Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã chính thức thông qua việc nâng ngân sách chi cho hoạt động M&A lên mức 2.500 tỷ đồng. Trước đó, mức ngân sách chi cho hoạt động này được ĐHĐCĐ năm 2017 phê duyệt chỉ là 500 tỷ đồng.
Nguồn vốn để thực hiện hoạt động này sẽ được lấy từ vốn vay và phát triển trái phiếu cùng với khoản lợi nhuận chưa phân phối cũng như phát hành cổ phần mới.
Ông Nguyễn Đức Tài đã từng úp mở chuyện thâu tóm chuỗi cửa hàng điện máy Trần Anh. Ảnh: TGDĐ. |
Tính đến hết quý II, Thế Giới Di Động vẫn còn hơn 1.560 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nên việc huy động thêm gần 1.000 tỷ đồng không phải chuyện khó với công ty này.
Theo đó, bước đầu tiên cho việc nâng ngân sách chi hoạt động M&A sẽ là phát hành 6,7 triệu cổ phần riêng lẻ cho không quá 10 nhà đầu tư ngay trong năm 2017. Mức giá sẽ được HĐQT đàm với với các nhà đầu tư được chọn. Tổng số tiền thu được sẽ được bổ sung vốn lưu động để thực hiện M&A. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ sẽ tăng lên gần 3,145 tỷ đồng.
Toàn bộ lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn tất phát hành.
Thế Giới Di Động thông qua ngân sách chi cho hoạt động M&A diễn ra trong bối cảnh HĐQT Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh mới đây cũng xin ý kiến cổ đông thông qua việc bán vốn cho Thế Giới Di Động tối thiểu 25% vốn điều lệ công ty. Đồng thời, Trần Anh cũng xin phê duyệt kế hoạch hủy niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành trên sàn chứng khoán.
Sau khi hủy niêm yết, nếu cổ đông có yêu cầu, TAG sẽ mua lại cổ phiếu của cổ đông làm cổ phiếu quỹ.
Mặc dù, trong phiếu xin ý kiến cổ đông Trần Anh chỉ nếu mức bán tối thiểu là 25%, nhưng ông chủ Nguyễn Đức Tài từng khẳng định một khi đã thâu tóm một chuối điện máy sẽ không chỉ là tham gia góp vốn là tối thiểu là nắm quyền chi phối, hơn nữa là có thể mua đứt.
Sau khi ông Tài cho biết công ty đang hoàn tất việc thâu tóm một chuỗi điện máy tại thị trường Việt Nam, nhiều nguồn tin đã khẳng định chuỗi điện máy này chính là Trần Anh.
“Mọi người nghiên cứu có thể biết Thế Giới Di Động sắp mua chuỗi điện máy nào. Tuy nhiên, vì chuyện bảo mật nên chưa thể công bố”, ông Tài chia sẻ. Nếu cổ đông đồng ý, việc mua lại sẽ diễn ra ngay vì các công đoạn đàm phán đã xong, chỉ chờ được duyệt chi.
Về kế hoạch sau khi thâu tóm, ông Trần Kinh Doanh - CEO của Thế Giới Di Động từng khẳng định có thể giữ lại tên của thương hiệu cũ khoảng 12-18 tháng. Khi mở một siêu thị mới sau khi thâu tóm, hệ thống này cũng ưu tiên mở cửa hàng Điện Máy Xanh vì muốn phát triển thương hiệu này.