Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới huyền bí dưới biển sâu

Thế giới động vật nơi biển cả có những giống loài đa dạng với đặc tính riêng có thể khiến chúng ta ngỡ ngàng về nó, như trường hợp bạch tuộc và san hô.

Đại dương chứa trong lòng nó đủ loài sinh vật biển mà đến nay khoa học vẫn chưa khám phá hết được. Ngay cả những sinh vật như bạch tuộc hay san hô, cũng đem lại những bất ngờ.

The gioi bien sau anh 1

Bạch tuộc là sinh vật biển có trí khôn. Tranh: Sam Falconer.

Sinh vật thông minh có thể mở lọ

Bạch tuộc là sinh vật có trí khôn, chúng là một trong những loài thông minh nhất trong các loài động vật. Bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương có thể học cách mở một cái lọ hoặc tìm được đường đi qua một mê cung để kiếm thức ăn. Tuy nhiên, chúng lại không được quảng giao cho lắm, con đực và con cái sống đơn lẻ, săn nhiều loại sinh vật biển, trong đó có cả những con bạch tuộc nhỏ hơn.

Để thu hút con đực, con cái tiết ra một chất hóa học. Khi con đực bơi về phía con cái, màu da của nó sẫm lại. Con đực sử dụng một trong 8 cái chân của mình để giao phối. Khoảng một tháng sau, con đực sẽ chết. Sau khi giao phối, con cái đẻ tới 100.000 trứng và treo trứng trong ổ như những chuỗi ngọc trai. Nó bảo vệ và làm sạch những quả trứng cho đến khi trứng nở, tức 7 tháng sau. Và rồi nó cũng chết.

Sau khi trứng nở, bạch tuộc con nổi lên mặt nước. Tại đây, chúng hòa vào thế giới của các sinh vật phù du (những sinh vật nhỏ bé trôi nổi trong nước). Chúng sống ở đó vài tháng trước khi bơi xuống đáy đại dương. Những con bạch tuộc con tiếp tục phát triển cho đến khi có thể giao phối, tức khi chúng được khoảng ba đến năm tuổi.

Mỗi loài bạch tuộc lại có những nét riêng thú vị. Một con bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương cái đã trưởng thành hoàn toàn đủ khỏe để nâng tới 320 kg bằng 8 cánh tay của nó. Trọng lượng này ngang với trọng lượng của một con bò nhỏ.

Còn bạch tuộc bắt chước là loài sinh vật biển duy nhất có thể sao chép, hay giả dạng các loại động vật khác, kể cả những loài có độc như rắn biển. Nó thực hiện điều này bằng cách thay đổi màu sắc, hình dạng và kết cấu cơ thể.

Bạch tuộc dừa còn được gọi là bạch tuộc vân, loài vật này có thể đi bằng hai chân và sử dụng sáu chân còn lại để mang một cái vỏ sò hoặc gáo dừa, thứ được nó sử dụng như một ngôi nhà di động. Trong khi đó bạch tuộc Argonaut thay vì đẻ trứng trong ổ hoặc trong hang, con cái tiết ra, hay còn gọi là sản xuất, một cái vỏ giống vỏ ốc để bảo vệ trứng của mình và sống luôn trong đó.

The gioi bien sau anh 2

San hô là nơi cư trú của nhiều động vật dưới nước. Minh họa: Sam Falconer.

Ngôi nhà đầy màu sắc cho vô số sinh vật

Một số vòng đời có vai trò quan trọng đối với một môi trường sống. San hô tuy sinh trưởng giống như một loài thực vật dưới nước, nhưng trên thực tế chúng lại là những khu định cư (quần thể) của các động vật. Chúng xây dựng một môi trường sống bằng đá gọi là rạn san hô - một ngôi nhà đầy màu sắc cho vô số sinh vật khác.

Các rạn san hô cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho hàng nghìn loài động vật, bao gồm cua, hải quỳ và cá. Các loại san hô như san hô sừng hươu mọc ra những nhánh vươn lên, trong khi nhiều loài san hô khác biến thành những khối đá khổng lồ.

Vào một đêm trong năm - ngay sau một kỳ trăng tròn - san hô phóng ra hàng tỷ trứng và tinh trùng cùng một lúc. Có khả năng rất nhiều trứng sẽ được thụ tinh. Mỗi quả trứng được thụ tinh sẽ phát triển thành một ấu trùng nhỏ xíu biết bơi có hình dạng hơi giống một đôi dép lê nhưng nhỏ tới mức không thể nhìn thấy nếu không có kính hiển vi.

Hầu hết ấu trùng bị cá và các động vật khác ăn thịt, nhưng một số ít sẽ sống sót và định cư ở đáy biển lởm chởm đá. Tại đây, chúng biến đổi thành những sinh vật nhỏ giống như các bông hoa có các xúc tu mọc ra, được gọi là polyp. Polyp san hô bắt các động vật nhỏ bằng những xúc tu biết chích chất độc của chúng. Nhiều polyp chứa tảo, chúng tạo ra thức ăn bằng cách sử dụng năng lượng của ánh sáng Mặt Trời, giống như thực vật.

Một lớp màng mỏng sẽ sinh ra xung quanh gốc của mỗi polyp và từ đó sẽ mọc ra thêm nhiều polyp khác để tạo thành cụm san hô. Ở bên dưới, san hô sẽ phát triển một khung xương bằng chất đá vôi cứng, thứ về sau sẽ dày lên tạo thành rạn san hô.

Đáng buồn là nhiều rạn san hô đã bị phá hủy do ô nhiễm và đánh bắt cá quá mức. Một số nhà khoa học đang giúp khôi phục chúng bằng cách trồng san hô trong các vườn ươm dưới nước.

Derek Harvey / Zenbooks và NXB Dân trí

SÁCH HAY