Ngoài siêu bão Mangkhut đang hướng về Philippines và bão Florence đe dọa nước Mỹ, 5 cơn bão khác đang đe dọa nhiều nơi trên khắp thế giới.
Bão bủa vây cả hai bán cầu
Theo Đài Khí tượng Hong Kong ngày 13/9, bão nhiệt đới Barijat đang di chuyển về phía bán đảo Lôi Châu, phía nam Trung Quốc.
Trong khi đó, khu vực bờ Đông nước Mỹ đang chuẩn bị đón cơn bão Florence có sức gió lên đến gần 180 km/h. Gần 1,7 triệu dân tại các bang South Carolina, North Carolina và Virginia đã được yêu cầu di tản đến nơi an toàn.
Ông Roy Cooper, Thống đốc bang North Carolina, cho biết lũ lụt có thể xảy ra khi siêu bão Florence đổ bộ ngày 14/9, gây ngập hàng nghìn ngôi nhà.
Người dân tại thị trấn Wilmington, bang North Carolina gia cố nhà cửa trước khi bão Florene đổ bộ. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Hawaii phải hủy hàng loạt chuyến bay vì thời tiết xấu do bão Olivia gây ra. Cơn bão với sức gió lên đến 72 km/h khiến cây cối gãy đổ tại nhiều địa phương nhưng may mắn không gây thiệt hại đáng kể.
Cùng trong tuần này, quần đảo Lesser Antilles và vùng biển Caribbean phải gồng mình đón bão nhiệt đới Isaac. Trung tâm Bão Quốc gia của Mỹ cảnh báo nguy cơ xuất hiện lũ quét tại nhiều khu vực.
Cách đó nửa vòng Trái Đất, hai cơn bão cùng hoành hành và đe dọa châu Âu. Bão Helene mới vừa suy yếu đã được tiếp nối bởi bão Joyce. Dự kiến cơn bão thứ hai của Đại Tây Dương sẽ lớn dần thành bão nhiệt đới với sức gió từ cấp 8 đến cấp 9.
Yếu tố nóng lên toàn cầu?
Một số chuyên gia cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu không phải là nguyên nhân duy nhất khiến bão xuất hiện ngày một thường xuyên trên khắp thế giới.
Theo ông Leung Wing-mo, cựu trợ lý giám đốc Đài Khí tượng Hong Kong, hướng di chuyển của các luồng khí cũng là yếu tố quyết định liệu bão có hình thành hay không.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy bão ít hình thành ở khu vực Nam Thái Bình Dương, nhưng lại thường xuyên xuất hiện tại Đại Tây Dương.
Bão Mangkhut có thể là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ Hong Kong kể từ khi thành phố bắt đầu lưu giữ dữ liệu khí tượng. Ảnh: AP. |
"Rất khó để dự báo liệu Hong Kong sẽ hứng chịu thêm nhiều cơn bão khác hay không. Hiện có quá nhiều biến số tác động (đến việc hình thành bão). Hong Kong chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ mà thôi", ông cho biết.
Theo ông, việc có 7 cơn bão xuất hiện cùng lúc trên toàn thế giới là không bất thường và ông không cảm thấy bất ngờ.
Trong khi đó, chuyên gia khí tượng Clarence Fong Chi-kong, sáng lập viên trang mạng Weather Underground, cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố khác tác động đến sự hình thành của bão.
"Kể cả khi có sự liên quan giữa nóng lên toàn cầu và những cơn bão, nó cũng không đơn thuần là một phương trình kiểu X gây nên Y", bà nhận định.
Gồng mình đón cơn bão lịch sử
Siêu bão Mangkhut có sức gió giật trên cấp 17 (cấp 5 theo thang đo bão Đại Tây Dương). Bão dự kiến đổ bộ vào tỉnh Cagayan phía bắc Philippines vào ngày 15/9. Giới chức địa phương đã yêu cầu hàng nghìn dân nhanh chóng di tản, cho đóng cửa trường học, công sở và các điểm kinh doanh.
Sau khi đi qua Philippines, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, trên khu vực phía bắc Biển Đông hướng về Hong Kong. Bão cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến vịnh Bắc Bộ.
Thống đốc tỉnh Cagayan, ông Manuel Mamba ngày 12/9 cảnh báo Mangkhut là cơn bão có diễn biến rất phức tạp, nhiều khả năng mạnh lên bất ngờ.
Một số chuyên gia lo sợ bão sẽ có sức tàn phá ngang với cơn bão lịch sử Haiyan năm 2013 khiến hơn 6.300 người thiệt mạng.
Các cơ quan dự báo thời tiết Philippines lo ngại siêu bão Mangkhut có thể đạt sức tàn phá ngang ngửa cơn bão lịch sử Haiyan năm 2013. Ảnh: AP. |
Cơ quan dự báo thời tiết Hong Kong cảnh báo đây sẽ là cơn bão mạnh nhất lịch sử từng đe dọa thành phố kể từ khi hệ thống ghi chép thời tiết hiện đại hoạt động.
Sáng 13/9, Đài Khí tượng Hong Kong hủy cảnh báo lốc xoáy, nhưng khẳng định tình hình thời tiết vẫn có thể xấu đi đến cuối tuần. Đài Khí tượng Hong Kong dự báo thành phố sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của bão vào từ 16/9 với biển động mạnh và mưa lớn thường xuyên.
Hôm 12/9, chính quyền thành phố đã mở cuộc họp liên ngành bàn các biện pháp đối phó siêu bão.