Tại Mỹ, tỷ lệ người trong khoảng 18-29 tuổi sống cùng phụ huynh đang ở ngưỡng cao nhất từng được ghi nhận.
Dù quay về sống cùng gia đình giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm, sinh viên và người lao động trẻ đang gánh chịu hậu quả khắc nghiệt hơn từ suy thoái kinh tế do đại dịch so với các nhóm đối tượng khác.
Dịch Covid-19 đồng thời nghiêm trọng hóa các vấn đề cố hữu như thất nghiệp, lương thấp và gánh nặng học phí đối với sinh viên.
“Quá nhiều thứ ập đến”
Một khảo sát toàn cầu của tờ Financial Times với hơn 800 người trong độ tuổi 16-30 cho thấy những khó khăn trong đại dịch đang khiến người trẻ có nguy cơ rơi vào khủng hoảng cao hơn so với thế hệ đi trước.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những người dưới 25 tuổi có nguy cơ thất nghiệp vì đại dịch cao gấp 2,5 lần so với người trong độ khoảng 26-64 tuổi.
Tờ Financial Times cũng dẫn nguồn một số nghiên cứu cho biết việc tốt nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức lương của người lao động.
Người trẻ tại Mỹ lũ lượt kéo về sống cùng gia đình để tránh dịch. Ảnh: Financial Times. |
Đại dịch cũng khiến gần 50% lực lượng lao động trên thế giới bị giảm lương, trong đó phụ nữ trẻ và người lao động phổ thông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo OECD.
Ở các nước đang phát triển, một người mất việc sẽ ảnh hưởng đến khả năng nuôi sống những người thân khác trong gia đình.
Komal Kadam, 28 tuổi, là người duy nhất kiếm tiền nuôi cả gia đình ở Maharashtra, Ấn Độ. Tuy nhiên, vào tháng 3, cô mất việc.
“Tôi cảm thấy sợ mọi thứ. Làm sao tôi có thể kiếm một công việc khác đây? Tôi sẽ chi trả các khoản nợ như thế nào? Quá nhiều thứ ập đến cùng một lúc”, Kadam nói.
“Vật tế thần của giới lãnh đạo”
Một bộ phận đáng kể trong số những người tham gia cuộc khảo sát của Financial Times cho biết họ mất niềm tin vào các nhà chức trách bởi khả năng xử lý đại dịch chưa hiệu quả.
“Chúng tôi bị đổ lỗi và trở thành vật tế thần của giới lãnh đạo vốn chìm sâu trong khủng hoảng”, anh Anthony 23 tuổi đến từ Pháp chia sẻ.
Tương tự, sau khi chứng kiến chính quyền Brazil thay ba bộ trưởng y tế kể từ khi đại dịch đổ bộ, Danilo Ventura 29 tuổi đến từ Sao Paulo thể hiện thái độ bất mãn với cách phản ứng của chính phủ: “Thế giới nói ‘A’, nhưng các chính trị gia Brazil hét lại là ‘Z’”.
Việc thiếu kế hoạch đối phó cụ thể khiến Brazil trở thành một trong những ổ dịch lớn với số người tử vong vì Covid-19 cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Số người tử vong vì Covid-19 tại Brazil tăng nhanh đến mức các nhà chức trách phải tiến hành chôn cất tập thể bằng cần cẩu và máy xúc. Ảnh: DW. |
Theo thống kê của OECD, sự tin tưởng của giới trẻ vào chính phủ ở các nước đang phát triển bắt đầu sụt giảm từ năm 2016.
Đặc biệt, lượng lớn người tham gia khảo sát tại Mỹ và Anh cho biết họ cảm thấy chính phủ có những động thái không nhất quán và phản ứng chưa kịp thời.
“Các sân bay chỉ đóng cửa khi tình hình đã vượt mức kiểm soát. Sự cần thiết của khẩu trang không được phổ cập rộng rãi. Mãi đến giữa tháng 6, tôi mới biết đeo khẩu trang quan trọng đến mức nào”, anh John 28 tuổi đến từ Scotland cho biết.
Phó chủ tịch Naumi Haque của bộ phận nghiên cứu thuộc tập đoàn Ipsos nhận định rằng đại dịch đã trầm trọng hóa bất đồng chính trị tại nhiều quốc gia.
“Thế hệ Z (sinh sau năm 2000) và thế hệ millennials (sinh trong khoảng 1980-1999) cảm thấy bất lực hơn so với thế hệ đi trước về khả năng kiểm soát tình hình đất nước”, ông Haque nói.
Tác động tâm lý
Dịch Covid-19 cũng khiến nhiều người trẻ có ý định tự hủy hoại bản thân.
