Khủng hoảng luôn tạo ra những thay đổi căn bản. Một số người tin rằng đại dịch này là cơ hội “nghìn năm có một” để lập lại trật tự xã hội và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Những người khác sợ rằng nó chỉ góp phần làm trầm trọng thêm những bất công sẵn có trong xã hội.
Chúng ta có cảm giác đang sống lại những giấc mơ cũ
Tất cả mọi thứ xảy ra đều quá lạ lẫm và khiến người ta choáng váng tới mức không thể tin vào mắt mình. Đồng thời, rất nhiều người trong chúng ta có cảm giác đang sống lại những giấc mơ cũ bởi viễn cảnh này, đúng là chúng ta đã từng thấy trước đó, nhưng là trên tivi và trong các bộ phim bom tấn. Chúng ta cũng biết đại khái nó sẽ như thế nào, và điều này, bằng cách nào đó, làm cho thực tế đang diễn ra không hề bớt mà thậm chí còn lạ lùng hơn.
Ảnh minh hoạ. |
Mỗi ngày đều mang đến tin tức về những diễn biến mà trước đây, hay thậm chí chỉ mới ngay tháng 2 thôi, chúng ta tưởng như là điều không thể. Chúng ta cập nhật tin tức không phải vì theo thói quen, mà vì có quá điều có thể đã xảy ra kể từ lần cuối chúng ta bấm “Refresh”.
Tưởng tượng chỉ vài tuần trước có ai đó nói với bạn: trong vòng một tháng, các trường học sẽ bị đóng cửa. Các cuộc tụ họp cộng đồng sẽ bị hủy bỏ. Hàng trăm triệu người trên thế giới sẽ phải nghỉ việc. Chính phủ tung ra những gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Ở một số nơi, chủ nhà sẽ miễn tiền thuê nhà, ngân hàng cho chậm trả tiền vay thế chấp, và người vô gia cư được ở khách sạn miễn phí. Việc nghiên cứu, thí nghiệm được chính phủ trực tiếp tài trợ. Nhiều quốc gia trên thế giới phải cùng hợp tác, dù miễn cưỡng hay tự nguyện, vì một mục đích chung. Liệu bạn có tin nổi không?
Các cuộc khủng hoảng và thảm họa chính là chủ thể tạo tiền đề cho sự thay đổi
Không phải chỉ quy mô và tốc độ của những gì đang xảy ra mới làm chúng ta hoang mang, mà còn là một sự thật rằng chúng ta đã quen với việc xã hội không có khả năng thực hiện những bước nhảy vọt lớn với tốc độ nhanh chóng như thế này. Lịch sử cho thấy các cuộc khủng hoảng và thảm họa chính là chủ thể tạo tiền đề cho sự thay đổi, thường là theo chiều hướng tích cực hơn. Dịch cúm toàn cầu năm 1918 đã thúc đẩy sự ra đời của hệ thống dịch vụ y tế quốc gia ở nhiều nước châu Âu. Các cuộc khủng hoảng hệ quả của cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ II đã tạo tiền đề cho chính sách phúc lợi hiện đại.
Nhưng khủng hoảng cũng có thể khiến xã hội tuột dốc. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, sự giám sát của chính phủ Mỹ đối với công dân trở nên đặc biệt khắt khe, và Tổng thống George W Bush đã phát động những cuộc chiến tranh mới kéo dài vô thời hạn. (Hiện nay, Mỹ đang nỗ lực cắt giảm lực lượng quân sự ở Afghanistan, 19 năm sau cuộc chiến, tuy nhiên đang bị trì hoãn bởi các diễn biến liên quan đến đại dịch Covid-19). Để xử lý cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ngân sách Mỹ đã hao hụt nghiêm trọng trong nỗ lực cứu các ngân hàng và tổ chức tài chính khôi phục lại hoạt động bình thường như thời điểm trước sự cố, trong khi chi tiêu cho phúc lợi và các dịch vụ công lại bị cắt giảm.
Vì các cuộc khủng hoảng có khả năng định hình lịch sử, hàng trăm học giả đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu cách nó vận hành. Ví dụ như, khi khủng hoảng tấn công một cộng đồng nhất định, bằng cách nào bản chất thực của cộng đồng đó bộc lộ ra: ai có nhiều hơn và ai có ít hơn, sức mạnh nằm ở đâu, mọi người trân trọng và sợ hãi những gì.
