Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế Giới Di Động bội thu sau giãn cách

Lần đầu tiên tập đoàn bán lẻ MWG có doanh thu vượt 12.000 tỷ đồng chỉ trong một tháng hoạt động, đồng thời đang thử nghiệm mảng kinh doanh mới.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố mức doanh thu kỷ lục hơn 12.000 tỷ đồng trong tháng 10. Con số này tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 45% so với tháng 9 liền trước.

Kết quả khả quan này nhờ phần lớn cửa hàng được hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội. Trước đó tập đoàn này báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý III giảm mạnh, do có gần 2.000 cửa hàng điện tử phải đóng cửa, hạn chế bán hàng theo quy định phòng dịch và 40-50% chuỗi thực phẩm không thể phục vụ khách trực tiếp từ 23/8 trở đi.

Như vậy tính lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn bán lẻ này đạt khoảng 98.800 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 125.000 tỷ đồng, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 79% chỉ tiêu doanh thu.

Điện thoại, điện máy bội thu

Động lực tăng trưởng trong tháng vừa qua đến từ nhóm chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (TGDĐ & ĐMX) khi ghi nhận doanh số hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và tăng 60% so với tháng 9.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, tổng giám đốc phụ trách hai chuỗi trên, cho biết kết quả đến từ việc đã chủ động chuẩn bị để mở cửa lại sớm nhất, đồng loạt và an toàn.

Cùng với đó, công ty làm việc với nhà cung cấp từ sớm, đeo bám và sâu sát trong khâu điều phối – luân chuyển hàng hóa để đảm bảo có hàng đầy đủ nhất trong bối cảnh thị trường Việt Nam và toàn cầu bị ảnh hưởng về nguồn cung.

Công ty cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại để khai thác hiệu quả nhu cầu mua sắm mới/thay thế sản phẩm hư hỏng sau 3-4 tháng giãn cách do dịch bệnh; đồng thời kích cầu khi mua sản phẩm thứ 2-3, cung cấp dịch vụ mua nhanh lắp đặt ngay.

DOANH THU THEO THÁNG CỦA MWG NĂM 2021

NhãnTháng 1Tháng 2Tháng 3Tháng 4Tháng 5Tháng 6Tháng 7Tháng 8Tháng 9Tháng 10
Doanh thu thuần Tỷ đồng 110491067091089622113811065794996509832512000

Ngoài ra, tháng 10 còn ghi dấu chương trình chào bán thành công sản phẩm iPhone 13 series và sự kiện ra mắt chuỗi Topzone. Sau 10 ngày khai trương, các cửa hàng Topzone đóng góp 40 tỷ đồng doanh thu (1 tỷ mỗi cửa hàng/ngày). Sản lượng iPhone 13 series bán ra tại Topzone chiếm gần 10% tổng số bán ra sản phẩm này trên toàn hệ thống công ty.

CEO Thế Giới Di Động kỳ vọng kết quả kinh doanh trong quý IV phần nào có thể bù đắp cho những tháng đóng cửa trong quý trước. Doanh thu chuỗi TGDĐ & Điện Máy Xanh có thể tiếp tục cao trong tháng 11 và 12 nhưng khó vượt qua tháng 10 có sức bật tốt.

Đối với chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh, doanh số trong tháng vừa qua đạt gần 2.000 tỷ đồng. Sau khi nới lỏng giãn cách, mức thu bình quân chỉ đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, vẫn chưa quay về mức bình quân thời điểm trước dịch.

Nguyên nhân được nêu ra là do các địa bàn trọng yếu chiếm 50% doanh thu như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang mặc dù đã mở cửa, vẫn đang là điểm nóng dịch bệnh. Do vậy, sinh hoạt của người dân chưa trở lại như trước và một bộ phận người lao động đã rời khỏi các “thủ phủ công nghiệp” về quê.

Chợ truyền thống được phép mở cửa trở lại cùng sự xuất hiện của nhiều cá nhân, cửa hàng nhỏ, lẻ bán thực phẩm tươi sống sau mùa dịch tạo ra nhiều lựa chọn về nơi mua sắm cho người dân.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG và phụ trách chuỗi thực phẩm trên đánh giá để nền kinh tế trở lại vận hành bình thường trước dịch cần mất khoảng 6 tháng cho đến 1 năm, khi đó doanh thu bình quân mỗi cửa hàng mới có thể trở lại mức 1,2 - 1,3 tỷ đồng.

Trong năm nay và cả năm sau, Bách Hóa Xanh vẫn sẽ tập trung vào khu vực hiện có là TP.HCM và các tỉnh, thành miền Nam, chưa có dự định mở rộng ra miền Trung hay Bắc.