“Thất nghiệp, tâm lý bất ổn và mù mờ về tương lai khiến tôi cảm thấy khá tuyệt vọng”, anh James 30 tuổi đến từ Anh cho biết. “Có lúc, tôi đã nghĩ đến việc tự tử”.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các chuyên gia y tế đã cảnh báo tác động của đại dịch đối với sức khỏe tâm thần sẽ dai dẳng hơn so với bản thân mầm bệnh SARS-CoV-2, khi hàng triệu người phải đối mặt với chứng trầm cảm, lo lắng và cô độc.
Người trẻ đối mặt với hiểm họa rơi vào khủng hoảng tâm lý cao hơn so với các nhóm đối tượng khác trong dịch Covid-19. Ảnh: Unsplash. |
Một số nghiên cứu tại Anh và Mỹ cho thấy những người trong độ tuổi 18-29 trải qua tổn thương về mặt tâm lý do dịch Covid-19 cao hơn so với các nhóm đối tượng khác.
María Rodríguez, hiện sống ở Ba Lan, cho biết cô thà mắc Covid-19 còn hơn bị trầm cảm vì phải cách ly.
“Tôi không lo lắng khi đến quán café và tiếp xúc với nhiều người. Ưu tiên về sức khỏe tâm thần của tôi lớn hơn nỗi sợ đối với Covid-19”, cô gái 25 tuổi gốc Tây Ban Nha cho biết.
Trong khi đó, bà Mary Finnegan 27 tuổi đến từ Mỹ chia sẻ: “Tôi cảm thấy ngột ngạt khi sống với bố mẹ đã lớn tuổi. Sau 6 tháng, tôi bỗng hóa thành một con sâu rượu. Giờ đây, tôi sẵn sàng bất chấp Covid-19 để ra ngoài và hẹn hò lần nữa”.
Bị cô lập vì giãn cách xã hội là nỗi sợ của nhiều người trẻ, đặc biệt là những người hướng ngoại. Ảnh: Unsplash. |
Vào tháng 5, giảng viên tâm lý học giáo dục Ola Demkowicz tại Đại học Manchester đã khảo sát hàng trăm thanh thiếu niên ở Anh.
Nhiều người trong số này cho biết họ đã trải qua “cảm giác khó khăn cùng cực” khi cố gắng thích nghi với nhịp sống vô định mà đại dịch mang đến.
“Đối với những người có vấn đề về tâm lý, đây là khoảng thời gian thực sự khó khăn và thách thức”, bà Demkowicz nhận xét.
“Người trẻ thường sống nhanh, mọi thanh niên đều cố gắng cải thiện bản thân và thế giới, nhưng đại dịch đã phá hỏng tất cả. Mọi hoạt động bị hạn chế, trường học thì đóng cửa còn các doanh nghiệp thì phá sản”, Victoria Chidiebere, 22 tuổi đến từ Nigeria, buồn bã nhận xét.
"Cánh cửa dẫn đến nhiều chân trời mới”
Tuy nhiên, một số người trẻ cho rằng đại dịch đã mở ra cơ hội để họ hòa nhập lại với gia đình, thiên nhiên và hoàn thành các mục tiêu còn bỏ dở.
Joshua, 26 tuổi, đã thu dọn đồ đạc và rời Anh để sang Tây Ban Nha vào một buổi sáng tháng 8.
“Giờ đây, tôi chỉ dùng một phần ba tiền lương để chi trả cho căn hộ ba phòng ngủ ven biển. Thỉnh thoảng có vài người bạn đến thăm nhưng tôi chủ yếu sống độc thân và cách ly với xã hội”, Joshua nói.
Thời gian cách ly xã hội mở ra cơ hội cho người trẻ kết nối và tìm về với bản thân. Ảnh: Unsplash. |
Vào tháng 2, các nhà khoa học từ Thái Lan quan sát một nhóm sinh viên đại học ở Vũ Hán, Trung Quốc, để tìm hiểu cách họ đối phó với tình trạng cách ly xã hội.
Kết quả cho thấy nhiều sinh viên có khả năng phản ứng tương đối tích cực và lạc quan trong bối cảnh đại dịch.
Tiến sĩ Demkowicz ở Anh cũng cho biết đợt phong tỏa đầu tiên mở ra cơ hội cho các thanh thiếu niên “có thể khám phá và phát triển bản thân, đồng thời cân nhắc lại hướng đi đang chọn” khi không còn vướng bận bài vở và các mối quan hệ xã hội.
Anders Furze, 30 tuổi, cho biết quá trình cách ly cho anh thời gian nhìn lại thái độ và lối sống trước đại dịch. “Tôi thường xuyên ra ngoài ăn tối, đi xem phim và nghe nhạc kịch, đến 5 lần một tuần”.
Giờ đây, người đàn ông đến từ Australia nhận ra không nên tiếp tục tự mình trở nên kiệt quệ bằng cách trói bản thân vào các mối quan hệ xã hội nữa. Furze bắt đầu cân nhắc về việc theo học cao học để lấy bằng luật.
“Cảm giác như đại dịch đã mở ra trước mắt tôi cánh cửa dẫn đến nhiều chân trời mới”, Furze nói.