Trong khoảnh khắc đó, những gì sai trái, thối nát trong xã hội đều tự động bị “bóc mẽ”. Gần đây chúng ta đã thấy vô số ví dụ. Các hãng hàng không phung phí nhiên liệu cho những chuyến bay vắng khách hoặc thậm chí trống không, cốt chỉ để giữ đường bay ưu tiên của mình. Cảnh sát Pháp phạt những người vô gia cư vì ở ngoài đường trong thời gian đất nước phong toả. Các tù nhân ở New York đang được trả ít hơn một đôla mỗi giờ để đóng chai nước rửa tay sát khuẩn mà họ không được phép sử dụng (vì có chứa cồn), trong một nhà tù nơi họ không được dùng xà phòng miễn phí mà phải tự bỏ tiền mua.
Nhưng thảm họa và những cuộc khủng hoảng không chỉ làm sáng tỏ bản chất của xã hội mà cũng đập vỡ tấm rào chắn của “sự bình thường” để chúng ta thấy được khả năng vươn tới một thế giới khác. Một số học giả nghiên cứu về thảm họa tập trung vào những khía cạnh tiêu cực. Nhiều người khác thì lạc quan hơn, đánh giá các cuộc khủng hoảng không chỉ về những gì đã mất mà còn cả những gì đã đạt được. Tất nhiên mỗi thảm họa mỗi khác, và nó luôn có hai mặt: được và mất cùng song song tồn tại. Chỉ sau khi xong xuôi và nhìn lại, những đường nét của thế giới mới mà chúng ta vừa bước vào mới trở nên rõ ràng.
Nhìn một cách trần trụi, khủng hoảng khiến những điều tồi tệ càng tồi tệ hơn. Những học giả nghiên cứu về thảm họa, và đặc biệt là đại dịch, đều nhất trí nó gây ra chứng bài ngoại và phân biệt chủng tộc. Khi đại dịch “Cái chết đen” tấn công châu Âu vào thế kỷ XIV, các thành phố và thị trấn đóng cửa với bên ngoài, và người dân tấn công, xua đuổi và giết chết những người Do Thái. Năm 1858, một nhóm người ở thành phố New York đã đột nhập vào một bệnh viện kiểm dịch người nhập cư trên đảo Staten, yêu cầu mọi người rời đi và sau đó đốt cháy bệnh viện vì sợ người nhập cư mang theo bệnh bị sốt vàng. Wikipedia hiện có một trang thu thập các ví dụ từ hơn 35 quốc gia về sự bài ngoại và phân biệt chủng tộc liên quan đến đại dịch Covid-19, bao gồm từ những lời chế nhạo đến tấn công trực diện.
“Nhìn nhận thế giới một cách hợp lý, bạn có thể cho rằng đại dịch toàn cầu tạo điều kiện phát triển chủ nghĩa quốc tế,” theo Nhà sử học nổi tiếng người Mỹ Mike Davis chuyên nghiên cứu về các thảm họa mang tính toàn cầu. Theo Davis, người đã viết một cuốn sách về mối đe dọa của dịch cúm gia cầm năm 2005, đại dịch là một ví dụ hoàn hảo về loại khủng hoảng mà chủ nghĩa tư bản toàn cầu (với đặc trưng là sự di chuyển liên tục của con người và hàng hóa) đặc biệt dễ bị tổn thương, mà tư duy tư bản (đặc trưng bởi việc không thể suy nghĩ về điều gì khác ngoài lợi nhuận) không thể giải quyết.
“Trong thế giới hợp lý đó, chúng ta sẽ tăng cường sản xuất các vật tư thiết yếu, như bộ kit xét nghiệm, khẩu trang, mặt nạ phòng độc, không chỉ để mình sử dụng, mà còn cho các nước nghèo. Bởi vì đây là một cuộc chiến chung. Nhưng thực tế lại không hẳn là một thế giới hợp lý. Vì vậy, có thể còn tồn tại sự kì thị và cách ly, bài trừ. Điều đó gây ra nhiều thương vong và khổ đau hơn trên toàn thế giới.
