Công nghệ chịu trách nhiệm nhiều thứ: Xóa bỏ nhiều ngành nghề cũ, gia tăng khoảng cách giàu nghèo... theo Quartz.
Công nghệ dưới thời Internet lại càng mang nhiều tiếng xấu: Như khiến con người ngu dốt hơn, hoặc ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng "công nghệ không xấu hay tốt, vấn đề quan trọng nhất là: Nó đã đến".
Michael Harris, tác giả cuốn "The End of Absence: Reclaiming What We’ve Lost in a World of Constant Connection" (tạm dịch: Không còn vắng mặt: Tìm lại những gì đã mất trong thời đại luôn luôn kết nối), phân tích rất nhiều tác động của Internet đến thế giới.
Còn một thế hệ cuối cùng từng sống ở giữa thời chuyển giao Internet. Ảnh: Quartz. |
Harris đã vẽ lại một sơ đồ cụ thể: Những người sinh trước năm 1985, đối nghịch hoàn toàn với thế hệ sinh những năm 2000, dưới cách nhìn của những người làm quảng cáo và cơ quan truyền thông.
Thế hệ trước 1985, theo lời Harris, là một "chủng tộc đang dần tuyệt chủng". Nếu bạn sinh trước năm 1985, bạn gần như là thế hệ cuối cùng sống trong 2 thế giới: Trước Internet và sau Internet, Harris viết.
Đó là 2 thế giới rất khác nhau, một bị giới hạn cách để giao tiếp, ít thể loại giải trí, ít cách bộc lộ những câu "sống deep" hoặc những suy nghĩ vụn vặt. Thời đoạn đó không tốt hay xấu hơn hiện tại, chỉ đơn giản là nó đã từng tồn tại.
Thế hệ đó có nhiều đặc quyền. "Nếu chúng ta là thế hệ cuối cùng trong lịch sử biết được cuộc đời trước kỷ nguyên Internet, chúng ta là thế hệ cuối cùng nói 2 ngôn ngữ, kẻ thông ngôn của thời đại trước và sau", Harris mô tả.
Chỉ thế hệ này mới để ý được những đổi thay: Như việc con người ít nhạy cảm hơn với con số, đồng hóa chúng thành những giá trị.
"Một tweet được share nhiều chứng tỏ suy tư của tôi là có giá trị, một bức ảnh được like nhiều chứng tỏ khuôn mặt của tôi đẹp đẽ", Harris giải thích, "sự đơn giản hóa này khiến chúng ta mất đi khả năng tự quyết định về giá trị của mình".
Những con số do người khác ban tặng, trở thành chuẩn mực đặt lên chúng ta. Ảnh: The Verge. |
Tuy vậy, Harris không phản đối chuyện này. Ông không nhớ về thời ít Internet hay than phiền về "bọn trẻ không có tuổi thơ". Thay vào đó, ông nhận thức những lo lắng này đến từ sự hoang mang tự thân ông.
Như phần lớn chúng ta, Harris luôn kiểm tra email mỗi sáng. "Khi thức dậy, bộ não là một tờ giấy trắng, bạn có thể nhét mọi thứ vào đó. Thay vào đó, bạn nhét những lo lắng vào đấy, tôi nên làm gì, tôi đã bỏ lỡ điều gì", Harris giải thích, và đó không phải lỗi của Internet, chúng đến từ những lo sợ của chúng ta. "Đó là nỗi sợ hãi âm thầm về thất bại, chúng ta không thể ngờ mình đã 'ngắt kết nối' suốt 8 giờ đi ngủ".
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, từ những bài thú tội trên Internet, sự biến mất của ý kiến công luận, ảnh hưởng Internet đến đời sống hôn nhân, ký ức hay sự chú ý... Harris quyết định ngưng dùng Internet trong 1 tháng. Tuy vậy, ông cũng chỉ đủ sức ngưng dùng 1 tuần.
"Một tháng ngưng Internet hoàn toàn là quá xa xỉ, tôi có thể làm thế vì tôi đang chuyên tâm viết sách. Với đa số mọi người, một tháng không Internet đồng nghĩa với mất việc", ông nói.
Tuy thế, Harris cho rằng thi thoảng nghỉ ngơi cũng là cần thiết. Theo ông, mọi người sẽ có thể nhìn thấy mình rõ hơn so với khi sống song song hai cuộc đời. Vì khi đang dùng dằng giữa hai đời sống, bạn chẳng thể nhìn mỗi đời sống đủ rõ ràng.