Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế khó của quốc gia cuối cùng bám trụ chiến lược ‘Zero Covid-19’

Đối mặt đợt bùng phát dịch mới nhất ở Trung Quốc, không ít người đã mệt mỏi và cạn kiệt kiên nhẫn khi giới chức trách vẫn kiên quyết bám trụ chiến lược “Zero Covid-19”.

Trong ngày 29/10, tờ Beijing Daily đã đăng tải một hình ảnh đồ họa chằng chịt những đường nối, thể hiện mối liên hệ của hai ca mắc Covid-19 với những người bị lây nhiễm, nhằm cung cấp cái nhìn chi tiết về đợt bùng phát dịch mới nhất liên quan tới biến chủng Delta ở Trung Quốc.

Hình ảnh được đưa ra trong bối cảnh nhiều người dân ngày càng trở nên thất vọng với tình hình dịch bệnh. Một số người hoang mang, thậm chí không muốn duy trì chiến lược “Zero Covid-19” nữa.

Lợi bất cập hại

Từ khi phát hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược “Zero Covid-19” một cách quyết liệt. Chiến lược này bước đầu thành công khi ngăn chặn được virus corona trên khắp đất nước.

Tính từ năm ngoái, Trung Quốc, với tổng dân số 1,4 tỷ người, chỉ ghi nhận ít hơn 100.000 ca mắc và 4.634 ca tử vong vì Covid-19. Trong khi đó, Mỹ và Vương quốc Anh lần lượt có gần 46 triệu và 9 triệu ca bệnh, cùng với lần lượt 740.000 và 140.000 bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Trong 5 tháng qua, Trung Quốc đã 3 lần đưa số ca nhiễm về 0, nhưng dịch bệnh đang bùng phát thường xuyên hơn trước.

Khoảng cách giữa các đợt bùng phát dịch lớn tại Trung Quốc đã giảm từ 2 tháng trong nửa cuối năm 2020 xuống còn chỉ 12 ngày kể từ tháng 5, thời điểm nước này phát hiện ca mắc chủng Delta đầu tiên.

Nước này vẫn triệt để áp dụng các biện pháp chống dịch khắc nghiệt ngay lập tức khi chỉ xuất hiện vài ca nhiễm mới, bao gồm đóng cửa biên giới, phong tỏa các địa phương, hạn chế người dân di chuyển và xét nghiệm diện rộng. Công dân Trung Quốc ở nước ngoài cũng hiếm khi đặt được vé máy bay nội địa.

Trung Quoc kiet que vi chien luoc ‘Zero Covid-19’ anh 1

Nhân viên y tế tại khu vực Nội Mông. Ảnh: AFP.

Hôm 28/10, một chuyến tàu cao tốc từ Thượng Hải đến Bắc Kinh đã phải dừng khẩn cấp do giới chức xác định một nhân viên trên tàu có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Sự việc đã khiến toàn bộ 211 hành khách phải đi cách ly tập trung.

Tính đến ngày 29/10, đợt bùng phát dịch mới nhất đã khiến 300 người ở 12 tỉnh bị lây nhiễm. Trước tình hình này, giới chức Trung Quốc tiến hành xét nghiệm hàng loạt, tạm ngừng việc di chuyển và phát lệnh phong tỏa với một số địa phương.

Tại kỳ Ejin ở vùng Nội Mông, nhiều khách du lịch thấy hoang mang vì bị mắc kẹt lâu ngày. Kỳ là một đơn vị hành chính (tương đương một huyện) tại khu tự trị Nội Mông.

Hôm 30/10, một trưởng đoàn du lịch ở Ejin cho biết du khách của ông đã mắc kẹt suốt 6 ngày, trong đó có một số người cao tuổi thiếu thuốc điều trị.

Khi phần còn lại của thế giới dần mở cửa và quyết định sống chung với đại dịch, Trung Quốc vẫn kiên trì bám trụ với chiến lược “Zero Covid-19”. Các nhà phân tích và chuyên gia y tế đang hoài nghi rằng liệu chiến lược này sẽ kéo dài được bao lâu.

Chuyên gia về chính sách y tế công Yanzhong Huang tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York nhận định: “Cách tiếp cận này khá phổ biến trong thời gian gần đây. Song mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn, do những điểm bất cập đang nhiều hơn điểm thuận lợi”.

Trên mạng xã hội ở Trung Quốc vẫn có những ý kiến ủng hộ cách tiếp cận "Zero Covid-19". Song tại Bắc Kinh, không ít cư dân đang thấy thất vọng và lo ngại vì cuộc sống ngày càng căng thẳng. Một người bức xúc chia sẻ: “Ở đâu cũng áp lệnh cấm ăn uống và phong tỏa”.

Tiến thoái lưỡng nan

Giáo sư Chunhuei Chi tại Đại học bang Oregon, Mỹ, nhận xét: “Ở nhiều nơi trên thế giới, đại dịch đã kéo dài gần 2 năm và gây ra sự mệt mỏi. Điều này chắc chắn cũng ảnh hưởng đến người dân Trung Quốc”.

Nhận định về việc Bắc Kinh quán triệt bám trụ với chiến lược “Zero Covid-19”, ông Chi cho rằng giới chức nước này coi chống dịch là thành trì quan trọng để bảo vệ uy tín quốc gia trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng và nhà ở cũng đang gây ra không ít sóng gió.

Ngoài ra, giới chức trách Trung Quốc cũng cố gắng thể hiện thế giới về khả năng chống dịch khi nhiều ánh mắt hướng vào nước này vì là nơi khởi phát dịch trước tiên.

Trung Quoc kiet que vi chien luoc ‘Zero Covid-19’ anh 2

Người dân Trung Quốc xếp hàng để xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Shutterstock.

“Ngay từ đầu, Trung Quốc đã muốn cho thế giới thấy khả năng và độ tin cậy trong việc kiểm soát đại dịch. Họ muốn chứng minh rằng Trung Quốc đã ngăn chặn dịch Covid-19 thành công và có thể huy động mọi nguồn lực sẵn có”, ông Chi phân tích.

Chuyên gia Huang tại New York cho rằng Bắc Kinh, ở một mức độ nào đó, cũng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, đặc biệt là trước thềm Thế vận hội Mùa đông vào đầu năm sau.

Bắc Kinh đã thừa nhận đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất đối với Thế vận hội Mùa đông và Paralympics trong tháng 2 và tháng 3 năm sau.

Mới đây, giới chức Trung Quốc đã công bố các bộ hướng dẫn, trong đó yêu cầu người tham gia đại hội thể thao phải kiểm dịch và sống trong “bong bóng khép kín” suốt thời gian thi đấu.

Đến nay, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 97.080 ca mắc và 4.636 ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers.

Trung Quốc phong tỏa ba thành phố vì Covid-19

Số cư dân bị áp đặt lệnh ở nhà đã lên tới 6 triệu người sau khi Trung Quốc đưa thành phố thứ ba vào tình trạng phong tỏa ngày 28/10 để khống chế sự gia tăng ca nhiễm mới.

Nhiều thành phố Trung Quốc ban bố chế độ 'sắp chiến tranh' vì Covid-19

Nhiều thành phố biên giới phía đông bắc Trung Quốc siết chặt biện pháp chống dịch, kích hoạt chế độ "sắp chiến tranh" để đối phó với Covid-19.

Trung Quốc sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em 3-11 tuổi

Trẻ em trong nhóm 3-11 tuổi ở Trung Quốc sẽ được tiêm vaccine Covid-19, trong bối cảnh số ca mắc mới ở nước này đang gia tăng.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm