Theo CNN, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết một số quốc gia vẫn cần thêm các gói cứu trợ kinh tế. Và bất chấp quy mô cứu trợ khổng lồ, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hứng chịu cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng năm 2009.
Hoạt động kinh tế và thị trường việc làm tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm những nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu, vẫn lao đao ở mức thấp hơn nhiều so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Tuần qua, Pfizer và Moderna công bố kết quả thử nghiệm vaccine đầy triển vọng. Do đó, nền kinh tế toàn cầu có thể khởi sắc trong năm 2021. Nhưng theo IMF, giai đoạn trước mắt vẫn rất u ám. "Các nước đối mặt với quãng đường dài, đầy khó khăn và bất ổn", Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva cảnh báo.
Tại Mỹ, việc Tổng thống Donald Trump từ chối công nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden có thể làm trì hoãn nỗ lực thông qua một gói kích thích mới. Nước Mỹ mất khoảng 10 triệu việc làm kể từ khi đại dịch bùng phát. Một số bang đang áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội.
Nước Mỹ mất khoảng 10 triệu việc làm vì dịch Covid-19. Ảnh: NYT. |
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với những rắc rối nội bộ, có thể khiến việc thông qua quỹ phục hồi kinh tế 800 tỷ euro (950 tỷ USD) bị trì hoãn.
Hồi đầu tuần, Hungary và Ba Lan phản đối việc thông qua quỹ này vì những bất đồng chính trị. Do đó, không dễ để các nền kinh tế như Italy, Tây Ban Nha và Hi Lạp tiếp cận được gói cứu trợ. Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 19/11.
Theo nhà kinh tế trưởng Neal Shearing của Capital Economics, việc rút hỗ trợ tài khóa quá sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế. Ngoài ra, tiêu dùng lao dốc cũng sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai gần.