Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thế khó của Mỹ trước Triều Tiên

Theo giới chức Washington, việc thiếu thông tin tình báo về Triều Tiên đang hạn chế khả năng của Mỹ trong việc suy đoán ý định của Bình Nhưỡng trước một loạt vụ thử tên lửa.

Trieu Tien thu ten lua anh 1

Các vụ thử tên lửa gần đây đã khiến giới chức Mỹ lo ngại rằng Triều Tiên có thể thử hạt nhân. Theo AFP, giới chức Washington đã cảnh báo trong nhiều tháng về động thái này.

Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đáp trả một loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên bằng việc điều một tàu sân bay đến khu vực. Trong cuộc điện đàm với thủ tướng Nhật Bản, ông Biden cũng cam kết sẽ phối hợp thực hiện "phản ứng lâu dài hơn" đối với Triều Tiên, theo CNN.

Tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng đã từ chối tiết lộ bất kỳ phân tích hoặc đánh giá nào để làm sáng tỏ lý do số vụ phóng của Triều Tiên gia tăng. Nguyên nhân họ đưa ra là không thể công khai thông tin tình báo mật.

Tuy nhiên, hai nguồn tin thân cận thừa nhận một vấn đề trọng tâm trong việc nắm bắt ý định của Triều Tiên là thiếu thông tin tình báo.

Chris Johnstone, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định Mỹ có hiểu biết tương đối đầy đủ về khả năng tên lửa của Triều Tiên, nhưng lại gặp khó khăn về việc suy đoán ý định của nhà lãnh đạo nước này.

Vì sao Mỹ gặp khó khăn khi thu thập tin tình báo?

Triều Tiên phần lớn đóng cửa với phần còn lại của thế giới từ lâu. Công nghệ cũng không được sử dụng rộng rãi ở nước này, từ đó gây khó khăn cho cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh trong việc thu thập thông tin.

Điều đó khiến Nhà Trắng không thể thu thập được loại thông tin có thể giúp họ dự đoán chính xác thời điểm một vụ thử tên lửa có thể xảy ra hoặc cho phép hiểu rõ hơn về suy nghĩ của ông Kim Jong Un.

John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thừa nhận “khả năng khai thác thông tin tình báo về Bình Nhưỡng của chúng tôi khá hạn chế”. Do đó, thật khó để biết điều gì đang thúc đẩy Triều Tiên gia tăng vụ thử tên lửa.

Theo ông Kirby, những gì họ biết là việc Triều Tiên đang tiếp tục cố gắng cải thiện chương trình và khả năng của tên lửa.

Cộng đồng tình báo biết một số thông tin về bộ máy lãnh đạo của ông Kim, cũng như cách quyết định được đưa ra, ông Johnstone nhận định. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng luôn phụ thuộc vào ông Kim. Bên cạnh đó, bộ máy lãnh đạo của Triều Tiên cũng khá nhỏ, và họ không rời khỏi đất nước, từ đó tạo thêm khó khăn cho Mỹ, theo ông Johnstone.

Vụ phóng mới nhất đánh dấu lần thứ 24 Triều Tiên thử tên lửa trong năm nay, và được thực hiện vài ngày sau khi họ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, theo New York Times.

Các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp dụng hầu như không ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, biện pháp ngoại giao để thúc giục Bình Nhưỡng ngừng chương trình vũ khí cũng có rất ít tiến triển.

Giới chức Mỹ đã chuẩn bị trong nhiều tháng, bắt đầu vào mùa xuân khi thông tin tình báo cho thấy hoạt động mới tại một trong những địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên. Điều này diễn ra gần với thời điểm ông Biden công du châu Á.

Các trợ lý Nhà Trắng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả, song vụ thử đã không diễn ra trong chuyến đi của ông Biden. Điều đó cho thấy giới hạn của tình báo Mỹ trong việc dự đoán chính xác khi nào hoặc tại sao Triều Tiên có thể thử nghiệm vũ khí tiên tiến của mình.

Trieu Tien thu ten lua anh 2

Hình ảnh vệ tinh thương mại được sử dụng để theo dõi chương trình vũ khí của Triều Tiên. Ảnh: Maxar Technologies.

