Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng lịch sử

Thế giới đang phải vật lộn khi giá cả các loại năng lượng từ xăng, dầu, khí đốt tự nhiên đến than đá tăng đột biến. Trong thời gian tới, tình trạng này còn có thể nghiêm trọng hơn.

Chia sẻ với CNN, một số giới chức lo ngại sau nhiều năm không đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, cuộc chiến tại Ukraine đang đẩy thị trường vào cuộc khủng hoảng sánh ngang, thậm chí vượt qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970-1980.

“Chúng ta đang có cùng lúc một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, một cuộc khủng hoảng khí đốt và một cuộc khủng hoảng điện năng”, Fatih Birol, người đứng đầu nhóm giám sát tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhận định.

Thị trường năng lượng rơi vào khủng hoảng

Phần lớn nền kinh tế toàn cầu đã có thể đối mặt với mức giá năng lượng hiện tại. Tuy nhiên, giá năng lượng sẽ còn tiếp tục tăng thêm nếu châu Âu cố gắng loại bỏ dầu và khí đốt của Nga.

Không chỉ kéo giá, Birol cho rằng tình trạng tắc nghẽn nguồn cung xăng, dầu diesel và khí đốt khí tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến quá trình phân bổ vào mùa đông sắp tới, đặc biệt ở châu Âu.

“Chúng ta đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới nhưng có vẻ các nhà hoạch định chính sách vừa mới tỉnh giấc. Đây là một cơn bão hoàn hảo”, Joe McMonigle, Tổng thư ký của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế, nhất trí với dự báo của IEA.

The gioi doi mat khung hoang nang luong anh 1

Cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2022 được dự báo tệ hơn cả giai đoạn 1970-1980. Ảnh: AP.

Tùy vào mức độ, cơn bão này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế sau Covid-19, gia tăng lạm phát, thúc đẩy bất ổn xã hội và cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Theo Robert McNally - cố vấn năng lượng của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush - thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mà không có bất cứ sự chuẩn bị trước.

Trong khi đó, vào cuối tháng 3, cố vấn năng lượng của cựu Tổng thống Obama Jason Bordoff và Giáo sư đại học Harvard Meghan O’Sullivan cảnh bảo thế giới đang ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng và có thể trở thành đợt tồi tệ nhất kể từ những năm 1970.

Ngoài giá cả năng lượng, nhiệt độ khắc nghiệt và hạn hán diện rộng còn tác động đến hệ thống lưới điện. Tháng trước, một cơ quan quản lý lưới điện của Mỹ đã phát cảnh báo nguy cơ thiếu và mất điện ở một số khu vực.

"Ăn miếng trả miếng"

Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa bối cảnh hiện tại và những năm 1970. Giá cả đã không tăng đột biến thời điểm đó và giới hoạch định cũng không sử dụng các biện pháp kiểm soát giá cả.

Khi cuộc chiến bắt đầu, phương Tây đã tìm cách tránh trừng phạt trực tiếp đến nguồn cung cấp năng lượng của Nga bởi tính quan trọng với thị trường toàn cầu. Nga không những là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới mà còn là nước xuất khẩu khí tự nhiên, than đá khổng lồ.

Nếu sử dụng các biện pháp kiểm soát giá và biên độ giới hạn, chúng ta có thể bị thiếu hụt năng lượng

Robert McNally, cố vấn năng lượng của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush

Song, khi cuộc chiến đi quá xa, Mỹ và đồng minh buộc phải cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch loại bỏ 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay.

Đáp trả động thái này, Nga đã đưa ra hàng loạt biện pháp hạn chế, thậm chí ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên sang nhiều nước châu Âu. Tình huống ăn miếng trả miếng chỉ làm trầm trọng thêm nguồn cung năng lượng vốn đã eo hẹp.

Hiện tại, giá xăng tại Mỹ đã tăng 52% trong năm qua và đạt mức cao kỷ lục. Ngoài góp phần vào mức lạm phát đỉnh điểm trong vòng 40 năm qua, tình trạng này còn khiến nhiều người dân Mỹ bất bình.

Tương tự, giá khí đốt tự nhiên, loại nhiên liệu quan trọng để sưởi ấm ngôi nhà và cung cấp năng lượng cho lưới điện, đã tăng gần gấp 3 lần trong năm qua tại Mỹ. Giá loại năng lượng này còn cao hơn ở châu Âu do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Nga.

Khó giải quyết

Sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng ngày nay không đơn thuần là hệ quả của cuộc chiến tại Ukraine. Việc thiếu sự đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, khai thác năng lượng cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá cả chao đảo.

“Do mong muốn giảm lượng khí thải carbon, chúng ta dần hạn chế đầu tư vào ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Điều đó khiến giá cả biến động và gây khó khăn hơn trong quá trình giải quyết nguồn cung”, Francisco Blanch, Trưởng bộ phận hàng hóa toàn cầu tại Bank of America, giải thích.

Trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ, khu vực châu Âu đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng từ năm ngoái.

The gioi doi mat khung hoang nang luong anh 2

Khu vực châu Âu sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề. Ảnh: Reuters.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973 xảy ra khi hàng loạt trạm xăng phải ngừng hoạt động do thiếu hụt nhiên liệu. Giới chuyên gia lo ngại tình trạng này có thể xảy đến một lần nữa nếu bối cảnh hiện tại vẫn kéo dài.

Tuy nhiên, Blanch cho rằng rủi ro tại châu Âu sẽ cao hơn khi Mỹ vẫn là quốc gia xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, châu Âu đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng nước ngoài, đặc biệt từ Nga.

Giới chuyên gia tin rằng các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang phạm sai lầm khi tập trung cắt giảm nguồn cung năng lượng hóa thạch để chống biến đổi khí hậu nhưng bỏ quên việc giảm nhu cầu sử dụng.

“Chúng ta không nỗ lực đủ để giảm lượng ô nhiễm sao cho phù hợp với các mục tiêu khí hậu”, Bordoff cho biết.

Không ai có thể chắc chắn tình trạng gián đoạn nguồn cung sẽ được giải quyết như nào. Một bước đột phá ngoại giao hay việc chiến sự ở Ukraine kết thúc cũng có thể là yếu tố thay đổi cục diện.

Bên cạnh đó, Birol cho biết việc thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua, Trung Quốc rơi vào suy thoái kinh tế hay việc OPEC+ tăng sản lượng dầu cũng có khả năng hạ nhiệt giá năng lượng. Song song, các chính phủ nên sẵn sàng giải phóng thêm kho dự trữ khẩn cấp.

Trước đó, vào tháng 3, IEA cũng kêu gọi chính phủ các nước xem xét khuyến khích người dân cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.

Dòng chảy dầu thô trên thế giới bị đảo lộn

Các lệnh cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga của châu Âu đang chuyển dòng chảy năng lượng sang những quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc.

Ngọc Phương Linh

Bạn có thể quan tâm