Theo báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm của Tập đoàn Thế giới Di động, ông lớn bán lẻ đạt doanh thu thuần 68.855 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 2.697 tỷ đồng, tăng 37%.
Luỹ kế 8 tháng, Thế giới Di động đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 76% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh thu, lợi nhuận ảm đạm vì tháng "cô hồn"
Chỉ tính riêng trong tháng 8, doanh thu hợp nhất của Thế giới Di động đạt 7.926 tỷ đồng, mức thấp nhất từ tháng 3. Lợi nhuận sau thuế của hệ thống cũng giảm còn 286 tỷ đồng, con số thấp nhất ngoài tháng 2, thời điểm việc kinh doanh gián đoạn vì nghỉ Tết. Tuy nhiên, chuỗi nhấn mạnh riêng lãi ròng của tháng 8 năm nay vẫn cao hơn 34% so với cùng kỳ.
Thế giới Di động giải thích nguyên nhân của việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận vì theo chu kỳ kinh doanh, sức tiêu thụ điện thoại và điện máy có xu hướng chững lại trong quý III và sẽ tăng trưởng trở lại vào cuối năm.
"Trong đó, tháng 8 là thấp điểm nhất trong năm về cả doanh thu và lợi nhuận do đặc điểm thời tiết rơi vào mùa mưa bão và nhu cầu mua sắm của người dân thường giảm mạnh trong tháng 7 âm lịch", báo cáo của Thế giới Di động cho biết.
Một chỉ số tài chính tích cực theo Thế giới Di động là biên lợi nhuận ròng của chuỗi trở lại mức 3,6%, tăng so với mức 3,1% trong tháng 7 sau các chương trình khuyến mãi nhân dịp chuỗi sự kiện kỷ niệm thành lập công ty. Sau 8 tháng, biên lợi nhuận ròng luỹ kế ở mức 3,9%.
Thế giới Di động cũng cho hay doanh số của kênh bán hàng trực tuyến đã tăng trưởng trở lại sau nhiều tháng sụt giảm kể từ khi công ty thực hiện chiến lược đồng nhất giá bán tại cửa hàng và trên online. Doanh thu kênh online của công ty trong tháng 8 là 899 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 546 tỷ đồng của tháng 7.
Với ngành hàng đồng hồ, Thế giới Di động đã thu về 250 tỷ đồng doanh thu từ hơn 100.000 sản phẩm bán ra sau 6 tháng triển khai. Hết tháng 8, có 85 cửa hàng thegioididong.com và Điện Máy Xanh đang kinh doanh đồng hồ. Số lượng điểm bán đồng hồ dự kiến cán mốc 200 vào cuối năm.
Về nhóm sản phẩm gia dụng và dụng cụ nhà bếp như xoong nồi, chảo rán, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu 5.100 tỷ đồng từ ngành hàng này sau 8 tháng đầu năm. Trung bình mỗi ngày, nhóm sản phẩm này thu về hơn 21 tỷ đồng cho Thế giới Di động.
Công ty cũng cho biết đã hoàn thành thử nghiệm mô hình kinh doanh thêm hàng gia dụng trong 6 cửa hàng Bách Hóa Xanh để nhân rộng số lượng cửa hàng bán các sản phẩm trên từ đây đến cuối năm.
Nếu giữ được đà kinh doanh trên, ngành hàng gia dụng và dụng cụ nhà bếp có thể vượt chỉ tiêu 7.000 tỷ đồng của năm 2019. "Mặc dù giá trị mỗi sản phẩm không cao, các sản phẩm này mang lại biên lợi nhuận tốt", Thế giới Di động cho biết.
Bách Hóa Xanh bắt đầu tiến ra miền Trung
Chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh của Thế giới Di động đến cuối tháng 8 đã có 725 cửa hàng với tổng doanh thu lũy kế từ đầu năm là 6.120 tỷ đồng. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng hoạt động trên một tháng xấp xỉ 1,5 tỷ đồng/tháng.
Trong tháng 8, Bách Hóa Xanh đã mở rộng ra khu vực Nam Trung Bộ với cửa hàng đầu tiên tại Bình Thuận. Hiện chuỗi có tổng cộng 322 cửa hàng tại 15 tỉnh Nam Bộ ngoài TP.HCM.
Hệ thống điểm bán của Bách Hóa Xanh bắt đầu tiến ra Nam Trung Bộ. Ảnh: MWG. |
Trong cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư hồi tháng 8, CEO Bách Hóa Xanh Trần Kinh Doanh từng chia sẻ định hướng mở rộng của chuỗi trong thời gian tới là phát triển sâu mạng lưới ở đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, đồng thời tiến ra miền Trung. Sau năm 2021, Bách Hóa Xanh có thể có mặt ở miền Bắc.
Để phục vụ chiến lược mở rộng, Bách Hóa Xanh cho biết đã ký kết để có 87 mặt bằng mới trong tháng 8. Trong đó, có những mặt bằng ở các địa phương mới như Ninh Thuận, Khánh Hoà, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang.
Một điểm tích cực trong tháng vừa qua theo Bách Hóa Xanh là chuỗi giảm tỷ lệ hao hụt, huỷ hàng, mất mát từ mức trung bình 3% trong 7 tháng đầu năm xuống còn 2,5% trong tháng 8. Kết quả này đến trong bối cảnh hàng tươi sống, hàng mát và đông lạnh đang chiếm xấp xỉ 50% doanh thu của chuỗi.
Bách Hóa Xanh cho biết định hướng mua hàng trong thời gian tới là tiếp tục nhập khẩu trực tiếp thêm các mặt hàng thay vì nhập hàng của nhà cung cấp trong nước để có giá bán lẻ tốt nhất.