Ở Mỹ, Tổng thống Trump có thời điểm đã gọi virus corona là “virus Trung Quốc”, và lấy đại dịch này như một cái cớ để thắt chặt canh gác biên giới và từ chối người xin tị nạn. Ngược lại, một số quan chức Trung Quốc đã đặt ra thuyết âm mưu nghi ngờ lính Mỹ đã đem dịch bệnh đến Trung Quốc. Ở châu Âu, Thủ tướng Hungary, Viktor Orbán, gần đây đã tuyên bố: “Hiện chúng tôi đang chiến đấu trong một cuộc chiến với hai mặt trận: một mặt trận là vấn đề di cư, và mặt kia là virus corona. Hai đối tượng này có liên hệ với nhau, và cùng lan truyền với những diễn biến khó lường”.
Trong cuộc chiến, bạn muốn biết càng nhiều về kẻ thù càng tốt. Nhưng việc đặt các công cụ giám sát trong thời kỳ khủng hoảng có thể có tác hại lâu dài. Học giả Shoshana Zuboff, tác giả của cuốn “Thời đại tư bản giám sát” (“The Age of Surveillance Capitalism”), cho biết, trước ngày 9/11, chính phủ Mỹ đang trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý để cung cấp cho người dùng mạng sự lựa chọn thực sự về việc cho phép sử dụng thông tin cá nhân của họ hay không. “Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài ngày,” Zuboff nói, “mối quan tâm đã chuyển từ 'Làm thế nào để chúng ta quản lý các công ty vi phạm các quy tắc và quyền riêng tư' sang 'Làm thế nào để chúng ta nuôi dưỡng và bảo vệ các công ty này để chúng có thể thu thập dữ liệu cho mình?'
Thế giới biến chuyển vì đại dịch
Đối với các chính phủ đang tìm cách giám sát công dân chặt chẽ hơn nữa và các công ty làm giàu từ lĩnh vực này, thật khó để tưởng tượng ra một cơ hội nào hoàn hảo hơn đại dịch toàn cầu. Ở Trung Quốc ngày nay, máy bay không người lái nhận diện những người không đeo khẩu trang; và khi tìm thấy, chúng phát ra những lời trách mắng đe doạ từ cảnh sát. Đức, Áo, Italy và Bỉ đang sử dụng dữ liệu từ các công ty viễn thông lớn để theo dõi di chuyển của người dân. Tại Israel, cơ quan an ninh quốc gia đã được phép truy cập điện thoại cá nhân của người bị nhiễm bệnh. Hàn Quốc gửi tin nhắn công cộng nêu tên các bệnh nhân nghi nhiễm và thông tin về nơi họ đã đến.
Giám sát không hẳn luôn luôn xấu, và công nghệ mới rất có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại virus, nhưng Zuboff lo ngại rằng các biện pháp khẩn cấp này sẽ trở thành vĩnh viễn, gắn chặt với cuộc sống đến nỗi chúng ta quên đi lý do nó xuất hiện ban đầu. Phong toả đã khiến nhiều người ngồi nhà dán mắt vào máy tính và điện thoại, phụ thuộc vào các công ty công nghệ hơn bao giờ hết. Nhiều công ty trong số này đang tích cực thuyết phục chính phủ rằng mình đóng vai trò là một phần quan trọng của giải pháp. “Người dân sẽ quên đi các quyền riêng tư khi đang đối phó với một thứ gì đó như đại dịch,” ông Vasuki Shastry, một học giả ở Chatham House chuyên nghiên cứu về sự tương tác của công nghệ và nền dân chủ. “Một khi một hệ thống đã được khởi động, rất khó để lùi lại. Và sau đó nó có thể được sử dụng vì mục đích khác”.
Trong khoảng vài tuần, các thủ tướng của Israel và Hungary đã thực sự được trao quyền cai trị bằng sắc lệnh mà không có sự can thiệp từ tòa án hoặc cơ quan lập pháp. Trong khi đó, dự luật về phòng chống virus corona mới của Anh trao quyền cho cảnh sát và nhân viên quản lý nhập cư, trong vòng hai năm tới, được phép bắt và giam giữ những người nghi ngờ mang virus để kiểm tra. Bộ Tư pháp Mỹ, kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn một quy định mới cho phép thẩm phán dừng các thủ tục tố tụng tại tòa án trong trường hợp khẩn cấp, có thể khiến nhiều người bị bỏ tù mà không thể chính thức bào chữa.
