Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế khó của nhân viên được 'thăng chức trong im lặng'

Khi được sếp giao thêm nhiều đầu việc nhưng lương và chức vụ không tăng lên có thể khiến nhân viên cảm thấy bị lợi dụng, bóc lột sức lao động và căng thẳng tinh thần.

Nhiều nhân viên rơi vào cảnh khó xử khi được "thăng chức trong im lặng". Ảnh minh họa: Alena Darmel.

Nếu nhận thấy thời gian gần đây, nhiệm vụ được giao ngày càng chồng chất và phải gánh những trách nhiệm nằm ngoài chức danh của mình, rất có thể bạn đang rơi vào cảnh được "thăng chức trong im lặng".

Theo Stylist, mọi người đã quen với thuật ngữ "quiet quitting" (nghỉ việc trong im lặng), mô tả cách nhân viên chỉ hoàn thành vừa đủ trách nhiệm và từ chối làm thêm; hay "quiet firing" (âm thầm sa thải), nói về việc cấp trên lặng lẽ gạt bạn sang một bên, từ chối tăng lương hoặc nói không với các yêu cầu.

Tương tự, "quiet promotion" (thăng chức trong im lặng) tóm tắt một tình huống khó xử trong sự nghiệp mà không ít người trong chúng ta đang đối mặt: khi nhân viên được giao nhiều công việc và trách nhiệm hơn trong thời gian dài, nhưng không có dấu hiệu được tăng lương hoặc thăng hạng chức danh.

Con dao hai lưỡi

Theo một cuộc khảo sát của trang web đánh giá nhà tuyển dụng JobSage, 78% người lao động từng trải qua việc bị tăng khối lượng công việc mà không có thêm thù lao, 73% bị người quản lý yêu cầu họ đảm nhận thêm công việc.

Claire Warner, một nhà tư vấn về văn hóa và phúc lợi nơi làm việc, cho biết thăng chức trong thầm lặng như con dao hai lưỡi: "Nhiều người trong chúng ta muốn tiến bộ trong công việc, nhưng ranh giới giữa thúc đẩy phát triển và bị bóc lột là rất mong manh".

Victoria McLean, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty tư vấn nghề nghiệp City CV, các dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn bao gồm được yêu cầu trở thành "người làm việc theo nhóm" hoặc giúp đỡ ai đó khi họ nghỉ dài hạn, bạn chỉ được giao thêm phần việc chứ không có yêu cầu rõ ràng và không có cơ hội từ chối.

Sự thăng chức lén lút mà không đi kèm lợi ích nào thường xảy ra trùng hợp với thời điểm một đồng nghiệp nào đó rời đi và một số (hoặc tất cả) đầu việc của họ được "tạm thời" chuyển qua cho bạn.

phat trien su nghiep anh 1

Tăng thêm trách nhiệm nhưng không đi kèm với lợi ích có thể khiến nhân viên cảm thấy bị lợi dụng. Ảnh minh họa: Arina Krasnikova/Pexels.

Đó cũng có thể là hậu quả của việc tái cấu trúc tổ chức, nhằm cắt giảm hoặc hợp lý hóa chi phí tiền lương hoặc xảy ra trong thời kỳ tuyển dụng bị đóng băng, Warner cho biết.

Hậu quả của "Great Resignation" (làn sóng đại từ chức) cùng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có tác động dây chuyển đến nhiều doanh nghiệp. Chúng ta đang ở trong tình thế hoàn hảo để "thăng chức trong im lặng" có dịp bùng nổ.

Thật vậy, theo khảo sát của JobSage, 67% nhân viên đã phải nhận thêm khối lượng công việc sau khi một đồng nghiệp rời công ty.

Warner cho biết thêm: "Việc khai thác sức lao động này không phải lúc nào cũng có chủ ý, nhưng thật không may, đôi khi nó được coi là cơ hội để doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, ngăn chặn sự gián đoạn hoặc vì không muốn mất thời gian tuyển dụng nhân viên".

