Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thế giới chao đảo vì giá xăng

Trên khắp thế giới, giá nhiên liệu tăng vọt đang không chỉ gây khủng hoảng cho người dân mà còn buộc các chính phủ đau đầu tìm cách giải quyết.

Gia nhien lieu tang tren toan cau anh 1

“No es suficiente” (tạm dịch: Như vậy là chưa đủ) là thông điệp mà các nhà lãnh đạo biểu tình ở Ecuador gửi tới tổng thống nước này vào tuần trước. Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso cho biết sẽ giảm 10 cent cho mỗi gallon (khoảng 3,78 lít) xăng và dầu diesel nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình về giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.

Sự giận dữ và sợ hãi về giá năng lượng bùng nổ ở Ecuador đang lan rộng ra toàn thế giới.

Tại Mỹ, giá xăng trung bình đã tăng lên 5 USD/gallon. Điều này tạo ra gánh nặng cho người tiêu dùng và buộc Tổng thống Joe Biden phải có những bước đi thận trọng trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào mùa thu này, theo New York Times.

Gia nhien lieu tang tren toan cau anh 2

Một nhà tạo mẫu tóc ở Nigeria dùng đèn pin điện thoại để tiết kiệm nhiên liệu chạy máy phát điện. Ảnh: New York Times.

Nhưng ở nhiều nơi, sự tăng giá nhiên liệu còn tàn khốc hơn, kéo theo sự khốn khó của người dân cũng nặng nề hơn.

Các gia đình lo lắng làm thế nào để giữ cho đèn sáng, để có bình xăng ôtô luôn đầy, căn nhà có hơi ấm và đủ nhiên liệu để nấu ăn. Các doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí vận chuyển, vận hành gia tăng và yêu cầu tăng lương từ người lao động.

Vấn đề không của riêng ai

Ở Nigeria, các nhà tạo mẫu sử dụng ánh sáng của điện thoại di động để cắt tóc vì họ không có đủ nhiên liệu cho máy phát điện chạy bằng xăng.

Tuần trước, cảnh sát ở Ghana đã bắn hơi cay và đạn cao su vào những người biểu tình phản đối tình trạng khó khăn kinh tế do tăng giá xăng, lạm phát và một loại thuế mới đối với thanh toán điện tử.

Ở châu Âu, chi phí đổ đầy bình cho một chiếc xe cỡ trung ở Anh là 125 USD. Ngoài ra, Hungary đang cấm người lái ôtô mua hơn 50 lít xăng mỗi ngày tại các trạm dịch vụ.

Sự gia tăng đáng kinh ngạc của giá nhiên liệu có khả năng làm xáo trộn các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn thế giới. Chi phí năng lượng cao có tác động phân tầng, gây lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, khủng hoảng năng lượng đẩy những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất vào những tình huống khắc nghiệt nhất. Cơ quan Năng lượng Quốc tế hồi tháng trước cảnh báo rằng giá năng lượng cao hơn đồng nghĩa với việc thêm 90 triệu người ở châu Á và châu Phi không được sử dụng điện.

Năng lượng đắt đỏ làm cho giá lương thực tăng cao, hạ thấp mức sống và khiến hàng triệu người bị đói. Chi phí vận chuyển tăng mạnh làm tăng giá của mọi mặt hàng, dù cho nó được vận chuyển bằng xe tải hay máy bay, từ giày, điện thoại di động, quả bóng đá cho đến thuốc kê đơn.

Eswar Prasad, nhà kinh tế học tại Đại học Cornell, cho biết: “Sự gia tăng đồng thời của giá năng lượng và giá thực phẩm là một cú đấm kép vào bao tử của người nghèo ở mọi quốc gia". Đồng thời, nó “có thể tạo ra những hậu quả mang tính phá huỷ cho nhiều nơi trên thế giới nếu tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài”.

Ông Dione Dayola là người đứng đầu một tập đoàn vận tải hành khách bằng xe jeepney (một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Philippines). Doanh nghiệp của ông từng có khoảng 100 tài xế. Bây giờ, chỉ còn 32 người trong số những người lái xe này đang làm việc. Những người còn lại đã bỏ nghề để tìm kiếm công việc khác hoặc chuyển sang ăn xin.

Ông Dayola cho biết trước khi giá nhiên liệu bắt đầu tăng, ông mang về nhà khoảng 15 USD mỗi ngày. Bây giờ, con số đó giảm xuống còn 4 USD. "Làm sao bạn có thể sống với bấy nhiêu đó tiền?", ông than thở.

Để tăng thu nhập cho gia đình, bà Marichu, vợ của ông Dayola, bán thực phẩm và các mặt hàng khác trên đường phố. Hai con trai của ông cũng thỉnh thoảng dành khoảng 15 giờ mỗi ngày để lái xe jeepney.

Gia nhien lieu tang tren toan cau anh 3

Giá nhiên liệu tăng đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người lái xe jeepney ở Philippines. Ảnh: New York Times.

Philippines chỉ mua một lượng dầu nhỏ từ Nga. Nhưng trên thực tế, mua dầu từ ai không thực sự quan trọng bởi giá được thiết lập trên thị trường toàn cầu. Không có quốc gia nào được hưởng ngoại lệ khi nói về giá dầu, dù cho đó là Mỹ - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia.

Các chính phủ cũng "đau đầu"

Sau hai năm biến động do đại dịch Covid-19 gây ra, xung đột Nga - Ukraine đã đẩy thế giới đối mặt với những thách thức mới. Các lệnh trừng phạt, trả đũa đã khiến giá khí đốt và dầu tăng phi mã với tốc độ đáng kinh ngạc.