“Chúng ta biết điều này diễn ra như thế nào,” Kevin Blowe của Netpol, một nhóm thúc đẩy quyền phản kháng ở Anh. “Những quyền hạn này được đưa ra, nghe có vẻ hợp lý vào thời điểm đó, nhưng rất nhanh sau đó, họ sẽ sử dụng chúng cho các mục đích khác không liên quan đến dân chủ và an ninh công cộng”.
Có một trường phái tư tưởng khác cho rằng nhìn vào khủng hoảng để thấy những tiềm năng. Đối với những người theo tư tưởng này, khủng hoảng tài chính năm 2008 là một cơ hội lớn. Và Covid-19 có thể mở ra đưa đến những tiến bộ về chính trị.
“Tôi nghĩ chúng ta đã thay đổi nhiều từ những hậu quả của cuộc khủng hoảng năm 2008,” Nhà văn Mỹ Rebecca Solnit, điều tra về các cuộc khủng hoảng và những hệ lụy của nó, nói. “Có những điều đã từng được xem là lạ lẫm giờ lại trở nên hợp lý với nhiều người. Cơ hội và động lực cho sự thay đổi đã xuất hiện. Đó là sự mở đầu”.
Những sai lầm trong quản lý đôi khi không chỉ đơn thuần là do năng lực kém mà còn có thể xuất phát từ mục đích tiêu cực. Trong cuốn sách năm 2007 của mình, The Shock Doctrine (tạm dịch: Học thuyết sốc), nhà văn người Canada Naomi Klein đã đưa ra một lý thuyết khá “u ám” về khủng hoảng. Theo quan điểm của Klein, luôn có loại “Thảm họa 1”, gồm động đất, bão, xung đột quân sự, suy thoái kinh tế; và “Thảm họa 2”, những chính sách hậu khủng hoảng sai lầm của những kẻ cầm quyền, như các biện pháp cải cách kinh tế cực đoan hoặc lợi dụng giai đoạn hậu khủng hoảng để trục lợi. (Trên thực tế, Klein lập luận, những người này đôi khi chính là thủ phạm gây ra Thảm họa 1 như một phần của kế hoạch).
Không như cuốn sách Solnit, The Shock Doctrine không nói nhiều về khả năng của con người đối phó với khủng hoảng. Nhưng hai cuốn sách này khớp với nhau như những mảnh ghép. Cả hai đều diễn giải khủng hoảng không phải theo cách chúng ta thường quan niệm, là những gì không thể tránh khỏi, hay tự nhiên xảy ra, mà về những lựa chọn của con người trong khi đối mặt với nó. Và cả hai đã kịp thời đóng góp luận cứ cho các cuộc đối thoại chính trị hình thành từ đống đổ nát của vụ khủng hoảng tài chính.
Nhìn thế giới khác đi
Vào năm 2008, vài ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Barack Obama, Chánh Văn phòng của ông, Rahm Emanuel, đã có một phát ngôn nổi tiếng: “Bạn không bao giờ muốn phí phạm một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”. Ngày nay, những người cánh tả, vốn không ủng hộ ông Obama, có xu hướng đồng ý với câu nói này. Họ cảm thấy, với những khủng hoảng gần đây, họ đã thua cuộc, và bây giờ là lúc để sửa sai. Khi đối mặt với một đại dịch, nếu chúng ta có thể tạo ra những thay đổi lớn như vậy chỉ trong một vài tuần, thì với khoảng thời gian một năm thì còn có thể đến mức nào?
Đối với những ai đưa ra lập luận này, sự tương phản giữa cuộc khủng hoảng năm 2008 và khủng hoảng hiện tại là rất đáng kể. So với cuộc khủng hoảng tài chính “rối rắm” kia thì con virus corona nhìn chung dễ hiểu hơn nhiều. Đó là tập hợp của những khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực, và tất cả đều diễn ra ngay lập tức và rõ ràng. Các chính trị gia đang nhiễm bệnh. Những người nổi tiếng và giàu có đang nhiễm bệnh. Bạn bè và người thân của bạn cũng đang bị nhiễm bệnh. Có thể không phải ai cũng thiệt hại như nhau, như mọi khi, người nghèo bao giờ cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn - điều này hiển nhiên là rõ ràng hơn so với năm 2008.
