Bình luận
Đâu là điểm chung của những đội bóng còn trụ lại cuối cùng ở Euro 2020? Về lối chơi, nhân lực, văn hóa, bản sắc, sức mạnh của họ khác nhau. Song, tất cả đều có chung sự đoàn kết.
Nếu có một đội xem nhẹ điều này thì đó là tuyển Pháp, đương kim vô địch thế giới đồng thời sắm vai ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch. "Les Bleus" bị loại ngay từ vòng 1/8.
Đan Mạch không chỉ đoàn kết với nhau sau sau sự cố Christian Eriksen gặp nạn trên sân, họ thực sự gắn kết khi HLV Kasper Hjulmann tiếp quản. Sau nhiều năm loạn công thần, đội Tây Ban Nha mới có sự yên bình dưới sự dẫn dắt quyết đoán của HLV Luis Enrique.
Các cầu thủ Italy ăn mừng mỗi bàn thắng ở giải như thể đó là bàn quyết định trong trận chung kết. Đoạn video ban huấn luyện và các cầu thủ chia tay hậu vệ Leonardo Spinazzola của Italy để anh bay về quê nhà trị thương mang tới sự cảm động cho người xem.
Còn đội tuyển Anh? Họ mất vài năm qua để xây dựng sự đoàn kết trong đội, điều mà các đội bóng trước đây, kể cả thế hệ vàng của David Beckham, Wayne Rooney, Steven Gerrard, Frank Lampard chưa bao giờ có.
Tuyển Anh giờ là tập thể đoàn kết. Ảnh: Reuters. |
Câu chuyện đi tìm bản sắc
Chuyện bắt đầu từ năm 2016 khi Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) thuê Owen Eastwood, một cựu luật sư gốc Maori (thổ dân ở các đảo Thái Bình Dương) đến làm việc. Nhiệm vụ của Eastwood là tạo ra bản sắc và sự đoàn kết cho tuyển Anh, đội bóng trong 144 trong năm tồn tại trước đó luôn bị gán với các giá trị: thiếu hòa thuận, gây thất vọng và thất bại.
Eastwood từng làm "performance coach" (một dạng HLV nhằm giúp các thành viên năng cao hiệu suất) cho các đội rugby New Zealand, đội cricket Nam Phi, Ủy ban Olympic Vương quốc Anh và cả NATO.
Khi bắt đầu công việc, Eastwood phỏng vấn nhiều người, gồm các cầu thủ hiện tại, thế hệ cựu cầu thủ, nhà sử học. Hầu hết đều nói đội tuyển Anh giàu truyền thống lịch sử, từ trận đầu tiên với Scotland năm 1872 đến các hình ảnh Bobby Moore và các đồng đội vô địch World Cup 1966, Terry Butcher với chiếc băng trên đầu đẫm máu, nước mắt Paul Gascoige… và nhiều khái niệm mơ hồ như “tự hào”.
“Tự hào dưới màu áo”, điều này có nghĩa gì? Eastwood nghe nó rỗng tuếch, hời hợt, nông cạn.
Hầu hết cầu thủ ông phỏng vấn không thể giải thích được điều gì gắn kết họ với ĐTQG. Michael Owen nói trong cuộc phỏng vấn: “Trong toàn bộ sự nghiệp đội tuyển Anh của tôi, không bao giờ có bất kỳ đề cập nào về lịch sử của đội, hay người Anh là ai trong phòng thay đồ”.
Owen nói rằng nhận thức của các cầu thủ về bản sắc của ĐTQG đều là do người bên ngoài ấn định. “Truyền thông và công chúng nói đó là bản sắc kiểu chó bull. Họ muốn các cầu thủ đuổi theo mọi quả bóng, phải khỏe, nhanh và phô ra sự đam mê nữa. Nhưng đó không phải cách để một ĐTQG thành công”, Owen nhấn mạnh.
Các cầu thủ “thế hệ vàng” rất thành công với các CLB của họ nhưng chỉ giành các kết quả nghèo nàn ở ĐTQG. Họ đổ lỗi cho chấn thương, kiệt sức, lịch thi đấu dày đặc, kém may mắn trong các lần thi sút 11 m, chiến thuật thiếu linh hoạt của các HLV… Nhưng không một ai nói đến bản sắc, căn tính và văn hóa bóng đá Anh.
“Ở đội tuyển là sự thù địch. Khi tập trung đội tuyển, các cầu thủ giả bộ quý mến nhau”, Gerrard nói về không khí đội tuyển lúc trước.
Rio Ferdinand nói anh cảm thấy mình phá hoại Manchester United nếu mình thân thiết với các cầu thủ của Liverpool, Chelsea như Gerrard hay Lampard. Nhưng không ai nói về điều này trước đó. Họ chỉ nói ra khi đã treo giày giải nghệ.
Sự gắn kết được đưa lên hàng đầu ở tuyển Anh. Ảnh: Reuters. |
Ai cũng phải tôn trọng màu áo
Khi Gareth Southgate nói chuyện với các cầu thủ sau trận thắng Ukraine 4-0, ông gọi Harry Kane, Jordan Henderson, Harry Maguire, Raheem Sterling là “trưởng lão bộ tộc”. Cách chọn từ của Southgate hệt như của Eastwood. Và điều này không phải ngẫu nhiên.
