Doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài dự kiến chi hơn 700 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt. Ảnh: MWG. |
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Theo đó, công ty dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 5%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận về 500 đồng.
Với hơn 1,4 tỷ cổ phiếu MWG đang lưu hành, Thế Giới Di Động dự kiến bỏ ra 730 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Tính chi 100 tỷ đồng mua lại cổ phiếu
Ngoài việc trả cổ tức, Thế Giới Di Động cũng trình cổ đông phương án mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ trong năm 2024 với ngân sách tối đa là 100 tỷ đồng. Nguồn vốn dự kiến lấy từ lợi nhuận giữ lại chưa phân phối.
Về kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2024 (ESOP), Thế Giới Di Động trình cổ đông tỷ lệ phát hành tối đa 2% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến triển khai trong năm 2025.
Trong đó, TGDĐ sẽ không phát hành nếu tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận dưới 110%. Nếu tỷ lệ hoàn thành đạt 110% thì sẽ phát hành theo tỷ lệ 1%. Cứ 1% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế vượt 110% kế hoạch thì tỷ lệ phát hành ESOP được cộng thêm 0,05%.
Thế Giới Di Động có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt và phát hành ESOP. Ảnh: MWG. |
Năm nay, Thế Giới Di Động tham vọng mang về doanh thu 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ với nhà đầu tư tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết mục tiêu lợi nhuận 2.400 tỷ đồng không phải con số cao so với 125.000 tỷ đồng doanh thu.
"Năm 2023 vừa qua, thị trường đã thay đổi nhanh chóng và Thế Giới Di Động nhận ra sự thay đổi rất chậm chạp. Hết quý I/2023, doanh nghiệp mới nhận ra sức mua trên thị trường bị sụt giảm mạnh và không quay trở lại", ông Tài thừa nhận.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết năm 2023, doanh nghiệp đã trải qua 9 tháng đến gần 1 năm tái cấu trúc. Công ty đã điều chỉnh lại các khâu vận hành.
"Sau khi tái cấu trúc, phần lớn chi phí là cố định nên dù doanh thu tăng hay giảm thì chi phí sẽ bám theo doanh thu. Với cách vận hành mới, lợi nhuận sẽ được bảo đảm và con số mục tiêu 2.400 tỷ đồng năm nay là trong tầm tay", ông Tài nói.
Tái cấu trúc toàn diện
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thế Giới Di Động sẽ tái cấu trúc toàn diện theo hướng "Giảm lượng - Tăng chất" nhằm tăng cường sức mạnh nội tại.
Đối với chuỗi Thegioididong.com (bao gồm TopZone) và Điện Máy Xanh, tập đoàn định hướng bán lẻ các sản phẩm công nghệ và điện máy vẫn là trụ cột chính mang về lợi nhuận, đồng thời đóng góp khoảng 65% doanh thu.
Về chiến lược giá cạnh tranh, 2 chuỗi điện thoại và điện máy này sẽ không chủ trương để dẫn đầu về cuộc chiến giá.
Thế Giới Di Động từ bỏ cuộc chiến giá với các đối thủ. Ảnh: MWG. |
Mảng bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng của Bách Hóa Xanh sẽ đóng góp khoảng 30% doanh thu, tăng trưởng 2 chữ số, gia tăng thị phần và bắt đầu mang lại lợi nhuận trong năm nay.
Nhà thuốc An Khang và Avakids sẽ tăng trưởng doanh thu 2 chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước ngày 31/12. Theo Thế Giới Di Động, năm 2024, An Khang có thể bước vào giai đoạn mở rộng nếu vận hành ổn định, có hiệu quả và xây dựng mô hình kinh doanh thành công.
Trong cuộc họp chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động, cũng cho biết trong năm 2023, chuỗi cửa hàng mẹ và bé AVAKids đã trải qua quá trình nâng cấp cửa hàng và dịch vụ.
"Hiện chuỗi có 64 cửa hàng, doanh thu chuỗi bán lẻ này tăng liên tục qua các tháng, đạt khoảng 1,7 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Trong khi đầu năm 2023, con số doanh thu mới dừng ở mức hơn 800 triệu đồng/cửa hàng/tháng, tức tăng gấp đôi trong 1 năm", ông nói.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết trong năm nay, chuỗi cửa hàng mẹ và bé này không chú trọng mở rộng mà thay vào đó sẽ tập trung nhiều hơn ở mảng bán hàng online. Doanh nghiệp nhận thấy nhiều cơ hội và tiềm năng rất lớn ở hình thức kinh doanh này, bởi có thể đáp ứng được thói quen mua sắm của khách hàng là các bà mẹ.
Với Erablue, chuỗi bán lẻ sản phẩm công nghệ và điện máy tại Indonesia, doanh thu năm nay dự kiến tăng trưởng 2 chữ số, gia tăng thị phần và trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 tại đất nước 300 triệu dân trong năm 2024.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.