Thời gian qua, với sự lan rộng của biến chủng Delta (lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ), Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều nơi và khiến các quốc gia trải qua đợt lây nhiễm mới.
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hầu hết ca bệnh chỉ phát triển các triệu chứng nhẹ và có thể tự theo dõi tình hình tại nhà.
Trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 2/2020 trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH) nước này từng ước tính có khoảng 80% ca Covid-19 ở Trung Quốc trải qua các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình.
Ông Judy Tung, chuyên gia tại Trung tâm y tế Weill Cornell (Mỹ), cho biết: “Trong khi vẫn có nhiều người nhiễm Covid-19 phải nhập viện, hầu hết bệnh nhân có thể tự chăm sóc an toàn tại nhà khi hiểu biết về các triệu chứng, đồng thời tiến hành theo dõi và điều trị đúng cách”.
Trong đoạn video đăng trên website của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 5, chuyên gia Janet Diaz nói khi điều trị tại nhà, cần nhấn mạnh yếu tố phải cách ly bệnh nhân để không lây truyền virus cho người khác.
Đồng thời, người bệnh cũng nên ăn uống đủ chất và sử dụng thuốc hạ sốt nếu cần, bà Diaz nói.
Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà cần tránh để virus SARS-CoV lây lan cho người xung quanh. Ảnh: PTI. |
Cẩn trọng là yếu tố then chốt
Tại Ấn Độ, khi tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng hồi tháng 4, quốc gia Nam Á phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế, cạn kiệt giường bệnh và bình oxy.
Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nên tự điều trị tại nhà để giảm áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Theo đó, người mắc Covid-19 ở nhà nên có phòng riêng đảm bảo thông gió, cùng với một nhà tắm riêng.
Trên website chính thức, Bộ Y tế Ấn Độ hồi tháng 4 cũng ban hành hướng dẫn cụ thể dành cho người thân của bệnh nhân Covid-19.
Người nhà nên sử dụng ba lớp khẩu trang y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân, riêng loại N95 có thể được dùng lúc ở cùng phòng với người bệnh.
Đặc biệt, người nhà không nên đưa tay lên mặt hay chạm vào phía ngoài của khẩu trang, đồng thời ngừng sử dụng khi khẩu trang bị ướt hoặc có dịch bắn.
“Tất cả thành viên gia đình cần đeo khẩu trang trong nhà”, India Today dẫn lời ông Praveen Gupta, người đứng đầu Viện nghiên cứu Fortis Memorial (bang Haryana), cho biết.
Theo ông Gupta, yếu tố “vệ sinh khẩu trang đóng vai trò thiết yếu”, đồng thời việc sử dụng khẩu trang đúng cách cũng quan trọng chẳng kém việc lựa chọn loại khẩu trang phù hợp.
Các thành viên gia đình cũng cần rửa tay với xà phòng trong khoảng 40 giây và lau khô thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc hoặc ở cùng phòng với người bệnh.
Ngoài ra, người nhà cần sử dụng găng tay dùng một lần và tránh tiếp xúc trực tiếp với cơ thể bệnh nhân. Không nên đụng chạm vào các vật dụng xung quanh nơi người bệnh ở và tránh dùng chung dụng cụ ăn uống, khăn tắm hoặc khăn trải giường.
Người nhà cũng nên mang thức ăn vào phòng riêng cho bệnh nhân và sử dụng găng tay khi rửa sạch bát đĩa.
Theo NDTV, ông Nimit Shah, chuyên gia tại Bệnh viện HN Reliance (Mumbai), cho biết: “Bệnh nhân Covid-19 và các thành viên trong gia đình có thể dùng vitamin C hoặc viên kẽm, được khuyến cáo giúp giảm bớt âu lo của bệnh nhân và người nhà”.
