Khi Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực “thổi làn gió mới” vào các lực lượng quân đội vốn không nhận được nhiều sự quan tâm từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một vấn đề nan giải nổi lên: Nền công nghiệp quốc phòng của lục địa già chỉ phù hợp với thời bình và không thể cung cấp đủ vũ khí để họ đối phó với những mối đe dọa mới.
Nói một cách đơn giản, châu Âu không có đủ vũ khí, đạn dược và các hệ thống công nghệ cao so với mức cần thiết - vốn tăng mạnh từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine hồi tháng 2.
Kể từ thời điểm đó, các quốc gia EU cũng đã cam kết chi hơn 230 tỷ euro để hiện đại hóa kho vũ khí. Dù vậy, Moscow không phải nguyên nhân duy nhất.
Một số quốc gia châu Âu - đặc biệt là Pháp - từ lâu đã nuôi tham vọng giúp EU không phụ thuộc vào “cái ô bảo vệ” của quân đội Mỹ, cũng như ngành công nghiệp quốc phòng đồ sộ bên kia Đại Tây Dương. Cuộc xung đột ở Ukraine như đốm lửa thổi bùng thêm quyết tâm của họ.
“Chúng tôi nhận được lời khuyên từ những người bạn Mỹ: ‘Hãy đầu tư cho kho trang bị chiến lược. Sẽ có thời điểm mà chúng tôi - nước Mỹ - cần toàn tâm can dự vào một nơi nào khác ở châu Á - Thái Bình Dương và không thể hỗ trợ các anh'”, ông Jiří Šedivý, lãnh đạo Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), chia sẻ với Politico.
Môi trường an ninh mới
Các tập đoàn quốc phòng châu Âu đang cố gắng tăng cường năng lực và khả năng sản xuất. Ông Micael Johansson, Giám đốc điều hành Saab - công ty công nghiệp quốc phòng Thụy Điển đã thiết kế tên lửa vác vai NLAW, cho biết họ đã đầu tư số tiền lớn để đảm bảo có thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Dù vậy, các nước châu Âu vẫn đang tìm đến các nhà cung cấp bên ngoài, từ Mỹ tới những cái tên mới hơn như Hàn Quốc.
Một xe tăng K2 của hãng Hyundai Rotem (Hàn Quốc) được trưng bày ở Seoul năm 2021. Loại xe tăng này mới được Ba Lan đặt mua với số lượng lớn hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: Reuters. |
Mối quan tâm gia tăng của châu Âu với năng lực quốc phòng phản ánh xu thế gia tăng chi tiêu quân sự đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, theo tiến sĩ Lucie Béraud-Sudreau tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI). Tổng lượng chi tiêu quốc phòng hàng năm trên thế giới đã vượt mốc 2.000 tỷ USD.
“Chi tiêu (quốc phòng) đã tăng mạnh sau khi Nga bắt đầu 'chiến dịch' hồi tháng 2”, bà Béraud-Sudreau nói. “Châu Âu vẫn đang bám đuổi, lấp đầy và thay mới kho vũ khí hiện có”.
Nhu cầu của châu Âu rất đa dạng, từ vũ khí trên bộ, trên biển, trên không, trên không gian mạng, cũng như các khí tài nhằm tăng cường khả năng liên lạc, cơ động hay tình báo.
Tuy vậy, các doanh nghiệp châu Âu sẽ mất nhiều năm để có thể sản xuất các loại khí tài phức tạp hơn. Nhiều loại vũ khí hiện đại vẫn chỉ có thể được mua từ nước ngoài.
“Vấn đề với nền công nghiệp quốc phòng châu Âu là việc họ thường sản xuất các loại vũ khí phức tạp ở quy mô nhỏ trong thời gian dài, điều phù hợp với bối cảnh thời bình”, ông David Chour, Giám đốc tài chính của tập đoàn vũ khí Czechoslovak Group (CSG), nói. “Nhưng môi trường an ninh đã thay đổi. Các khoản đầu tư hàng tỷ (euro) là điều cần thiết lúc này”.
Ngoài nguồn tài chính, nhân lực cũng là một vấn đề với các công ty sản xuất vũ khí. Ông Nicolas Chamussy, Giám đốc điều hành công ty vũ khí Pháp Nexter, mới đây kêu gọi EU thiết lập một “kho nhân lực” cho lĩnh vực này, cũng như đề xuất mời trở lại những người đã nghỉ hưu hay từ doanh nghiệp khác, Reuters cho biết.
Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng đang trích một phần đáng kể từ kho vũ khí của mình để viện trợ cho Ukraine.
Tên lửa NLAW - sản phẩm của nền công nghiệp quốc phòng châu Âu - được một binh sĩ Ukraine sử dụng. Ảnh: Quân đội Ukraine. |
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây chỉ ra việc gửi vũ khí cho Ukraine khiến kho dự trữ của một số quốc gia sụt giảm, nhưng ông không nghĩ đây là vấn đề lớn, theo DW.
“Khi cuộc xung đột ngày càng kéo dài, việc bổ sung kho vũ khí là điều ngày càng quan trọng”, ông nói.
Lời kêu gọi không mới
Từ lâu, Pháp đã là quốc gia đi đầu trong việc kêu gọi thiết lập mạng lưới quốc phòng mang tính “tự chủ chiến lược” của châu Âu. Trong một cuộc triển lãm vũ khí hồi tháng 7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí kêu gọi các nước láng giềng xây dựng “nền kinh tế thời chiến”.
Lời kêu gọi này không chỉ có lợi cho châu Âu, mà còn có lợi cho chính nước Pháp.
“Pháp có nền công nghiệp quốc phòng tinh xảo ở mọi lĩnh vực”, ông Tom Waldwyn, chuyên gia nghiên cứu buôn bán vũ khí tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IISS), nói. “Các chính phủ Pháp nối tiếp nhau cũng đã sử dụng các thương vụ trang thiết bị quốc phòng để đảm bảo quan hệ chính trị với các quốc gia khác”.
Từ năm 2015, EU và EDA đã đề ra biện pháp ưu đãi thuế để khuyến khích các quốc gia mua vũ khí ngay từ trong khối. EU mới đây cũng đã khởi động một quỹ trị giá 500 triệu euro để mua vũ khí chung nhằm đối phó với cuộc xung đột tại Ukraine. Dù vậy, quy mô của những nỗ lực này vẫn là quá nhỏ so với nhu cầu.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp quốc phòng EU cũng gặp phải thách thức khi khối này vẫn phụ thuộc vào nhiều sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài.
Máy bay chiến đấu Eurofighter - một biểu tượng của hợp tác sản xuất vũ khí giữa các nước châu Âu. Ảnh: Reuters. |
“Một phần của sự tự chủ chiến lược là giảm sự phụ thuộc chiến lược vào các quốc gia hay chủ thể không chia sẻ giá trị chung với chúng ta, thậm chí là nước cạnh tranh hay đối thủ chiến lược”, ông Šedivý nói.
Chip bán dẫn là ví dụ điển hình của điều châu Âu đang thiếu hụt, khi lục địa già chỉ chiếm khoảng 10% thị phần chip thế giới. Giới lãnh đạo công nghiệp cho rằng nguồn vốn của EU nhằm kích thích ngành sản xuất chip trong khối vẫn là chưa đủ.
Vấn đề này được dự báo sẽ còn gia tăng, khi các hệ thống vũ khí tiên tiến sẽ cần dựa nhiều hơn vào công nghệ.
“Đương nhiên đây là vấn đề nghiêm trọng”, ông Johansson, Giám đốc điều hành Saab, nói. “Thật điên rồ khi chúng ta quá phụ thuộc về nguồn cung những linh kiện bán dẫn tinh vi”.
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định chưa chắc EU có thể đưa ra hành động chung một cách nhanh chóng để giải quyết thế khó này. Các quyết định mua sắm quốc phòng thuộc về các quốc gia, thay vì Brussels, dựa trên nhu cầu và ảnh hưởng của từng nước.
“Vấn đề mua sắm trang thiết bị quốc phòng thuộc về chủ quyền của mỗi quốc gia”, ông Johansson nói. “Không có cách nào để buộc họ làm cùng nhau. Họ cần phải có lợi ích gì đó khi làm vậy”.