Chuỗi bách hóa có kế hoạch kiểm soát chi phí trong các tháng cuối năm như chỉ mở mới các mặt bằng đã ký kết, tối ưu hóa sắp xếp nhân sự và tiếp tục cải thiện năng suất nhân viên, gia tăng tỷ trọng đóng góp các sản phẩm "hàng công ty" và kiểm soát tỷ lệ hủy hàng để duy trì biên lợi nhuận gộp 27% cho cả năm.

IPO Bách Hóa Xanh và thử nghiệm chuỗi mới

Chia sẻ chung về tầm nhìn dài hạn, chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài nói rằng tập đoàn sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với không chỉ Bách Hóa Xanh mà cả các công ty con khác nếu hoạt động hiệu quả. Việc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược là một phần không thể thiếu trong quá trình này.

MWG chính thức ra mắt chuỗi mới Bách Hóa Xanh vào năm 2017 và đến nay đã mở rộng nhanh chóng lên hơn 1.930 cửa hàng. Doanh thu cũng liên tục đạt các mức mới nhờ mở rộng quy mô, riêng quý III vừa qua tăng trưởng 63% so với cùng kỳ.

Gần đây tập đoàn cũng có những động thái tái cơ cấu khi Bách Hóa Xanh sẽ nhận chuyển nhượng lại cổ phần trong nhà thuốc An Khang và được cho phép nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 99,999%. Ngược lại Bách Hóa Xanh sẽ chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn trong công ty 4K FARM cho tập đoàn mẹ.

Song song đó MWG cũng có kế hoạch đầu tư tiếp cho các chuỗi chủ lực, bao gồm rót thêm 3.200 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho Bách Hóa Xanh nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng phát triển kinh doanh. Đồng thời góp thêm 800 tỷ đồng cho Thế Giới Di Động với mục đích tương tự.

MWG thu ky luc,  doanh so cua MWG,  cac mang kinh doanh MWG anh 1

Bách Hóa Xanh và các công ty kinh doanh hiệu quả sẽ có kế hoạch IPO. Ảnh: Phương Lâm.

Không chỉ tái cấu trúc nội bộ các công ty thành viên để hướng đến phục vụ ra bên ngoài và chuẩn bị IPO khi kinh doanh hiệu quả, MWG còn manh nha về các các mô hình kinh doanh mới.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em nói rằng trong dịch bệnh, tập đoàn nhận thấy có cơ hội đưa ra chuỗi mới với sản phẩm khác hoàn toàn so với trước đây, đơn cử trước đó đã triển khai mô hình shop in shop hay dành một khoảng riêng trong cửa hàng TGDĐ & Điện Máy Xanh bán xe đạp, đồng hồ, mắt kính… nhằm gia tăng hiệu quả.

Trong đó số lượng shop bán xe đạp của Thế Giới Di Động đã tăng lên 58 cửa hàng vào cuối tháng 10, phát triển mạnh tại Hà Nội và TP.HCM.

Vị CEO dự kiến đưa vào khai thác thêm 47 điểm bán trong tháng 11, đưa tổng số điểm bán xe đạp trên toàn quốc lên 105 và tiến sát mục tiêu 150 cửa hàng vào cuối năm nay. Với tốc độ như trên, trung bình mỗi ngày có gần 2 cửa hàng bán xe đạp được mở mới.

Ông Hiểu Em nói rằng thời trang cũng là lĩnh vực mà Thế Giới Di Động sẽ dấn thân vào. Đây là mảng bán lẻ lớn, có nhiều khoảng trống sau dịch bệnh khi các nhà bán lẻ nhỏ phải đóng cửa. Tập đoàn sẽ mở sớm nghiên cứu thử nghiệm và nhanh để lấy thị phần.

Vị này nói thêm chuỗi bán lẻ thời trang và các dự án đã ra mắt trước đó đều không nằm trong kế hoạch phát triển hồi đầu năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nhiều cửa hàng hiện hữu đóng cửa vì dịch bệnh, ban lãnh đạo đã tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới với mục tiêu chính giảm thiệt hại về doanh số năm nay cũng như tạo đà tăng trưởng trong năm tới.

Như Zing đã thông tin trước đó, một nguồn tin cho biết Thế Giới Di Động đang ấp ủ một kế hoạch rất tham vọng đó là mở 4 chuỗi mới khác thuộc hệ sinh thái Blue World.

Các chuỗi này bao gồm: BlueSport - chuyên về quần áo thể thao, phụ kiện, đồng hồ thông minh và xe đạp thể thao, BlueKids - chuyên sản phẩm dành cho mẹ và bé, BlueFashion - chuyên mặt hàng thời trang, BlueJi - chuyên về trang sức.

TGDĐ mở 5 chuỗi mới liên quan topzone và BlueWorld?

MWG có thể sẽ bổ sung 5 chuỗi kinh doanh mới vào hệ sinh thái bán lẻ, bao gồm topzone và 4 nhánh thuộc Blue World.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm