Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế khó của Nhà Trắng trong vụ rò rỉ rúng động từ Tòa án Tối cao

Vụ việc bản dự thảo của Tòa án Tối cao Mỹ rò rỉ đã phơi bày sự phân cực giữa nhánh hành pháp và tư pháp, giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở nước này.

Ngày 2/5, vài giờ sau khi bản dự thảo chi tiết cho thấy Tòa án Tối cao Mỹ có thể hủy bỏ quyền phá thai bị rò rỉ, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ đấu tranh để bảo vệ quyền tiếp cận phá thai.

"Chúng tôi sẵn sàng đấu tranh khi bất kỳ phán quyết nào được đưa ra", ông cho biết.

Trong khi các quan chức Nhà Trắng đã chuẩn bị cho kịch bản tòa án sẽ lật lại vụ Roe kiện Wade từ nhiều tháng trước đó, sự kiện rò rỉ tài liệu lần này vẫn khiến họ bối rối. Theo Washington Post, các quan chức của chính quyền Tổng thống Biden đã thật sự bối rối khi nhận ra rằng họ có rất ít cách để đẩy lùi phán quyết của Tòa án Tối cao. Gần như bất kỳ nỗ lực hành pháp nào của họ cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức đến từ tòa án và đảng Cộng hòa.

ro ri chan dong anh 1

Roe kiện Wade là một quyết định năm 1973 mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Mỹ, trong đó tòa phán quyết rằng Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do của một phụ nữ mang thai được chọn phá thai mà không bị chính phủ hạn chế quá đáng. Ảnh: The Conversation.

Những nỗ lực của Nhà Trắng

Cơ quan có nhiều quyền hạn nhất trong việc tăng cường khả năng tiếp cận phá thai là Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.

Bộ này giám sát Medicaid - chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp.

Vì vậy, các quan chức Nhà Trắng đang xem xét liệu chính quyền có thể cung cấp tài trợ thông qua Medicaid hay một cơ chế khác để giúp phụ nữ di chuyển đến bang khác để phá thai hay không.

Trước đó, vào tháng 12/2021, chính quyền của Tổng thống Biden đã đạt được một thành công lớn, khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ quyết định cho phép kê đơn thuốc phá thai qua dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa. Trước đây, phụ nữ Mỹ phải đến lấy thuốc trực tiếp tại các bệnh viện hoặc phòng khám.

Bên cạnh đó, gần đây chính quyền còn lập khoản tài trợ mang tên “Dire Need” trị giá 6,6 triệu USD nhằm mở rộng khả năng tiếp cận với các dịch vụ tránh thai khẩn cấp và kế hoạch hóa gia đình.

Thu hút cử tri

Là một người theo đạo Công giáo, Tổng thống Biden ban đầu phản đối việc nạo phá thai. Kể từ khi lên nắm quyền tại Nhà Trắng vào tháng 1/2021, hôm 3/5 vừa rồi mới là lần đầu tiên ông nói đến từ “phá thai”.

Thay vì cố gắng giải quyết vấn đề thông qua các nỗ lực hành pháp, ông Biden cho rằng cách hiệu quả nhất để đối phó với sự sụp đổ tiềm tàng của quyền phá thai là bầu thêm các nhà lập pháp ủng hộ quyền này.

“Nếu tòa án lật ngược vụ Roe kiện Wade, các quan chức được bầu ở cấp chính quyền sẽ là những người gánh trên vai trách nhiệm bảo vệ quyền của phụ nữ. Những quan chức ấy sẽ được chính các cử tri lựa chọn vào tháng 11 tới".

"Ở cấp liên bang, chúng tôi cần nhiều thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ ủng hộ quyền phá thai hơn, để từ đó có thể luật hóa việc phá thai”, ông Biden nói.

Các cố vấn của ông Biden cũng coi quyền phá thai là một vấn đề có khả năng thu hút cử tri trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kì vào tháng 11.

Trong một năm đảng Dân chủ gặp khó khăn về số phiếu bầu, các nhà lãnh đạo đảng hy vọng rằng nếu Tòa án Tối cao ra phán quyết chống phá thai, các cử tri Dân chủ sẽ bày tỏ sự tức giận của họ thông qua những lá phiếu.

Trên thực tế, ông Biden và các đồng minh đã cố gắng tạo ra một sự tương phản rõ nét hơn với đảng Cộng hòa trong những tuần gần đây.

Vấn đề phá thai có khả năng trở thành một công cụ chủ chốt, theo đó đảng Dân chủ cảnh báo rằng việc trao quyền lực cho đảng Cộng hòa sẽ dẫn đến một loạt các hành động mạnh mẽ hơn nhằm hủy bỏ quyền phá thai.

ro ri chan dong anh 2

Theo một cuộc thăm dò của Washington Post, 54% người Mỹ nghĩ rằng quy định hợp pháp hóa việc phá thai nên được giữ nguyên, trong khi 28% tin rằng nó nên bị hủy bỏ. Ảnh: The Conversation.

Một tòa án của đảng Cộng hòa

Trong số 9 thẩm phán tại Tòa án Tối cao Mỹ hiện nay, có đến 6 người thuộc đảng Cộng hòa. Vì vậy, những năm gần đây đảng Cộng hòa nhận được sự ủng hộ từ nhánh tư pháp để thông qua các đạo luật ngày càng khắt khe với quyền phá thai.

Đảng Dân chủ lo lắng về việc đảng Cộng hòa sẽ đi quá xa, không chỉ tạo ra những đạo luật phi pháp hóa việc phá thai, mà còn có thể kết tội bất kỳ ai cho phép thực hiện hành động này, bao gồm cả bác sĩ và cha mẹ.

Trong một bài phát biểu hôm 3/5, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chỉ trích gay gắt những nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm hạn chế quyền tiếp cận phá thai.

“Những nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa đang cố gắng vũ khí hóa luật pháp để chống lại chúng tôi, những người phụ nữ. Sao họ dám làm vậy? Sao họ dám nói với một người phụ nữ những gì cô ấy có thể làm và không thể làm với cơ thể của chính mình? Sao họ dám ngăn cản cô ấy quyết định tương lai của chính mình?”, bà Harris nhấn mạnh.

Nước Mỹ rúng động vì 98 trang tài liệu rò rỉ từ Tòa án Tối cao

Việc Politico tiết lộ bản dự thảo chi tiết cho thấy Tòa án Tối cao Mỹ có thể hủy bỏ quyền phá thai được coi là trường hợp cực kỳ hiếm gặp trong suốt nhiều năm qua tại nước này.

Hàng trăm người biểu tình đổ đến trước thềm Tòa án Tối cao Mỹ

Những người ủng hộ quyền lựa chọn trong việc phá thai ngày 3/5 đã tập trung trước Tòa án Tối cao Mỹ sau khi có tin tức rò rỉ về việc luật phá thai có thể bị đảo ngược.

Lê Ngọc

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm