Từ 11-13/9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) đã được tổ chức thành công tại Hà Nội với thông điệp xuyên suốt là "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4".
Nhân dịp này, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với ông Vic Van Vuuren, vụ trưởng Doanh nghiệp thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), về những vấn đề xoay quanh người lao động trong kỷ nguyên số. Ông khẳng định một số nghề trong tương lai sẽ biến mất nhưng đồng thời công việc mới sẽ được tạo ra, đòi hỏi người lao động không ngừng nâng cao kỹ năng. Theo ông, thế hệ trẻ đem tới nguồn năng lượng dồi dào cho Việt Nam và ASEAN đi đúng hướng.
- Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với lao động trên thế giới và tại Việt Nam?
- Trọng tâm của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là những thay đổi được tạo ra bởi động lực từ công nghệ, số hóa, tự động hóa. Tất cả các tiến bộ công nghệ đều sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta làm việc, nhưng còn rất nhiều câu chuyện bên lề phải bàn.
Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đề cập tới một điểm rất quan trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị WEF ASEAN, rằng Cách mạng 4.0 không có ích gì khi cách biệt giàu - nghèo ngày càng lớn và nhiều người thất nghiệp. Cách mạng Công nghiệp phải được gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững để thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn. Thách thức chính nằm ở phân phối của cải trong xã hội.
Đồng thời, tôi nghĩ rằng cuộc thảo luận về Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang quá tập trung vào công nghệ. Dù đó là trọng tâm của cuộc cách mạng, điều quan trọng là nguồn nhân lực phải có đủ kỹ năng phù hợp cho tương lai. Sáng tạo và đổi mới cũng là yếu tố cần thiết bởi nó sẽ mang tới những sản phẩm mới trên thị trường, tăng năng suất và đưa nền kinh tế đi lên.
Ông Vic Van Vuuren, vụ trưởng Doanh nghiệp thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Ảnh: N.H. |
- Theo số liệu dự báo do Bộ Giáo dục Thái Lan công bố hôm 12/9, 72% cử nhân đại học tại Thái Lan sẽ thất nghiệp hoặc làm công việc không yêu cầu bằng đại học vì trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế. Ông suy nghĩ gì về thông tin trên?
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động có bộ kỹ năng phù hợp cho tương lai. Một số người nói rằng tại khu vực ASEAN, nhiều người trẻ tốt nghiệp đại học không tìm được việc. Vấn đề nằm ở chính sách giáo dục chưa đúng. Việc các bạn cần làm là phân tích thị trường và rèn luyện kỹ năng cho lao động theo yêu cầu của thị trường. Vậy nên, đào tạo ra thế hệ trẻ thất nghiệp đồng nghĩa với việc các nước đã không chuẩn bị tốt.
Có hai thành tố quan trọng trong giáo dục đào tạo là kỹ năng thực tế như kỹ năng về công nghệ hay kinh doanh, và kỹ năng mềm, như kỹ năng giao tiếp, quản lý. Các kỹ năng này có thể được trau dồi dù bạn ở bất kỳ giai đoạn nào trong công việc. Đó phải là quá trình liên tục và học tập suốt đời.
Thế giới đang thay đổi nhiều đến mức kiến thức bạn học hay những công việc an toàn hiện tại có thể trở nên lạc hậu trong 4-5 năm nữa. Ví dụ, tuy giờ chúng ta vẫn cần ngân hàng nhưng tôi có thể chuyển tiền bằng công nghệ blockchain.
Ngân hàng 10 năm nữa sẽ ra sao? Khi đó, chuyện gì sẽ xảy ra với người lao động? Bạn phải tái đào tạo, nâng cấp kỹ năng cho họ theo nhu cầu thị trường liên tục, luôn phải suy tính tương lai cần gì bởi sự phát triển hiện nay diễn ra rất nhanh trong thời gian ngắn.
- Có ý kiến cho rằng Cách mạng 4.0 dẫn đến thất nghiệp nhưng cũng sẽ tạo việc làm mới. Ông nghĩ sao về ý kiến này? Theo ông, lao động trong ngành nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?
- Ngành sử dụng nhiều sức lao động, như nông nghiệp và sản xuất, là những lĩnh vực sẽ xảy ra tình trạng thất nghiệp khi công nghệ dần chiếm ưu thế. Do đó, bạn phải nghĩ xem nên làm gì với nguồn nhân lực bị thay thế, ví dụ như dạy họ kỹ năng cho công việc khác, nếu không, gánh nặng sẽ đè lên hệ thống an sinh xã hội.
Đại diện doanh nghiệp và sinh viên một số trường đại học tham dự Diễn đàn mở tại Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ảnh: WEF. |
Đúng là có những công việc sẽ mất đi và một số khác được tạo ra, nhưng điều quan trọng là phải tạo ra số việc làm mới nhiều hơn số lượng bị mất. Các lĩnh vực phát triển trong tương lai sẽ bao gồm công nghệ, số hóa, tự động hóa. Thậm chí có những công việc mới mà chúng ta không biết đến cách đây 10 năm. Ví dụ, bây giờ mọi người có thể học để lấy bằng chứng nhận phi công lái drone. Nó không phải một ngành lớn nhưng nó là lĩnh vực mới, và thế hệ trẻ đã bắt đầu từng bước tiếp cận công nghệ.
Bạn cũng sẽ thấy ngày càng nhiều công ty nhỏ chỉ do một, hai người thành lập. Con trai của tôi ở Nam Phi không có kỹ năng kinh doanh, không lấy bằng đại học nhưng liên kết cùng một người có kỹ năng và dựng nên một công ty truyền thông nhỏ. Đó chính là những người trẻ mà chúng ta sẽ thấy trong tương lai. Họ mang tới năng lượng. Nếu các bạn có thế hệ trẻ lạc quan thì đó sẽ là chất xúc tác thúc đẩy những điều lớn lao.
- Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, trong việc thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ?
- Các nước phát triển dẫn đầu Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, ASEAN đi tiên phong trong các nền kinh tế đang phát triển. Khối kinh tế lớn thứ 4 thế giới này có thể vươn tới vị trí thứ 3 vào năm 2030. Các nước ASEAN đang đi đúng hướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu về 5 trọng tâm trong phiên khai mạc WEF ASEAN hôm 12/9. Ông ấy nói về hội nhập khu vực, cơ sở dữ liệu khu vực. Theo tôi, đó là lối suy nghĩ mang tầm nhìn tương lai. Thủ tướng không chỉ nghĩ về Việt Nam mà nghĩ rộng cả khu vực bởi nếu Việt nam đi một mình thì sẽ rất khó để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Nghe lãnh đạo bảy nước phát biểu tại Hội nghị WEF ASEAN, tôi cho rằng họ đều có chung một ý tưởng rất rõ về hội nhập và hợp tác. Đây là lợi thế và lợi ích lớn với ASEAN. Khi tôi tới Mỹ hay châu Âu, tôi không cảm thấy năng lượng giống như ở ASEAN về sự sáng tạo, đổi mới và thế hệ trẻ.
Hiện Singapore là nước đi đầu trong ASEAN nhưng tôi nghĩ Việt Nam đang ở sát ngay sau. Một số công nghệ trong các hội thảo về khoa học kỹ thuật ở Việt Nam thuộc vào loại công nghệ tốt nhất thế giới. Dẫu vậy, thách thức nằm ở việc làm sao để mở rộng công nghệ ra toàn xã hội, đưa công nghệ từ một bộ phận nhỏ tới đám đông quần chúng, đặc biệt khi Việt Nam có dân số 80 triệu người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị WEF ASEAN. Ảnh: WEF. |
- Ông có đề xuất gì với các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam để vượt qua các thách thức trong cuộc cách mạng mới?
- Điều đầu tiên là các doanh nghiệp tụt hậu cần nỗ lực theo kịp bằng cách lập chiến lược kinh doanh mới, sử dụng công nghệ cải thiện năng suất. Thứ hai, họ phải tự hỏi bản thân đã đào tạo nhân viên đủ để tối ưu hóa hoạt động hay chưa. Tôi nghĩ thành công sẽ được tạo ra bởi những người có khả năng lãnh đạo.
Phong cách doanh nghiệp tương lai sẽ là phong cách bao trùm, không loại trừ ai. Nếu muốn có một công ty thành công, bạn phải khuyến khích được nhân viên và đó là lúc kỹ năng mềm thể hiện tầm quan trọng của nó.
Bên cạnh đó, chính phủ đóng vai trò then chốt, cần có các chương trình đào tạo khuyến khích doanh nghiệp nhỏ tham gia. Chính phủ là chất xúc tác quan trọng, tạo khung pháp lý, không gian thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh và tiếp cận nguồn tài chính.
Như Thủ tướng Việt Nam và một số lãnh đạo đã nói, khu vực tư nhân phải phối hợp với chính phủ. Doanh nghiệp cần cùng chính phủ xác định những lĩnh vực mà họ muốn được hỗ trợ. Tương lai dựa vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, không phải những tập đoàn lớn. Chúng ta cần quan tâm đến thế hệ trẻ, giúp họ khởi nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh.
Toàn cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 không chỉ là công nghệ mà gồm nhiều mảnh ghép. Nếu một đất nước có thể xếp đủ thành bức tranh hoàn chỉnh thì nước đó sẽ dẫn đầu.
- Xin cảm ơn ông.