Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới đối phó với vấn nạn tiền giả như thế nào?

2,8% tiền xu của Anh là tiền giả, trong khi tội phạm ở Mỹ có thể làm giả cả seri tờ 100 USD khiến tiền giả trở thành vấn nạn không chỉ của Việt Nam, mà của toàn thế giới.

Ngày 17/12/2003, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên đưa đồng tiền bằng chất liệu polymer vào lưu thông trong kế hoạch phát hành liên tiếp 6 loại mệnh giá (từ 10.000 đồng đến 500.000 đồng). kế hoạch này để bổ sung cơ cấu, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế và nâng cao chất lượng, khả năng chống giả của đồng tiền, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Khi đó, tiền 50.000 đồng và 500.000 đồng là loại tiền làm bằng chất liệu mới đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam. Những đồng tiền khác ra đời trong giai đoạn 2003-2006.

Tuy nhiên, chỉ một vài năm sau khi phát hành tiền mới, tiền polymer giả cũng được phát hiện trong lưu thông. Từ công nghệ làm giả thấp, màu sắc dễ phai nhạt, đến nay, tiền giả ngày càng được làm tinh vi, chứa cả những dấu hiệu bảo an nổi bật như dây bảo hiểm, mực đổi màu, hình in chìm...

Năm 2010 là thời điểm mệnh giá 100.000 đồng bị làm giả nhiều nhất, khi chiếm tới 40% lượng tiền bị phát hiện. Sau này, tờ tiền thường bị làm giả là mệnh giá 200.000 đồng, khi nhu cầu tiêu loại tiền này trong cư dân cũng lớn nhất.

Cứ 5.000 tờ tiền giấy đang lưu hành tại Anh thì có một tờ là giả

. Ảnh: Telegraph.

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, tiền giả là vấn nạn chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới, từ Mỹ, Anh, tới Ấn Độ, Trung Quốc..., dưới rất nhiều chất liệu, từ giấy cotton, polymer tới kim loại.

Tại Mỹ, năm 2006, những đồng tiền 100 USD có series CB phát hành vào năm 1996 đã từng bị từ chối nhận, sau vụ việc nhiều tờ tiền loại này xuất hiện phiên bản siêu giả. Đến năm 2011, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cũng từng thông báo phát hiện những tờ đôla mệnh giá 100 USD giả với chất lượng cao, rất gần với loại tiền thật.

BBC cho biết, vào năm 2009, có 95% số lượng tiền giả bị phát hiện tại Anh mang mệnh giá 20 bảng. Theo đó, cứ 5.000 tờ tiền đang lưu hành thì có một tờ là giả, với giá trị tăng dần theo các năm. Năm 2009, tổng giá trị tiền giả bị phát hiện là 2,6 tỷ bảng; năm 2012, con số đã lên tới 3 tỷ bảng. Với tiền xu, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều, chiếm khoảng 2,8% tổng số tiền đang lưu hành.

Năm 2014, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết, 80% lượng tiền EUR giả được phát hiện có mệnh giá 20 EUR và 50 EUR.

Trong khi đó, tờ Telegraph dẫn lời cơ quan điều tra của Trung Quốc cho biết, giá trị tiền giả bị phát hiện ở quốc gia này tăng chóng mặt, từ mức 50 triệu USD (năm 2012) lên 80 triệu USD (năm 2014). Tuy nhiên, số lượng tiền bị phát hiện chỉ là rất nhỏ so với thực tế. Bởi một nhóm tội phạm chuyên làm tiền giả ở Quảng Châu có thể sản xuất được 15 triệu USD tiền giả chỉ trong vòng một tuần.

Để hạn chế việc tiền bị làm giả, các quốc gia liên tục cập nhật những thay đổi về thiết kế, tăng cường các chi tiết bảo an hoặc thay đổi hoàn toàn chất liệu đồng tiền. Năm 2010, Mỹ phát hành đồng tiền mới với công nghệ in nổi đặc biệt cùng hiệu ứng đổi màu trên nền hoa văn họa tiết phức tạp, kèm công nghệ in 3D.

Chính phủ Ấn Độ đã quyết định tăng cường khả năng chống làm giả của đồng Rupee, bằng cách in số seri lớn dần từ trái sang phải. Theo Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, cách in ấn mới này sẽ giúp đồng tiền của quốc gia này tránh được nạn làm giả, trong khi không cần thay đổi quá nhiều về thiết kế.

Trong khi đó, Anh lên kế hoạch đưa những đồng bảng bằng chất liệu polymer đầu tiên vào lưu thông từ tháng 9/2016, nhằm bảo vệ một trong những loại tiền có giá trị nhất thế giới. Theo giới chức Anh, tiền mới sẽ có kích thước nhỏ hơn 15% so với đồng bảng bằng giấy hiện tại, nhưng tuổi thọ sẽ dài hơn ít nhất 2,5 lần.

Thực tế, polymer được xem là loại vật liệu nổi trội để in tiền. Nhờ tính chất dai và đàn hồi tốt, loại tiền polymer có thể dễ dàng làm sạch, và thân thiện hơn với môi trường. Hơn thế nữa, tiền polymer cho phép thiết kế những "cửa sổ" trên mặt tờ tiền, nên sẽ làm tăng khả năng bảo an, cho phép thực hiện những kỹ thuật in chìm, họa tiết bắt sáng... Tuổi thọ của tiền polymer cũng dài hơn, và do đó sẽ giúp các quốc gia bớt được ngân sách in tiền mới để thay thế những tờ không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Phân biệt tiền thật, giả như thế nào?

Kỹ thuật in nổi, khắc lõm, dây an ninh, mực đổi màu... là những dấu hiệu bảo an trên những đồng tiền polymer mà người dùng có thể nhận biết được dễ dàng.

 

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm