở cá", Cheng trả lời Global Times.
Yang Zhanqiu, phó trưởng khoa bệnh và sinh học tại Đại học Vũ Hán, cũng ủng hộ cách lý giải này.
"Không có khả năng bản thân hải sản, trong đó có cá hồi, mang chủng virus corona mới. Tuy nhiên, hải sản có thể bị nhiễm tạp chất bởi nhiều cách trong môi trường ngoài, thông qua quá trình vận chuyển hoặc đóng gói", Yang chia sẻ.
Trong khi đó, báo cáo với Ủy ban Kỷ luật Kiểm tra Trung ương (CCDI), ông Wu Zunyou, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), thừa nhận khó xác định nguồn lây nhiễm tại ổ dịch Tân Phát Địa.
"Chúng tôi không thể kết luận cá hồi là nguồn lây nhiễm chỉ vì phát hiện virus coron trên thớt làm cá của một người bán hàng", chuyên gia cho biết.
Ông Wu đồng thời lưu ý khả năng vật dụng làm cá nhiễm mầm bệnh từ chính người chủ, khách hàng, hoặc những hàng hóa khác có nhiễm virus. Cá hồi "nhiễm" virus corona là gần như bất khả thi, theo CGTN.
Một nghiên cứu khác của Đại học London chỉ ra rằng chủng virus corona có thể lây nhiễm trên nhiều loài thú, nhưng không được ghi nhận ở bò sát, chim và cá.
"Chợ có lượng người và sản phẩm lớn. Khó làm rõ nguồn lây nhiễm trong thời gian ngắn. Chúng tôi cần thu thập mẫu từ nhiều kênh để xác minh, cho kiểm tra mọi cá nhân và sản phẩm có liên quan để hiểu được bức tranh toàn cảnh", Wu trình bày.
Bắc Kinh cho kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm toàn thành sau khi chợ đầu mối Tân Phát Địa trở thành ổ dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Tâm lý lo sợ
Theo người phát ngôn Ủy ban Y tế Bắc Kinh Gao Xiaojun, cơ quan này đã phát hiện 40 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus corona thu thập từ chợ Tân Phát Địa. Chỉ một vài mẫu trong số đó được lấy từ thớt làm thịt cá hồi. Giới chức y tế Trung Quốc cũng kêu gọi người dân không vội phản ứng hoảng sợ, theo China Daily.
Trong khi đó, Zhong Kai, chuyên gia của Hiệp hội Y học Dự phòng Trung Quốc, vẫn kêu gọi người dân Trung Quốc không nên ăn cá hồi sống cho đến khi cơ quan chức năng có kết luận điều tra chính thức. Khoa học chưa chứng minh được virus corona có thể lây nhiễm trực tiếp qua thực phẩm và nước uống vào cơ thể người hay không. Tuy nhiên, Zhong lưu ý rằng SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt các vật thể khác nhau từ vài giờ đến vài ngày.
Theo China Daily, Trung Quốc nhập khẩu gần 80.000 tấn cá hồi đông lạnh và làm mát mỗi năm. Những nguồn cung cấp hàng đầu là quần đảo Faeroe, Australia, Chile, Na Uy và Canada. Cá hồi đông lạnh được vận chuyển bằng đường hàng không ở nhiệt độ thấp. Zhong đánh giá điều kiện này "về mặt lý thuyết vẫn đủ cho virus sống sót, dù khả năng thấp". Dù chưa có bằng chứng nhiễm Covid-19 qua đường ăn uống, tiếp xúc bề mặt mang mầm bệnh khi mua bán và chế biến cũng ẩn chứa rủi ro.
Wall Street Journal cho biết chính quyền thành phố Bắc Kinh đã ra lệnh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm toàn thành. Việc kiểm tra tập trung vào thịt gia súc, gia cầm và cá tươi lẫn đông lạnh tại tất cả siêu thị, nhà kho và dịch vụ ăn uống.
Ông Wu Zunyou cũng kêu gọi những cơ quan hữu quan siết chặt kiểm tra và cách ly các sản phẩm nhập khẩu và đông lạnh, giảm nguy cơ xuất hiện thêm lây nhiễm.
"Nếu cá mang mầm bệnh được chuyển đến Trung Quốc, nhân công tại Trung Quốc sẽ nhiễm bệnh trong quá trình chế biến và dẫn đến lây nhiễm từ người sang người", ông nói.
"Đây mới là phỏng đoán. Cần điều tra dịch tễ học mới có thể khẳng định chắc chắn", Wu cho biết.