Thi sĩ Thế Lữ và bà Song Kim. Nguồn: wikipedia |
Không chỉ nói về trào lưu mặc y phục tân thời, cuốn Áo dài Lemur và bối cảnh Phong hóa & Ngày nay của tác giả Phạm Thảo Nguyên (tên thật Phạm Thị Thảo, con dâu thi sĩ Thế Lữ) còn đề cập những giằng co giữa cái cũ và cái mới trong những năm 1930 của thế kỷ trước.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn cung cấp nhiều thông tin ít người biết đến về các thành viên của Tự lực văn đoàn, cũng như khám phá và làm rõ những đóng góp của họ trong các lĩnh vực nghệ thuật.
Trường hợp Thế Lữ là một ví dụ, ngoài viết văn, sáng tác thơ, thi sĩ còn là kịch sĩ bẩm sinh, tài năng và có thừa đam mê.
Sách Áo dài Lemurr và bối cảnh Phong hóa & Ngày nay (Khai Tâm và NXB Hồng Đức liên kết phát hành). Ảnh: M.C. |
Nhà tôi đi đóng kịch!
Tác giả Phạm Thảo Nguyên kể trong sách, hôm diễn ra đám hỏi của bà, trong lúc nhà trai mang sính lễ tới nhà gái và được đón tiếp ân cần, bà bác, vì không thấy bố chú rể đâu, đã tới hỏi mẹ chú rể: “Thưa bà, thế ông nhà ta làm gì ạ?”. Mẹ chú rể trả lời: “Dạ, nhà tôi đi đóng kịch”.
Một cô bạn của Phạm Thảo Nguyên nghe được đã chạy vào nhà trong kể cho bà nghe và nói: “Trời ơi, bà cụ kỳ quá! Sao không nói nhà tôi là nhà văn hay thi sĩ, mà lại nói nhà tôi đi đóng kịch”.
Phạm Thảo Nguyên và cô bạn nhìn nhau cười, không nói gì. Cô bạn của bà không biết rằng “bà già răng đen” đó đã hiểu chồng mình rất sâu xa. Bà đã nói đúng điều ước mơ lớn nhất trong suốt đời của chồng mình là đi đóng kịch, dựng kịch nói cho nước nhà, cho dù ông nổi tiếng thế nào ở những ngành khác danh giá hơn nhiều.
Cũng trong cuốn sách, tác giả Phạm Thảo Nguyên cho biết năm 1928, khi còn học tại trường Thành Chung, Hải Phòng, lần đầu Thế Lữ tham diễn vở Cái lọ vàng do giáo sư Mai Phương sáng tác theo vở kịch Cái nồi (La Marmite) của Plaute, người Pháp, với vai diễn lão Quý.
Việc trải nghiệm đầu tiên với vở kịch này, cùng với được một ông thầy chỉ cho từng bước đi, cách diễn xuất, đã khắc sâu niềm say mê kịch vào lòng Thế Lữ.
Năm 1937, phong trào sân khấu kịch nói mới xuất hiện và phát triển nhanh, thôi thúc và dấy lên niềm đam mê kịch của Thế Lữ. Thi sĩ đã cùng một số thành viên của Tự lực văn đoàn tham gia mạnh mẽ vào bộ môn mới này và ông mau chóng trở thành một trong những nhà dàn cảnh (đạo diễn), diễn viên xuất sắc.
Thế Lữ hóa trang, chuẩn bị cho vai diễn ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Trần Văn Lưu. |
Muốn xây một nền kịch nói riêng
Theo tác giả Phạm Thảo Nguyên, Thế Lữ là một kịch sĩ bẩm sinh, tự học và thừa đam mê. Sinh thời, ông muốn xây một nền kịch nói riêng cho nước nhà.
Để bắt đầu, Thế Lữ đã cộng tác với ban kịch Tinh hoa của Đoàn Phú Tứ, một thi sĩ kiêm kịch tác gia. Thế Lữ làm dàn cảnh (đạo diễn) và diễn viên. Ban kịch đã trình diễn rất thành công các vở Ghen và Gái không chồng của Đoàn Phú Tứ, Ông Ký Cóp của Vi Huyền Đắc…
Sau khi Tinh Hoa bị đóng cửa, Thế Lữ thành lập ban kịch riêng mang tên mình ở Hải Phòng, nơi đây có một số người trong nghề như Vi Huyền Đắc, Lê Đại Thanh, Lan Sơn… sẵn sàng hợp tác với ông.
Sau khi ban kịch thành lập, Thế Lữ vừa làm dàn dựng cảnh và vừa trực tiếp dạy đóng kịch. Ông chỉ dẫn cho các diễn viên của ban kịch từ dáng đi, giọng nói, diễn xuất. Nhiều người trong số đó đã thành những nghệ sĩ nổi tiếng sau này.
Cũng trong khoảng thời gian này, Thế Lữ gặp bà Song Kim, một người giỏi thiên bẩm về kịch và cũng có ước mơ đam mê sân khấu như ông. Bà Song Kim (sau là người bạn đời thứ hai của Thế Lữ) đã cùng ông xây dựng nền kịch nói.
Năm 1938 đến 1939, ban kịch Thế Lữ công diễn tại Hải Phòng, Hà Nội và một số tỉnh lân cận, với những vở Kim tiền, Ông Ký Cóp, Tiền, Ghen, Đoạn tuyệt (vở kịch do Nguyễn Xuân Đào viết kịch bản theo tiểu thuyết cùng tên rất nổi tiếng của Nhất Linh khi đó)…
Năm 1940, báo Ngày nay bị Pháp đóng cửa, các thành viên Tự lực văn đoàn mỗi người một nơi. Riêng Thế Lữ còn viết lẻ tẻ ít bài đăng báo Thanh Nghị. Sau đó, một số bạn bè mê sân khấu đã kéo tới rủ ông lập lại ban kịch.
Năm 1942, ban kịch Thế Lữ tái xuất hiện. Vở Tục lụy, vừa là kịch thơ, kịch ca nhạc (kịch bản Khái Hưng, Thế Lữ phổ lời thành thơ, Lê Hữu Phước phổ nhạc, dàn nhạc được điều khiển bởi Nguyễn Xuân Khoát) mở đầu cho các buổi công diễn của ban kịch Thế Lữ tại Nhà hát Lớn thành công mỹ mãn.
Từ đây, ban kịch đi vào chuyên nghiệp với nhiều thể loại từ kịch thơ, kịch ca nhạc, tới hài kịch... Tuy nhiên, chỉ ít thời gian sau, ban kịch đã phải hạ màn tan đám vì bị chính quyền thực dân gây khó dễ.
Ít lâu sau, kiến trúc sư Võ Đắc Diên đến mời Thế Lữ hợp tác, lập đoàn kịch Anh Vũ. Thế Lữ nhận lời giữ trách nhiệm nghệ thuật. Ông cùng đoàn đi diễn nhiều nơi, vào tận các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Từ đây cho đến cuối đời, Thế Lữ chỉ làm việc cho bộ môn kịch. Ông bị kịch nói riêng và sân khấu nói chung quyến rũ hoàn toàn.