Nếu bạn được giao thêm nhiệm vụ mới, ban đầu nó giống như một lời khen ngợi. Ban đầu, sự thăng chức thầm lặng khiến tinh thần nhân viên được nâng cao: họ hài lòng khi được chú ý, được xem là xứng đáng và có khả năng đảm nhận thêm công việc và cũng muốn thử thách.

Nhưng khi "thử thách bổ sung" đó thành nhiệm vụ kéo dài mà không đi kèm sự công nhận (bằng chức danh) hay phần thưởng nào, thì động lực tinh thần ban đầu sẽ sớm biến thành "niềm chua chát".

Nếu thấy khối lượng công việc của mình tăng gấp đôi nhưng lương vẫn giữ nguyên, trong khi người khác đang leo lên nấc thang mới trong sự nghiệp, trong bạn dễ xuất hiện cảm xúc oán giận. Từ đó dẫn đến sự thất vọng và cảm thấy mình bị lợi dụng, đặc biệt khi tình huống tương tự không xảy đến với đồng nghiệp thân thiết.

"Điều đó cũng có thể gây căng thẳng, kiệt sức và thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe nhân viên", McLean nhận định.

Chiêu trò thiển cận của người lãnh đạo

"Thăng chức trong im lặng" bị xem là chiến thuật thiển cận của người sử dụng lao động. Nó có vẻ là cách dễ dàng để tiết kiệm tiền lương, nhưng McLean cho rằng điều đó "không tốt cho văn hóa công ty và thường đẩy nhân viên đi tìm một công việc khác".

phat trien su nghiep anh 2

Khi cảm thấy mình bị lợi dụng, quá sức, hãy nói chuyện với người quản lý của bạn. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Nếu thấy mình đang được thăng chức trong im lặng, trước tiên hãy xem xét những công việc bạn được giao thêm. Bạn có thể dùng các trách nhiệm bổ sung đó để tạo lợi thế nếu trong đó có thứ phù hợp với nguyện vọng nghề nghiệp tương lai.

"Hãy đón nhận thử thách, học những kỹ năng mới, bổ sung kinh nghiệm cá nhân. Tất cả điều đó sẽ mang lại cơ hội được tuyển dụng của bạn trong tương lai", McLean nói.

Hoặc ít nhất, chấp nhận thử thách đó cho thấy bạn là người "dễ thích nghi" và có thể "thay đổi trọng tâm và tốc độ", điều này chắc chắn sẽ đẹp trong bất kỳ CV nào.

Trong những trường hợp bạn cảm thấy thoải mái khi bị thăng chức trong thầm lặng, hãy nhớ rằng giao tiếp chính là chìa khóa. Việc nói chuyện với quản lý để chia sẻ cảm xúc của mình là rất quan trọng, nhưng hãy chắc chắn tìm ra điều mình muốn nói trước.

Trong trường hợp tệ nhất, khi cấp trên từ chối nguyện vọng đã nêu, bạn còn lại một bộ kỹ năng và kinh nghiệm mới để điền vào CV. Hãy sẵn sàng đi tìm một công việc mới, nơi sếp đánh giá và trao cho bạn lợi ích tương xứng.

Cảm xúc tiêu cực tuổi 20

The Inner Game of Tennis là tác phẩm nổi tiếng được viết bởi Gallwey - một huấn luyện viên tennis chuyên nghiệp ở miền nam California. Đây cũng là cuốn sách giúp Bill Gates thoát khỏi thói quen tự trách khi gặp thất bại và hình thành phong cách lãnh đạo của ông. "Đó là cuốn sách hay nhất về tennis mà tôi từng đọc, và những lời khuyên sâu sắc trong đó có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống", nhà sáng lập Microsoft viết.

5 bước giúp thúc đẩy sự nghiệp trong năm mới

Tư duy dài hạn, không ngừng học hỏi, xây dựng mạng lưới quan hệ chất lượng là những yếu tố giúp bạn xây dựng sự nghiệp thành công.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm