Lo ngại trước 2 sự cố máy bay thảm khốc khiến hơn 300 người thiệt mạng trong vòng 4 tháng, nhiều quốc gia và hãng hàng không đã quay lưng với dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing.
Cấm bay khắp nơi
Liên minh châu Âu bắt đầu đóng cửa không phận với Boeing 737 Max từ hôm qua.
Trước đó, một loạt quốc gia bao gồm Australia, Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Iceland, Italy, Malaysia, Netherlands, Oman, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh cũng thông báo cấm bay với dòng máy bay này.
Các hãng hàng không của Anh, Oman, Singapore, Australia, Ireland, Pháp, Na Uy tạm dừng khai thác tất cả máy bay thuộc dòng Boeing 737 Max, không chỉ 737 Max 8, loại máy bay vướng 2 tai nạn hàng không liên tiếp làm thiệt mạng hơn 300 người trong vòng 4 tháng.
Boeing 737 Max đang bị cấm bay tại hầu hết quốc gia. |
Trong khi đó, Ấn Độ, Dubai, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Iceland, Đức và các hãng hàng không LOT Polish, TUI Airways, GOL Linhas Aereas, Aeromexico, Aerolíneas Argentinas, Cayman Airways, Comair Airways, Eastar Jet, Jet Airways, Mongolian Airlines, China Airlines, China Eastern, China Southern, Lion Air và Silkair chỉ tạm ngưng khai thác dòng Max 8.
Thổ Nhĩ Kỳ thì tạm dừng khai thác cả Max 8 và 9. Dòng Max 9 chưa từng bị rơi nhưng được nêu trong thông báo của FAA sau tai nạn của Lion Air tháng 10/2018.
Chỉ còn số ít hãng hàng không tiếp tục khai thác máy bay 737 Max là American, United and Southwest, Fiji Airways, Icelandair, Flydubai, Spicejet và WestJet.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ban hành lệnh tạm khai thác dòng máy bay 737 Max. Nước này cũng sở hữu đội bay 737 Max 8 hùng hậu nhất, với 97 chiếc.
Trong khi đó, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) dù chỉnh đốn Boeing nhưng vẫn không yêu cầu ngừng bay 737 Max.
FAA đã gửi thông báo đến các cơ quan hàng không dân dụng toàn cầu, cho biết tổ chức này sẽ sớm chia sẻ những thông tin an toàn liên quan đến dòng máy bay Boeing 737 Max 8.
Lo ngại gia tăng
Một trong số những chiếc 737 Max 8 của hãng hàng không Ethiopian Airlines, mang số hiệu ET302, đã lao xuống đất chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Bole ở thủ đô Addis Ababa, khiến toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng.
Trước đó vào tháng 10/2018, một chiếc 737 Max 8 của hãng hàng không Lion Air cũng gặp nạn theo một kịch bản tương tự, khi không thể giữ ổn định độ cao khi vừa cất cánh và lao xuống biển Java, làm 189 người chết.
Cả 2 chiếc máy bay này đều còn rất mới, chiếc của Lion Air mới có 800 giờ bay trong khi chiếc của Ethiopian Airlines cũng chỉ bay được 1.200 giờ.
Hiện không có bằng chứng về mối liên hệ giữa các vụ tai nạn ở Ethiopia và Indonesia, nhưng sự giống nhau đã khiến một số hãng hàng không thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn bổ sung trong khi cả hai cuộc điều tra đang diễn ra.
Hiện có khoảng 3 hãng hàng không quốc tế có 737 Max bay đến Việt Nam bao gồm Eastar Jet của Hàn Quốc, Thai Lion Air (Thái Lan) và Manlindo Air (Malaysia). Tuy nhiên, các hãng nói trên cũng đã thông báo tạm dừng hoạt động của dòng máy bay này sau khi xảy ra vụ tai nạn tại Ethiopia.
"Các hãng hàng không sẽ bị ảnh hưởng song họ phải thay đổi loại máy bay, tất cả vì mục đích an toàn", ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không nói.
Với các hãng bay Việt, chưa có đơn vị nào sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX. Tuy nhiên Vietjet Air đang đặt mua khoảng 200 chiếc 737 Max 8 và Max 9, dự kiến nhận bàn giao chiếc đầu tiên vào tháng 10/2019. Zing.vn liên hệ với Vietjet Air về các đơn hàng này và chưa có hồi âm.
Hôm 11/3, Cục Hàng không đã quyết định chưa cấp chứng chỉ bay cho loại tàu bay này với các hãng trong nước cho đến khi làm rõ các vấn đề liên quan.