Những đường phố vắng vẻ khiến người ta dễ tưởng tượng hơn về cuộc sống của con người trong thành phố Paris. Ảnh: The New York Times. |
Có những người lạc quan hy vọng rằng từ đây chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thế giới khác đi. Có lẽ chúng ta sẽ nhìn các vấn đề của xã hội ngày nay là vấn đề chung chứ không của riêng ai, và xã hội không chỉ là một tập hợp hỗn loạn các cá nhân tranh giành tiền bạc và địa vị. Có thể chúng ta cũng sẽ hiểu rằng hoạt động của thị trường không nên chi phối nhiều lĩnh vực trong xã hội loài người như bây giờ.
Tuy nhiên, so với khủng hoảng năm 2008 thì biến đổi khí hậu là một thảm họa lớn hơn cả. Chúng ta thấy rõ nó sắp tới, hay thậm chí đã đang xảy ra rồi, và chúng ta phải chống lại nó.
Ảnh minh hoạ. |
Mặc dù Covid-19 có thể là cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn nhất thế giới kể từ sau Thế chiến thứ hai, nhưng về dài hạn, nó vẫn “lép vế” trước biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hai thảm hoạ này vẫn có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều cần có sự hợp tác toàn cầu đặc biệt để xử lý. Cả hai đều yêu cầu sự thay đổi trong hành vi ngày hôm nay để giảm bớt tổn thất ngày mai. Cả hai vấn đề đã được các nhà khoa học dự đoán từ lâu với sự khẳng định chắc chắn nhưng bị các chính phủ “lờ đi” trước những con số mục tiêu tăng trưởng tài chính quý tiếp theo. Theo đó, cả hai thảm hoạ này đều buộc các chính phủ phải hành động quyết liệt và loại bỏ những hoạt động của thị trường trong khi đẩy mạnh đầu tư công. Nói cách khác, nếu coi việc can thiệp của chính phủ chỉ là vì yêu cầu tạm thời thì đảm bảo rằng chúng ta sẽ tiếp tục lún sâu vào nguy cơ dẫn đến thảm họa khí hậu.
Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu diễn ra từ từ hơn so với Covid-19 khiến con người không cảm nhận được mối nguy hiểm, vì vậy ‘chế độ khẩn cấp’ sẽ khó kích hoạt và duy trì hơn. Giới chuyên gia chỉ ra nếu chúng ta thực sự chấp nhận rằng chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu, thì mỗi ngày tin tức sẽ cập nhật xem quốc gia nào giảm phát thải nhanh nhất và người dân sẽ đòi hỏi các nhà lãnh đạo đưa ra những chính sách có hiệu quả.
Covid-19 cũng đã cho chúng ta thấy được sự thay đổi về môi trường và khí hậu. Từ khi virus xuất hiện, hoạt động công nghiệp và giao thông đường bộ bị đình chỉ, ô nhiễm không khí đã giảm mạnh. Đầu tháng 3, nhà khoa học Marshall Burke của Đại học Stanford đã sử dụng dữ liệu đo độ ô nhiễm của bốn thành phố ở Trung Quốc để xem xét sự thay đổi nồng độ PM2.5, một chất ô nhiễm đặc biệt có hại cho tim và phổi. Ông ước tính, chỉ riêng ở Trung Quốc, việc giảm phát thải kể từ khi bắt đầu đại dịch đã cứu sống ít nhất 1.400 trẻ em dưới 5 tuổi và 51.700 người già trên 70 tuổi. Trong khi đó, nhiều người cũng đã chia sẻ lần đầu cảm nhận được những cơn gió ngọt ngào, làn đường thoáng đãng và tiếng chim hót rộn ràng các khu phố - theo cách gần giống với những gì Rebecca Solnit đã nói: trong thảm hoạ, con người chợt thấy được viễn cảnh tương lai mà họ biết họ cần.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực này, một câu chuyện ít gây chú ý hơn đang được mở ra, phù hợp lý thuyết “u ám” về thảm hoạ của Klein. “Thảm họa 1” ở đây là Covid-19. “Thảm họa 2” là việc đình chỉ và dỡ bỏ các quy định bảo vệ môi trường ít ỏi hiện có. Vào ngày 26/3, sau cuộc vận động hành lang từ ngành năng lượng, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ tuyên bố công nhận tác động của đại dịch đối với lực lượng lao động và sẽ miễn phạt vi phạm các quy định về ô nhiễm môi trường miễn là các công ty có thể gắn những vi phạm đó với hệ quả của đại dịch. Bộ Môi trường Trung Quốc đã bắt đầu từ bỏ các cuộc kiểm tra đánh giá tác động môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Và các nhóm vận động được tài trợ bởi ngành công nghiệp nhựa cổ suý tiêu dùng túi nhựa sử dụng một lần với lý do (chưa được chứng minh) là virus ít bám trên nhựa hơn trên vải của các loại túi tái chế. Nhìn lại cuộc khủng hoảng năm 2008, chúng ta có thể thấy lượng khí thải cũng đã giảm, nhưng chỉ để “phục hồi” mạnh mẽ hơn trong năm 2010 và 2011.