Trong khi đó, ông Praveen Chandra, chuyên gia tại bệnh viện Medanta Gurugram, nói rằng dù bổ sung một số vitamin là cần thiết, vẫn chưa có đủ căn cứ khoa học chỉ ra khả năng bảo vệ của chúng trước Covid-19.
Ngoài ra, trong quá trình làm sạch quần áo của người bệnh, người thân cũng nên đeo găng tay và khẩu trang y tế.
Rác thải sinh hoạt có thể bỏ vào hai lớp túi, có dán nhãn và để riêng trước khi được xử lý theo quy định.
Cẩn trọng là yếu tố then chốt khi chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà. Ảnh: PTI. |
Những lưu ý quan trọng
Ông Praveen Chandra khuyến cáo các bệnh nhân và người nhà không nên tìm mua bình oxy và dự trữ ở nhà cho đến khi thật cần thiết, theo NDTV.
“Những bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng về hô hấp, với nồng độ oxy dưới 90%, mới cần cấp thêm nguồn oxy”, ông Chandra khẳng định.
Còn ông Rajeev Jayadevan, thành viên của Lực lượng Chuyên trách Covid-19 của Ấn Độ, cho biết: “Có một số dấu hiệu quan trọng khi chăm sóc người bệnh cần chú ý đó là mạch đập, huyết áp, thân nhiệt và mức độ bão hòa oxy”.
Trong khi đó, CDC Mỹ cũng bổ sung khuyến cáo rằng các bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà nên hạn chế tiếp xúc với vật nuôi.
Ngoài ra, CDC cho biết người nhà của bệnh nhân Covid-19 nên cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Quy định này có thể không áp dụng đối với người đã được tiêm đầy đủ vaccine, hoặc người từng mắc Covid-19 nhưng đã hồi phục trong vòng 3 tháng và không có triệu chứng tái phát bệnh.
Trong khi đó, CNN dẫn lời ông Thomas Steinemann, đại diện Học viện Nhãn khoa Mỹ, nói rằng vẫn có khả năng virus SARS-CoV-2 lây truyền qua mắt, dù ít xảy ra hơn việc lây qua mũi hoặc miệng.
Do đó, “khi chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà, việc đeo kính bảo vệ mắt cũng là điều nên làm”, ông Steinemann cho biết.
Trong trường hợp nguồn khẩu trang N95 có thể thiếu hụt, nghiên cứu của Đại học Florida Atlantic chỉ ra rằng khẩu trang vải hai lớp cũng giúp ngăn chặn đáng kể các giọt bắn, khiến chúng chỉ văng xa khoảng hơn 6 cm (so với 2,4 m nếu không bị cản trở), theo CNN.
“Mọi người cần biết rằng đeo khẩu trang có thể giúp giảm 50% khả năng lây lan của virus (SARS-CoV-2)”, ông Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của Đại học Washington, khẳng định.
"Khẩu trang giúp giảm 50% khả năng lây lan của virus". Ảnh: Reuters. |
Bộ Y tế Canada cũng khuyến cáo người dân nên trang bị tại nhà các dụng cụ cần thiết như nhiệt kế, kính bảo vệ mắt, găng tay để giúp việc điều trị thuận lợi hơn.
Tại Anh, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho rằng khi điều trị Covid-19 tại nhà, bệnh nhân cần tránh lây nhiễm cho người thân, nhất là những người từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai hoặc người có hệ miễn dịch yếu.
Trong khi đó, WHO cho biết hầu hết bệnh nhân Covid-19 thường hồi phục sau khoảng từ 2 đến 6 tuần, dù cơ quan này cũng không loại trừ khả năng một số người phải trải qua quá trình điều trị lâu hơn.
Để ngăn chặn đại dịch Covid-19, nhất là nhằm đối phó với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vẫn là yếu tố đóng vai trò then chốt. Do đó, “những người đủ điều kiện nên tiêm phòng càng sớm càng tốt,” chuyên gia Tung nhấn mạnh, theo Health Matters.