Goal từng gọi trận thua 1-4 của tuyển Anh trước Đức tại World Cup 2010 là một trong những trận đấu đã làm thay đổi bóng đá hiện đại.
Cơn uất ức của người Anh khiến FIFA và tổ chức bóng đá trên thế giới phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc thay đổi luật lệ, áp dụng công nghệ để khiến các trận đấu công bằng hơn.
Lampard và Neuer cùng nhau tạo nên khoảnh khắc gây chú ý trong lịch sử World Cup. Ảnh: Getty. |
Khi người Anh ôm hận
Vài tháng trước ngày World Cup 2010 chính thức khai mạc, Frank Lampard lên báo và cầu xin người ta đừng gọi anh và các đồng đội là “thế hệ vàng”. Anh bảo thế hệ này của “Tam sư” vẫn chưa vô địch thứ gì, xin đừng gây áp lực.
Tuy nhiên, truyền thông và người hâm mộ Anh không quan tâm. Premier League đang là giải đấu số 1 thế giới thời điểm đó. Vài năm trước, các đại diện của xứ sương mù đã thống trị Champions League.
Tuyển Anh có Gerrard, Lampard, Rooney, Rio Ferdinand,… toàn hảo thủ xuất sắc của thế giới. Dưới bàn tay của HLV lão luyện Fabio Capello, “Tam sư” đến Nam Phi với mục tiêu vô địch.
Daily Mail thậm chí từng gọi Capello là một trong những HLV hay nhất thế giới thời điểm đó. Người Đức mang đến World Cup một đội hình hứa hẹn với đầy tài năng trẻ như Neuer, Thomas Muller hay Mesut Ozil. Họ sẽ vô địch thế giới 4 năm nữa.
Thế nhưng, trên đất Nam Phi, mọi thứ là 50-50 trước giờ bóng lăn. Tốc độ và sự biến ảo của người Đức giúp họ nhanh chóng vượt lên dẫn trước 2-0 sau nửa giờ đồng hồ thi đấu. Phút 37, trung vệ Matthew Upson đánh đầu rút ngắn tỷ số 1-2 cho người Anh.
Và rồi khoảnh khắc bóp nghẹt giấc mơ World Cup 2010 của người Anh cũng như thay đổi bóng đá hiện đại xuất hiện.
Người Đức giao bóng sau bàn thua và chỉ vài đường chuyền, họ để mất bóng vào tay đối thủ. Milner đoạt bóng, anh chuyền cho Defoe, bóng bật ra đến chân Lampard và tiền vệ của Chelsea có cú chạm tinh tế để đưa bóng dội xà ngang hai lần.
BLV của BBC gào tên Lampard trên truyền hình. “Vào rồi, vào rồi chăng, nó gần như đã qua vạch vôi!” tay BLV thét lên. “Ôi không, trọng tài nói không. Ai cũng thấy nó đã qua vạch vôi. Ôi không!”.
Trọng tài chính điều khiển trận đấu, Jorge Larrionda sau này thừa nhận tình huống bóng ấy quá nhanh khiến ông cùng trợ lý không theo kịp. Sai lầm để đời nói trên khiến vua áo đen hay nhất Uruguay thời đó bị tổn hại danh tiếng nghiêm trọng và phải giải nghệ vào năm 2011.
"Tay trọng tài ấy đã giải nghệ", Daily Mail chạy dòng tít lạnh lùng.
Người Anh cầm cự tới phút 67 sau bàn thắng ma ấy, trước khi nhận thêm 2 bàn thua nữa để kết thúc hành trình tại Nam Phi với tỷ số 1-4. Capello tin rằng bàn thắng không được công nhận của Lampard đã thay đổi hoàn toàn cục diện trận đấu.
“Đức khi đó là một đội bóng trẻ”, HLV người Italy nói. “Nghe này, khi một đội bóng trẻ bị gỡ hoà 2-2 sau khi đã dẫn 2-0, họ sẽ có vấn đề về tâm lý. Với chúng tôi, nó sẽ là cú hích cực lớn. Pha bóng ấy ám ảnh tôi”.
Vài người Anh thực tế thì tin rằng đội bóng của họ đã thua bởi một đối thủ mạnh hơn. “Với tôi, bàn thắng ấy không phải lý do chúng tôi thua trận”, Gerrard nói. “Người Đức mạnh hơn chúng tôi trong suốt 90 phút”.
Với dàn hảo thủ năm 2010, người Anh gọi đội bóng của họ là "thế hệ vàng". Ảnh: Getty. |
Bóng đá thay đổi
Tuy nhiên, sau mỗi kỳ World Cup thất bại, phần lớn người Anh luôn tìm ra lý do để đổ lỗi. World Cup 1998 là thẻ đỏ của David Beckham, World Cup 2002 là sai lầm của David Seaman khi Ronaldinho sút phạt, World Cup 2006 là Cristiano Ronaldo.
Và sau World Cup 2010, đất nước luôn tự nhận là quê hương của bóng đá yêu cầu một cuộc cách mạng nơi vạch vôi khung thành.
Nửa thập niên trước giải đấu ở Nam Phi, bóng đá đỉnh cao thế giới từng chứng kiến bàn thắng ma của Luis Garcia cho Liverpool ở bán kết Champions League 2005. Những giải đấu thể thao khác thậm chí đã sử dụng công nghệ Hawk Eye để xem xét đường đi của quả bóng từ tận năm 2001.
Trước khi scandal của người Anh xảy ra, FIFA cực kỳ cố chấp. “Chúng ta phải sống với những quyết định lỗi. Bóng đá phải mang tính con người”, Sepp Blatter từng nói.
Nhưng cơn uất ức của người Anh giống như một cú tát trực diện khiến FIFA và UEFA tỉnh ra. “Những gì đã xảy ra ở World Cup 2010 khiến chúng ta phải áp dụng công nghệ goal-line”, Blatter nói sau trận thua của tuyển Anh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí phải nói lời xin lỗi với Thủ tướng Anh David Cameron, khi họ cùng nhau xem trận đấu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Toronto, Canada.
Năm 2012, IFAB, tổ chức duy nhất trên thế giới có quyền thay đổi luật bóng đá, tuyên bố phê chuẩn công nghệ goal-line. Premier League trở thành giải đấu đầu tiên trên thế giới áp dụng nó. Vài năm sau, mọi giải đấu lớn đều áp dụng công nghệ này.
Nhiều người từng chế nhạo rằng người Anh đã nhận quả báo vì bàn thắng ma mà Geoff Hurst ghi được vào năm 1966, giúp “Tam sư” vượt qua chính đội Đức để vô địch World Cup.
Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ khi đó, thế hệ vàng của "Tam sư" không xứng đáng nhận bất công như vậy. Thứ duy nhất người Anh có thể tự hào sau sự cố ấy, là họ một lần nữa đã góp phần thay đổi bóng đá.