Những mái nhà ở Paris. Ảnh: The New York Times. |
Giới chuyên gia tin rằng một bài học từ khủng hoảng dịch bệnh lần này là sức mạnh của sự chia sẻ cảm xúc, điều đã giúp lan truyền những hành động quyết liệt để làm chậm đại dịch. “Tôi không nói về những việc mọi người truyền tai nhau những lời khuyên y tế. Tôi muốn nói tới những người gọi nhau và nói: ‘Bạn thế nào? Bạn có sợ không? Tôi sợ. Tôi muốn bạn ổn, tôi muốn chúng ta cùng ổn.’ Và đó cũng là những gì chúng tôi muốn cho vấn đề khí hậu. Chúng ta cần phải học cách sợ hãi cùng nhau, để đồng lòng trước những gì chúng ta sợ hãi”. Chỉ sau đó, cô nói, các chính phủ sẽ buộc phải hành động.
Làm sao để viễn cảnh trong mắt những người lạc quan được hiện thực hóa? Làm thế nào để chúng ta ngăn chặn thế giới quay trở về “phiên bản” giống như trước Covid-19, với virus đã bị tiêu diệt nhưng tất cả các thảm họa khác vẫn chưa được giải quyết?
Bên cạnh đó, thật ấm áp khi mọi người đang tìm cách kết nối và giúp đỡ lẫn nhau trên khắp thế giới, từ các mạng lưới tình nguyên viện giao hàng mọc lên để mang đồ từ những cửa hàng tạp hóa đến cho những người không thể ra ngoài, cho đến những điều mang tính biểu tượng, chẳng hạn như trẻ em chơi nhạc trên hiên nhà của một người già. Nhà khoa học chính trị người Italy Alessandro Delfanti cho biết ông đang nhìn thấy triển vọng từ làn sóng đình công hậu khủng hoảng tại các kho hàng của Amazon ở Mỹ và châu Âu, và cả những điều mà người lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Italy đang làm để giúp nhau giữ an toàn.
Điều gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào khả năng của những người lạc quan để đưa tinh thần đoàn kết đó lan toả trên phạm vi chính trị rộng lớn hơn, lập luận rằng thật vô nghĩa nếu chỉ đơn thuần giải quyết Covid-19 mà không, ít nhất là, cố gắng sửa chữa những “hỏng hóc” khác, tạo ra một thế giới nơi tài nguyên được chia sẻ và giúp đỡ nhiều người hơn. “Chúng ta không có ngôn ngữ nào để diễn tả cảm xúc này, trong đó điều tuyệt vời nảy mầm trong khủng hoảng, niềm vui sinh trong nỗi buồn, sự can đảm đến từ nỗi sợ hãi,” Solnit đã viết trong A Paradise Build in Hell. “Chúng ta không hoan nghênh thảm họa, nhưng có thể hiểu được nhiều từ những phản ứng khi đối mặt với nó, cả về mặt thực tế và mặt tâm lý”.
Thế giới bây giờ đang vô cùng lạ lẫm, nhưng không phải vì, hoặc không chỉ vì, nó đang thay đổi quá nhanh và bất kỳ ai trong chúng ta đều cũng có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, hoặc có thể đã mang virus mà không biết. Nó lạ lẫm bởi vài tuần qua đã cho thấy một thực tế rằng những điều lớn nhất luôn có thể thay đổi, bất cứ lúc nào. Sự thật đơn giản này, tuy nhiên, lại rất dễ quên. Chúng ta không đang xem một bộ phim nào cả, mà đang cùng nhau làm nên nó, tận cho đến đoạn kết.