Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới vắng bóng tình yêu trong truyện ngắn Raymond Carver

"Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình" là 17 truyện ngắn, phân bổ trong khoảng 200 trang sách dịch, dung lượng mỗi truyện hầu như đều rất ngắn.

Trong truyện của Raymond Carver hầu như chẳng có gì “đặc biệt” hay “kịch tính” xảy ra, nếu như bạn đọc mong chờ điều đó.

Nếu phải nói về nhân vật thì trong thế giới truyện của Carver có đủ các mẫu hình nhân vật thuộc tầng lớp thị dân bình dân – những con người có thể bắt gặp bất cứ đâu mỗi ngày. Họ là những người làm công ăn lương (kế toán, nhân viên siêu thị, thư ký…), những nam nữ thanh niên “dở dở ương ương” có khi rượu chè, có khi thất nghiệp, có khi ma túy, những gã nhiếp ảnh cụt tay rất có thể là cựu binh trở về sau chiến tranh, những người vợ phản bội chồng hay người chồng phản bội vợ,… Nhưng bất chấp sự phong phú về diện mạo, các nhân vật đều rơi vào một đời sống thường nhật bị bào mòn bởi những điều vặt vãnh, ngợp ngụa trong cái chật chội, ngột ngạt của khúc nhạc đời nhàn nhạt, buồn tẻ.

Trong truyện ngắn Bảo bọn đàn bà là chúng mình đi chơi, ba chàng thanh niên từ bao giờ trở thành ba người đàn ông, có một gia đình với những bà vợ và những đứa con. Một chiều nọ - có lẽ đã có bao nhiêu buổi chiều như thế - họ tụ tập ở nhà một người như thường lệ. Sau màn ăn uống chè chén, bỏ mặc những người vợ mà có khi việc nhìn mặt nhau mỗi ngày cũng khiến đôi bên chán ngấy, họ đi tìm một điều gì đó mới lạ, một cảm xúc hòng cố gắng vượt thoát lên nhịp điệu nhàn nhạt của hôn nhân, cuối cùng chỉ bẽ bàng với những cuộc tán tỉnh bất thành.

Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình – tên một truyện ngắn được lấy làm nhan đề cho cả tập truyện – chỉ xoay quanh một cuộc bàn luận ngẫu hứng nhưng nhanh chóng rơi vào quẩn quanh, tẻ nhạt về chủ đề tình yêu. Không có điều gì mới mẻ về tình yêu được những người đàn ông và đàn bà phát hiện ra hay nói ra. Qua cuộc luận bàn mà chẳng ai buồn để ý xem người kia nói gì, chỉ lộ ra sự bất an, sự chán ngấy mà họ cố gắng che đậy cho đời sống vợ chồng của mình.

Hay cặp vợ chồng kế toán nghỉ hưu lấy trò bingo ở trung tâm giải trí cộng đồng mỗi tối làm niềm vui, càu nhàu vì trễ lượt chơi đầu tiên mất vài phút đồng hồ và khó chịu vì phát hiện một kẻ ăn gian trong truyện ngắn Sau đồ jeans.

truyen ngan tinh yeu anh 1
Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình - tập truyện ngắn của Raymond Carver.

Đọc truyện ngắn của Carver, độc giả có thể rơi vào cảm giác bị “chơi khăm”. Nhân vật thì như thế, có thể hoán đổi tên, nghề nghiệp cho nhau mà cũng không gây bận tâm. Còn câu chuyện chỉ như một chớp ảnh lóe lên chụp lấy một vài khoảnh khắc, tình huống được hối hả đẩy lên rồi bỏ lửng, treo giữa thinh không. Người chụp ảnh buông máy ở đó và để cho độc giả rơi vào hẫng hụt.

Chẳng hạn như, đôi vợ chồng ly hôn – trong truyện ngắn Cơ khí dân dã – giành nhau đứa con nhỏ. Mỗi bên nắm lấy một tay đứa bé và hết sức kéo về phía mình, không bên nào chịu buông ra. “Và vấn đề được định đoạt theo cách ấy” là cách câu kết buông xuống kết thúc câu chuyện. Không có một sự phân xử rõ ràng, rạch ròi nào.

Tác giả chớp lấy tất cả những khoảnh khắc đó bằng một giọng văn lạnh lùng, câu văn ngắn, khô khốc đến mức nghèo nàn, nhạt nhẽo, thậm chí gây cảm giác bức bối đến ngạt thở. Nhưng chẳng phải bằng cách đó, ông đã diễn tả thành công sự nghèo nàn, sự lạnh lùng đến khắc nghiệt của cuộc sống hay sao? Cả sự thiếu vắng xúc cảm trong hội thoại giữa các nhân vật, sự thiếu vắng những tình huống gây cảm động trong thế giới của Carver cũng phản ánh hoàn hảo sự thiếu vắng tình yêu, của những cảm xúc đẹp đẽ trong đời sống mà ông muốn khắc họa. Những câu chuyện của Carver vì thế không phải “nói” bằng những điều được phô bày ra mà chính là “nói” bằng những gì thiếu vắng ở đó.

Điều được phô bày qua thế giới truyện của Carver đó là nước Mỹ của ông. Một nước Mỹ hậu công nghiệp, một nước Mỹ với những thị trấn nhỏ, trong đó có những con người chìm trong một đời sống từ khi nào đã vắng bóng tình yêu, và rồi người ta không còn biết nói gì, hình dung gì về tình yêu. Bằng cách đó, trái tim con người bị xâm chiếm bởi toàn những tham vọng, những vui thú tạp nhạp, vụn vặt, nhỏ nhoi đến đáng thương; bởi những tình cảm cằn cỗi, khô héo đến mức đáng báo động. Cuối cùng cũng bằng cách đó, bạo lực nảy sinh. “Căn tính của bạo lực” chính bởi vì con người không còn biết yêu thương, biết bày tỏ tình yêu như thế nào. Rút cùng, đó là một nước Mỹ chìm ngập trong sự nhàm chán, tầm thường, tàn bạo, và con người không còn biết làm thế nào để được hạnh phúc.

Raymond Carver chỉ sống vọn vẹn 49 năm cuộc đời, văn nghiệp để lại xét về số lượng không lấy gì làm đồ sộ: 4 tập truyện ngắn, 6 tập thơ và một vài tập hợp tiểu luận - thơ - truyện ngắn khác. Nhưng tầm vóc của Carver, cũng như những truyện ngắn cô đọng và kiệm lời của ông, nằm ở chỗ bằng cách tối giản nhất mà nói được nhiều nhất. Có lẽ, thời thơ ấu trải qua ở bang Oregon cùng những năm tháng tuổi trẻ lăn lộn kiếm sống bằng rất nhiều nghề tạm bợ đã giúp cho ông quan sát tỉ mỉ đời sống của những con người mãi mãi mắc kẹt trong nỗi buồn chán của kiếp người. Carver thậm chí đã hòa mình vào nó, để thứ mùi buồn chán của nó thấm vào mình. Đằng sau những con chữ lạnh lùng, ông đã đau và yêu.

Yên San

Bạn có thể quan tâm