Giá năng lượng tăng vọt là lý do chính khiến Ngân hàng Thế giới sửa đổi dự báo kinh tế vào tháng trước. Theo đó, cơ quan này ước tính rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm hơn dự kiến, giảm xuống còn 2,9% trong năm nay, gần bằng một nửa so với năm 2021. Ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cảnh báo rằng: "Đối với nhiều quốc gia, suy thoái sẽ khó tránh khỏi".

Ở châu Âu, việc phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga đã khiến lục địa già đặc biệt dễ bị tổn thương khi giá cả cao và tình trạng thiếu hụt diễn ra. Trong những tuần gần đây, Nga đã giảm việc cung cấp khí đốt cho một số nước châu Âu.

Giá năng lượng đắt đỏ kéo dài đang khuấy động tình hình chính trị ở cả những quốc gia phát triển nhất.

Tháng trước, Tổng thống Joe Biden đề xuất đình chỉ thuế xăng liên bang để giảm bớt phần nào giá cả nhiên liệu tăng cao. Trong tuần qua, các nhà lãnh đạo của G7 cũng đã thảo luận về mức giá giới hạn đối với dầu xuất khẩu của Nga. Động thái trên nhằm giảm bớt gánh nặng lạm phát cho người tiêu dùng và giảm doanh thu xuất khẩu nhiên liệu của Nga.

Theo GlobalPetrolPrices.com, tại Lào, giá xăng hiện là hơn 7 USD/gallon. Cùng một đơn vị thể tích như trên, giá xăng ở New Zealand là hơn 8 USD, ở Đan Mạch là hơn 9 USD và ở Hong Kong là hơn 10 USD.

Các nhà lãnh đạo của ba công ty năng lượng tại Pháp đã kêu gọi một nỗ lực “ngay lập tức, tập thể và quy mô lớn” để giảm mức tiêu thụ năng lượng của đất nước. Các công ty này cho rằng sự kết hợp giữa tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng vọt có thể đe dọa đến “sự gắn kết xã hội” vào mùa đông tới.

Ở các quốc gia nghèo hơn, mối đe dọa này càng trở nên gay gắt hơn khi các chính phủ phải đau đầu giữa việc chọn lựa cung cấp thêm hỗ trợ công hoặc đối mặt với tình trạng bất ổn nghiêm trọng.

Ở Ecuador, các khoản trợ cấp khí đốt của chính phủ đã được thực hiện vào những năm 1970. Và mỗi khi chính quyền cố gắng bãi bỏ chúng thì đều nhận được phản ứng dữ dội từ người dân.

Chính phủ phải chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm để giữ giá khí đốt thông thường ở mức 2,55 USD và giá dầu diesel ở mức 1,90 USD/gallon.

Ngày 26/6, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đã đề xuất giảm 10 cent cho mỗi gallon xăng và dầu. Tuy nhiên, Liên đoàn các dân tộc bản địa Ecuador đã bác bỏ đề xuất trên và yêu cầu giảm 40 cent cho giá xăng và 45 cent cho giá dầu. Hôm 30/6, chính phủ đã đồng ý giảm 15 cent cho mỗi gallon xăng và dầu. Các cuộc biểu tình sau đó đã lắng xuống.

Gia nhien lieu tang tren toan cau anh 4

Đám đông biểu tình ở thủ đô Quito, Ecuador. Ảnh: AFP.

New York Times dẫn lời Andrés Albuja, một nhà phân tích kinh tế, cho rằng khoản trợ cấp khí đốt chiếm gần 2% tổng sản phẩm quốc dân của Ecuador đang làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Chi tiêu cho y tế và giáo dục gần đây đã giảm 1,8 tỷ USD để thanh toán khoản nợ lớn của nước này.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đang dùng tiền thu được từ bán dầu thô để trợ cấp giá xăng trong nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng doanh thu mà chính phủ kiếm được từ dầu mỏ không thể bù đắp được số tiền mà họ đang mất đi do loại bỏ thuế xăng và cung cấp trợ cấp bổ sung cho các công ty vận hành các trạm xăng.

Ở Nigeria, nơi giáo dục, y tế và điện thường trong tình trạng thiếu thốn, nhiều người cảm thấy rằng trợ cấp nhiên liệu là điều mà chính phủ phải làm cho họ.

Tại Nam Phi, một trong những quốc gia bất bình đẳng về kinh tế nhất thế giới, giá nhiên liệu tăng cao đã làm tăng thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

Vòng xoáy tăng chóng mặt của giá xăng và dầu đã thúc đẩy các nước đầu tư nhiều hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, nhiên liệu hoá thạch cũng được tăng cường khai thác.

Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi tăng sản lượng than để tránh tình trạng mất điện trong đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc và miền Trung nước này. Trong khi đó, ở Đức, các nhà máy than dự kiến ​​dừng hoạt động đang được tái đốt để cung cấp đủ năng lượng cho mùa đông.

Tuy nhiên, cơn "ác mộng" giá nguyên liệu có thể sẽ không chỉ đến một lần. Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết: “Chúng ta sẽ còn thấy giá năng lượng cao và biến động trong những năm tới”.

Thế khó của ông Biden khi giá xăng không ngừng tăng

Trước cuộc khủng hoảng giá xăng dầu, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng xoay xở, nhưng các giải pháp cho tình hình hiện nay đều có nhược điểm.

Người Sri Lanka: Tôi ngủ trên xe vài ngày chỉ để chờ đổ xăng

Đứng ở vị trí đầu tiên trong hàng chờ, Ajeewan Sadasivam vẫn không biết khi nào sẽ tới lượt mình được đổ xăng.

Hồng Sơn

Bạn có thể quan tâm