Eastwood đến làm cho FA khi Southgate nắm đội U21 Anh, và họ bắt đầu nói cùng ngôn ngữ khi xây dựng lại các đội tuyển. Southgate đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo “DNA của nước Anh”, một tài liệu chỉ ra sự cần thiết phải tạo ra và thiết lập một bản sắc mới, hiện đại ở tất cả các lứa tuổi đội tuyển.
Trong đó nói đến lối chơi bản sắc trên sân bóng: giữ bóng thông minh; giành lại bóng thông minh, nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể; linh hoạt trong chiến thuật. Và tài liệu cũng nhấn mạnh vào chủ đề rộng lớn hơn: căn tính của đội tuyển Anh, với một chương mang nhan đề “Chúng ta là ai?”
FA đòi hỏi các cầu thủ mọi lứa tuổi trước khi đến trung tâm huấn luyện quốc gia St George’s Park phải biết những gì cần thiết để đại diện cho nước Anh. FA muốn các cầu thủ được chào đón lần đầu tiên một cách trang trọng như thể họ vừa giành một điều gì lớn lao trong đời, mà họ không thể quên, để họ có trách nhiệm với màu áo họ mang.
Người chào đón các cầu thủ mới sẽ là một người trong hoàng gia, quan chức lớn, hoặc cầu thủ lớn. Tháng 11/2018, Rooney lần cuối khoác áo đội Anh trận giao hữu với Mỹ, một trong những nhiệm vụ của anh là trao chiếc áo đấu cho những người mới được gọi lên ĐTQG: Alex McCarthy, Lewis Dunk và Callum Wilson.
Trận chia tay Rooney diễn ra 2 năm sau trận gần nhất trước đó của anh. Đó không phải là cuộc hội hè ồn ào, mà có ý nghĩa đối với các cầu thủ trẻ.
Eastwood nói: “Mỗi cầu thủ ĐTQG đều là một phần của chuỗi không thể phá vỡ gồm những người đến trước và đến sau. Cùng nhau, chúng ta bất tử”.
Tháng 11/2019, FA giới thiệu chương trình “Con số di sản” trước trận đấu thứ 1.000 của đội tuyển Anh. Mason Mount là cầu thủ thứ 1.243 khoác áo ĐTQG, do đó chiếc áo của anh có in con số này dưới phù hiệu Tam Sư.
“Con số khiến bạn cảm thấy như một phần lịch sử rất lớn mà ai cũng phải kính trọng”, Mount nói.
Cầu thủ nào lại không muốn có con số này?
Một video “Con số di sản” giới thiệu toàn bộ nền bóng đá Anh, bắt đầu từ câu chuyện thủ quân Anh đầu tiên trong lịch sử Cuthbert Ottaway, ông mang số 1. Sir Bobby Charlton mang số 767, thủ quân Bobby Moore mang số 804.
Viv Anderson số 936 vào tháng 11-1978 trở thành cầu thủ da màu đầu tiên khoác áo ĐTQG, theo sau là các thế hệ đàn con: Sterling mang số 1.190, Bukayo Saka mang số 1.253.
Tuyển Anh không còn là tập hợp của những cầu thủ có cái tôi lớn. Ảnh: Reuters. |
Thấu hiểu nhau từ xương tủy
Tháng 6/2017, trước trận vòng loại World Cup gặp Scotland, Southgate đưa các cầu thủ đến Trung tâm Huấn luyện Lính thủy Đánh bộ Hoàng gia Anh. Tại đây họ trải nghiệm cắm trại ngủ ngoài trời, đi bộ đường dài với 21 km trên lưng, các bài tập dưới nước.
Việc này không nhằm kiểm tra thể chất, mà chỉ là một cách đưa các cầu thủ ra khỏi vùng an toàn, và để xem họ tìm cách giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn thế nào.
“Họ cần phải thấu hiểu cá nhân và động lực của nhau từ trong xương tủy, thay vì chỉ là đồng nghiệp chia sẻ nơi làm việc”, Southgate nhấn mạnh.
Các cầu thủ hiện tại có điều đó, những thứ mà Gerrard, Lampard không có. Không còn những nhóm khác biệt trong đội tuyển nữa, Sterling thích chơi với Marcus Rashford còn John Stones ở chung phòng với Maguire, dù họ đến từ 2 đội bóng thành Manchester.
Một người đại diện cầu thủ cho biết không khí trong đội tuyển Anh hiện nay còn lành mạnh hơn ở nhiều CLB.
Tháng 11/2019, Sterling cãi nhau với Joe Gomez ở cantin trung tâm St George’s Park vì một chút hiểu lầm sau trận Manchester City thua Liverpool tuần trước đó. Southgate đã loại Sterling ra khỏi đội hình trận gặp Montenegro như một hình phạt.
Ông muốn các cầu thủ phải để chuyện CLB của họ ở ngoài cánh cửa đại bản doanh đội tuyển.
Từ World Cup 2018 đến Euro 2020, Southgate không ngừng tham khảo và áp dụng các giá trị và nguyên tắc của văn hóa bộ tộc vào đội tuyển Anh. Một bộ tộc cùng nhau săn bắn, hái lượm, trồng trọt, sinh tồn, chia phần, bảo vệ lãnh địa, bảo tồn lịch sử và kiến tạo tương lai.
“Bạn không được đánh giá qua tiền bạc, sự nổi tiếng hay cảm giác tự hào của bạn. Bạn sẽ được đánh giá bởi những gì bạn đã làm cho bộ tộc”, Eastwood giải thích.