Giới chức và các nhà phân tích dự đoán Mỹ sẽ không nhận được nhiều cảnh báo về một vụ thử hạt nhân. Trong khi đó, cơ quan tình báo và quân đội Mỹ đánh giá Triều Tiên có thể sẵn sàng tiếp tục thử hạt nhân dưới lòng đất bất cứ lúc nào.

Điều đó phần lớn dựa trên hình ảnh vệ tinh cho thấy công tác chuẩn bị trên mặt đất tại bãi thử Punggye-ri dường như đã hoàn tất.

Theo ông Kirby, “điều khiến chúng tôi quan ngại là bất cứ điều gì xảy ra trong những vụ phóng này - chúng đi được bao xa và liệu chúng thành công hay thất bại”, Triều Tiên sẽ rút được kinh nghiệm sau đó.

Thách thức lâu dài với Mỹ

Tuy nhiên, việc xác định chính xác tại sao Triều Tiên thử tên lửa vào bất kỳ thời điểm cụ thể nào đã chứng tỏ một thách thức lâu dài đối với chính quyền Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.

Đối với ông Biden và các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu, việc giải mã ý định của Triều Tiên khi nước này tăng tốc thử nghiệm vũ khí dường như trở nên khó khăn.

“Quan điểm của chúng tôi về ngoại giao và đối thoại không thay đổi”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel cho biết khi được hỏi liệu chính quyền ông Biden có đánh giá lại chính sách đối với Triều Tiên trước các vụ thử tên lửa gần đây.

Trieu Tien thu ten lua anh 3

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát một vụ thử vũ khí của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Trong khi đó, khi được hỏi về chính sách nào chính quyền Biden có thể áp dụng trong việc cố gắng cắt giảm chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, ông Lewis chỉ ngắn gọn đáp: “Không có”.

“Khi Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, sẽ có những lựa chọn về cách thuyết phục và hoặc gây áp lực để họ không chế tạo chúng. Thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân mà nước này đã có là một trò chơi hoàn toàn khác”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng thiếu vắng sự kết nối với Trung Quốc trong khu vực về vấn đề này. Theo một số quan chức cấp cao của Mỹ, khi căng thẳng Mỹ - Trung đạt đến đỉnh điểm trong vài tháng qua, liên lạc thực chất giữa giới chức hai nước cũng gần như bị đóng băng.

Sự vắng mặt của Trung Quốc khi các quan chức Mỹ gặp khó khăn trong việc suy đoán ý định của ông Kim sẽ tạo ra một thách thức lớn, do Bắc Kinh đóng vai trò đối thoại trung tâm giữa Mỹ với các đồng minh và Triều Tiên.

Trong tuần này, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Trung Quốc cho rằng các vụ phóng tên lửa gần đây là kết quả của các hành động gây hấn của Mỹ trong khu vực.

Ông Cảnh Sảng - phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc - đã kêu gọi Washington có một cách tiếp cận hòa giải hơn.

"Các cuộc thảo luận góp phần làm giảm bớt căng thẳng, thay vì thúc đẩy leo thang. Họ nên thúc đẩy nối lại đối thoại thay vì nhân rộng khác biệt, tạo ra sự đoàn kết thay vì chia rẽ”, ông nói, theo Reuters.

Trời đêm rực sáng sau vụ phóng tên lửa 'xịt' của Hàn Quốc Video trên mạng xã hội cho thấy một quả cầu lửa nổi lên gần căn cứ không quân Hàn Quốc sau khi một tên lửa đạn đạo của Seoul gặp trục trặc và rơi xuống đất vào ngày 5/10.

Hội đồng Bảo an chia rẽ vì tên lửa Triều Tiên

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục thể hiện sự chia rẽ qua cuộc tranh luận hôm 5/10 về cách phản ứng sau vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên qua lãnh thổ Nhật Bản.

Hàn Quốc huy động chiến đấu cơ vì Triều Tiên diễn tập ném bom

Hàn Quốc đã điều máy bay phản lực vào ngày 6/10 sau khi quan sát thấy ít nhất 12 máy bay chiến đấu của Triều Tiên bay theo đội hình.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm