Khi nhận được câu hỏi của Politico hôm 30/9 về khả năng ủng hộ Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từ chối xác nhận một cách rõ ràng, nhưng tuyên bố bà ủng hộ động thái “đảm bảo an ninh” cho Kyiv.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo nước này đã nộp đơn gia nhập NATO, và chỉ vài giờ trước khi Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ trợ 12 tỷ USD cho Kyiv trước những tháng mùa đông.
Sự thận trọng của bà Pelosi cho thấy thế khó của Mỹ trước yêu cầu từ Kyiv: Vừa không muốn bị kéo vào cuộc xung đột với Nga, vừa không muốn thẳng thừng từ chối Ukraine - điều có thể bị xem là “bước lùi” trong cam kết bảo vệ quốc gia Đông Âu này, theo Politico.
Một số chính trị gia tại Moscow cũng tỏ ra tin tưởng Mỹ sẽ không lựa chọn đối đầu trực diện với Nga. Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev hôm 27/9 tuyên bố NATO sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung tại Ukraine, kể cả khi Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân, vì “an ninh của Washington, London, Brussels quan trọng với NATO hơn là số phận của Ukraine”, theo Interfax.
Quan điểm khác biệt
Hôm 30/9, Tổng thống Ukraine Zelensky có bài phát biểu trực tuyến kêu gọi kết nạp nhanh quốc gia này vào NATO, ngay sau khi Nga tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson.
“Tin tưởng lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau và bảo vệ lẫn nhau - đây chính là bản chất của NATO trên thực tế. Hôm nay, Ukraine nộp đơn để hiện thực hóa điều này về mặt pháp lý”, ông Zelensky nói.
“Chúng tôi đã thể hiện năng lực của mình phù hợp với tiêu chuẩn của liên minh”, vị tổng thống Ukraine tuyên bố, theo Guardian. “Chúng tôi đang thực hiện bước quyết định là ký đơn xin sớm gia nhập NATO”.
Không chỉ bà Pelosi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng tỏ ra thận trọng trước nguyện vọng của Kyiv. Vị quan chức này tuyên bố Washington ủng hộ chính sách cửa mở của NATO, nhưng lưu ý rằng chính sách nên đạt được sự đồng thuận của tất cả thành viên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tỏ ra thận trọng sau khi Ukraine nộp đơn gia nhập NATO. Ảnh: AP. |
"Nhưng ngay bây giờ, hầu hết chúng tôi tập trung vào việc làm mọi thứ có thể, để đảm bảo rằng Ukraine có những thứ cần thiết và đạt được thành công. Và chúng tôi đang thấy một số tín hiệu thực sự tốt từ các lực lượng Ukraine", ông Austin nói.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tỏ ra thẳng thắn hơn khi tuyên bố việc Ukraine gia nhập NATO “nên được xem xét vào thời điểm khác”.
"Lúc này, theo quan điểm của chúng tôi, cách tốt nhất để chúng tôi hỗ trợ Ukraine là thông qua sự hỗ trợ thực tế trên thực địa ở Ukraine", ông nói.
Dù vậy, mong muốn của Ukraine cũng nhận được sự ủng hộ nhất định tại Washington. Ngay khi bà Pelosi trả lời phỏng vấn, một nhóm nghị sĩ Ukraine đang được những người đồng cấp Mỹ chào đón bên ngoài Điện Capitol. Thông điệp được các nhà lập pháp Mỹ đưa ra khi đó khác hẳn.
“Cuộc xung đột tại Ukraine chính là lý do chúng ta thành lập NATO”, Hạ nghị sĩ Mike Quigley, người mới có chuyến thăm tới Kyiv, tuyên bố. “Tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ”.
Hôm 2/10, chín quốc gia NATO ở Trung và Đông Âu - Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia, tương đương gần một phần ba “quân số” NATO - cũng đã tuyên bố ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine.
“(Chúng tôi) kiên quyết ủng hộ quyết định của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest năm 2008 về tư cách thành viên trong tương lai của Ukraine”, chín quốc gia trên ra tuyên bố.
Năm 2008, các nước thành viên NATO từng hoan nghênh ý định gia nhập khối của Ukraine và Georgia, nhưng từ chối đưa ra lộ trình chi tiết cho quá trình gia nhập, AP cho biết.
Con đường chông gai
Theo hai nguồn tin của Politico, việc Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO đã khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden bất ngờ.
Tư cách thành viên NATO của Ukraine từ lâu đã là vấn đề hóc búa đối với Washington. Theo quy định của điều 5 hiệp ước NATO, quân đội Mỹ sẽ phải bảo vệ mọi quốc gia thành viên đang bị tấn công.
Trong thập kỷ qua, khi các mối lo ngại về Nga tăng cao, Ukraine mong muốn có được đảm bảo an ninh này. Dù vậy, các chính trị gia tại Washington không mấy hào hứng về khả năng phải tham gia một cuộc chiến với Nga.
Binh sĩ Ukraine luyện tập hồi tháng 1, trước cuộc tấn công của Nga. Ảnh: AP. |
Phương Tây lo ngại rằng nếu Ukraine có thể lập tức gia nhập NATO - điều cần được toàn bộ 30 nước thành viên thông qua, Mỹ và Nga sẽ trực tiếp đối đầu trên chiến trường, nhất là khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh miền Đông và miền Nam Ukraine vào lãnh thổ Nga.
Hồi cuối tháng 4, ông Putin từng cảnh báo Nga có thể hành động “chớp nhoáng” nếu bất cứ quốc gia nào can thiệp vào cuộc xung đột tại Ukraine.
“Chúng tôi có mọi công cụ, chúng tôi sẽ sử dụng chúng nếu cần thiết”, người đứng đầu nước Nga tuyên bố, theo BBC.
Một số đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump thậm chí từng tìm cách thuyết phục Ukraine không gia nhập NATO để xoa dịu Nga, bất chấp giới chức Mỹ tin tưởng phía Nga vẫn sẽ tấn công Ukraine trong trường hợp này, Politico cho biết.
Dù đã được một số quốc gia ủng hộ, viễn cảnh gia nhập NATO của Ukraine vẫn tương đối xa vời. Chỉ một quốc gia phản đối cũng có thể khiến cả quá trình đình trệ - điều đã xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đòi hỏi với Phần Lan và Thụy Điển khi hai quốc gia này nộp đơn.
“Mong muốn gia nhập NATO của Ukraine là không mới, nhưng nước này dường như đang cách xa tư cách thành viên NATO hơn so với hôm 23/2”, chuyên gia Leah Scheunemann từ trung tâm nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ), người từng là quan chức Lầu Năm Góc phụ trách chính sách an ninh quốc tế, viết.
“Vấn đề không nằm ở năng lực của Ukraine nhằm đạt được tiêu chuẩn NATO. Vấn đề này Ukraine đang xung đột với Nga”, ông nói. “Việc tham gia vào một liên minh chính thức với Ukraine sẽ đòi hỏi họ cam kết phòng thủ Ukraine về mặt pháp lý”.