Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thế giới biết thêm gì về nguồn gốc virus gây ra đại dịch?

Khi các nhà khoa học Trung Quốc thông báo về virus mới vào tháng 12/2019, sự quan tâm dồn về Vũ Hán. Tới nay, các nhà khoa học đã biết thêm gì về nguồn gốc virus gây ra đại dịch?

nguon goc cua Sars-CoV-2 anh 1

Theo Guardian, cách đây một năm, Maria Van Kerkhove - một nhà virus học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - đang nghỉ lễ Giáng sinh cùng gia đình tại Mỹ. Như thường lệ, cô luôn kiểm tra hộp thư điện tử của mình để không bỏ lỡ bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào.

“Luôn có những cảnh báo, dấu hiệu về những trường hợp đáng ngờ trên thế giới. Vài năm gần đây, chúng ta có Mers (một hội chứng về hô hấp bắt nguồn ở Trung Đông). Lúc nào cũng có dấu hiệu nào đó cho những chuyện hệ trọng sắp xảy ra”, cô nói.

nguon goc cua Sars-CoV-2 anh 2

Nhà virus học Maria Van Kerkhove của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: Reuters.

Dấu hiệu báo trước

Kiểm tra email và các tin tức về các trường hợp nghi nhiễm virus là một phần trong thói quen thường này của Van Kerkhove và nhiều chuyên gia khác như Christian Drosten (người Đức), Marion Koopmans (Hà Lan), các chuyên gia từ cơ quan Y tế Công cộng của Anh (PHE) cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC).

Một loạt các trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân đã được báo cáo ở Trung Quốc vào giữa mùa đông. Email chuyển tiếp một bài đăng từ ProMED - một mạng lưới cảnh báo của International Society for Infectious Diseases ISID (tạm dịch: Hiệp hội Quốc tế về Bệnh truyền nhiễm).

Tối 30/12, Ủy ban Y tế Vũ Hán đã ban hành một "thông báo khẩn cấp" trực tuyến, cảnh báo tất cả cơ sở y tế sẵn sàng cho tình trạng báo động và thực hiện kế hoạch khẩn cấp của họ. Cơ quan này chỉ ra các dấu hiệu đáng ngờ về sự bùng phát của một dịch bệnh tại chợ hải sản Hoa Nam.

“Chúng tôi cho rằng đây là điều cần được xem xét một cách nghiêm túc. Chúng tôi đã kích hoạt hệ thống của mình ngay lập tức”, Van Kerkhove cho biết. Kể từ đó, cô gần như không có thời gian để nghỉ ngơi.

Trong vòng vài ngày, các nhà khoa học biết đó không phải là SARS, MERS, cúm, legionella hay bất kỳ loại bệnh nào khác từng được phát hiện. Đây là một mầm bệnh mới.

Van Kerkhove là một chuyên gia về hô hấp, từng nghiên cứu về nhiều loại virus corona, bao gồm cả Mers. Tại WHO, cô là người chịu trách nhiệm giải thích diễn biến của dịch bệnh Covid-19 hai lần mỗi tuần trong các cuộc họp.

“Tôi ngay lập tức nghĩ rằng đây có thể là một loại virus corona mới. Có đến hàng trăm nghìn loại virus corona tiềm ẩn trong các loài động vật”, cô nói.

Khó truy tìm nguồn gốc

Trên thực tế, virus corona đã xuất hiện trong kế hoạch nghiên cứu phát triển chi tiết về dịch bệnh của WHO kể từ năm 2003, khi SARS xuất hiện.

Vào thời điểm Van Kerkhove nhận được email về bài đăng từ ProMED, tại tỉnh Hồ Bắc, ít nhất 124 người đã nhiễm bệnh, một số người mắc bệnh từ giữa tháng 11/2019. Vài người đã tử vong. Trong số 124 ca bệnh, có đến 119 người sinh sống tại thủ phủ của tỉnh - thành phố Vũ Hán. Năm người còn lại đều đã đến thành phố này trước khi ngã bệnh. Khi ấy, chúng ta vẫn chưa có bất kỳ biện pháp phòng vệ hữu hiệu nào đối với căn bệnh này.

Tại Vũ Hán, có một phòng thí nghiệm sinh học tầm cỡ quốc tế. Điều đó khiến nơi này nhanh chóng trở thành mối nghi ngờ lớn nhất về nguồn gốc của virus mới. Tuy vậy, đó chỉ là những phỏng đoán chưa đủ tính xác thực, vì đến giờ chúng ta vẫn chưa tìm thấy bệnh nhân số 0, và có lẽ sẽ không bao giờ tìm thấy.

Đại dịch Ebola ở Đông Phi cũng từng gây hoang mang cực độ đối với sức khỏe của con người. Tuy nhiên, chúng ta biết nạn nhân đầu tiên của nó là một đứa trẻ tên là Emile Ouamouno, đã qua đời ở Guinea vào tháng 12/2013. Ebola rất nguy hiểm nhưng lại không giống bất cứ căn bệnh truyền nhiễm nào trước đây. Điều này khiến cho việc phát hiện bệnh mới và tìm phương hướng giải quyết dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Còn Covid-19 lại giống các loại bệnh viêm phổi cấp tính, đồng thời không phát ra triệu chứng rõ rệt nào trong những ngày đầu ủ bệnh. Công tác phát hiện cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn hơn.

Đầu mối đầu tiên của căn bệnh là chợ hải sản Hoa Nam. Trong số 41 trường hợp được xác nhận đầu tiên, 70% là chủ quầy hàng, nhân viên hoặc khách hàng thường xuyên của chợ Hoa Nam. Đây là chợ chuyên bán hải sản và động vật sống, nhiều loài được bắt từ tự nhiên và giết mổ bất hợp pháp. Tuy nhiên, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện lại không có mối liên hệ rõ ràng nào với khu chợ này.

nguon goc cua Sars-CoV-2 anh 3

Một góc chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi bị nghi ngờ là nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Ảnh: AFP.

Khu chợ đã bị chính quyền Trung Quốc đóng cửa vào ngày 1/1/2020 và được làm sạch, khử trùng toàn diện. Điều này giúp ích trong việc vệ sinh an toàn nhưng lại phá hủy các manh mối tiềm ẩn tại đây.

Tuy nhiên, các xét nghiệm sau đó đã cho thấy dấu hiệu của virus tại các khu vực nuôi nhốt động vật hoang dã tại chợ. Cuối tháng 1, chợ này công bố một loạt động vật hoang dã còn tồn lại tại cửa hàng Da Zhong, bao gồm sói con, ve sầu vàng, bọ cạp, dúi, sóc, cáo, cầy hương, kỳ nhông, rùa và cá sấu. Cửa hàng này cũng bán các bộ phận của động vật như đuôi, bụng, lưỡi và ruột cá sấu.

Dẫu vậy, đến giờ vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn rằng virus bắt nguồn tại chợ này. Có khả năng virus đến từ một người nhiễm bệnh đến mua sắm tại đây. Theo những khẳng định mới nhất từ các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc, họ cho rằng một người nước ngoài đã xâm nhập vào chợ và lây bệnh cho cộng đồng.

“Dù Trung Quốc là nơi đầu tiên phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh, điều đó không nhất thiết có nghĩa là virus bắt nguồn từ Trung Quốc. Nguồn gốc của virus vẫn đang trong quá trình truy xuất và nó có thể liên quan đến nhiều quốc gia và khu vực”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này, ông Triệu Lập Kiên khẳng định trong một cuộc họp vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, quan điểm này không chiếm được nhiều lòng tin từ công chúng thế giới.

WHO đã mở điều tra kể từ khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát. Lý tưởng nhất, ngay từ khi phát hiện những người đầu tiên nhiễm bệnh, các cuộc điều tra từng nhà, từng bệnh nhân cũng như gia đình và đồng nghiệp họ nên được thực hiện ở Vũ Hán vào tháng 1/2020.

Thế nhưng, lúc đó cả thành phố Vũ Hán đã bị cách ly. Khi ấy, thế giới dường như vẫn chưa biết chúng ta sắp phải đối mặt với điều gì, Bruce Aylward, bác sĩ và nhà dịch tễ học người Canada được WHO chỉ định dẫn đầu sứ mệnh tìm hiểu thực tế tại Trung Quốc vào đầu tháng 2, cho biết.

“Ngay từ khi đặt chân đến Trung Quốc, tôi đã biết mình đang phải đối mặt với một điều gì đó rất nghiêm trọng mà phần còn lại của thế giới chưa thể nhận biết được”, ông Aylward khẳng định.

Khi đến Vũ Hán, ông ngạc nhiên trước sự nghiêm túc của Trung Quốc trong việc xem xét sự bùng phát của dịch bệnh. Họ đóng cửa một cách toàn diện, bao gồm cả đóng cửa biên giới. Ở giai đoạn đó, Trung Quốc đã làm những gì họ cần làm. Tuy nhiên, họ chỉ cố gắng dập bệnh, chứ không tiến hành truy xuất nguồn gốc của virus ngay.

SARS-CoV-2 có thật sự bắt nguồn từ dơi ở Trung Quốc?

Ngày 11/1/2020, các nhà khoa học Trung Quốc đã trao cho thế giới một manh mối vô giá. Vào hôm ca tử vong đầu tiên được ghi nhận, họ đã công bố trình tự gen của loại virus mới. Các nhà khoa học đã đặt tên cho loại virus mới này là SARS-CoV-2.

Trình tự đó và nhiều chuỗi gen khác đã cho thấy SARS-CoV-2 ít nhất có mối liên hệ xa với loại virus thường có trong loài dơi lá mũi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Các mẫu vật thu thập và lưu trữ từ sau khi dịch SARS 2003 bùng phát cho thấy virus dơi RaTG13 giống đến 96% với virus gây ra Covid-19.

Tuy nhiên, chừng đó thông tin là chưa đủ. Tháng 3/2020, các nhà virus học Eddie Holmes, Andrew Rambaut và đồng nghiệp đã công bố suy luận và đánh giá của họ trên tạp chí Nature từ những dữ liệu thu thập được lúc bấy giờ.

Cụ thể, protein đột biến của virus corona mới có một “miền liên kết thụ thể” (receptor binding domain). Miền liên kết này có khả năng dính vào một thụ thể nhất định được gọi là ACE2, có trong tế bào của người. Virus corona ở trên dơi không có miền liên kết này, nhưng virus corona ở trên tê tê Mã Lai thì có.

nguon goc cua Sars-CoV-2 anh 4

SARS-CoV-2 được phát hiện có trong tê tê. Ảnh: AP.

Tê tê lập tức nằm trong danh sách tình nghi. Tuy nhiên, nó lại không hề được đề cập đến trong danh sách các loài được nuôi nhốt hay bày bán tại chợ Hoa Nam - nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh.

Hè năm nay, WHO đã thực hiện một cuộc điều tra chính thức để tìm hiểu về các loài có khả năng lây virus cho con người, và liệu có ổ chứa virus lâu dài nào trước khi dịch bệnh bùng phát hay không.

Theo phân tích được công bố vào tháng 7, các nhà khoa học cho biết: “Đến nay, các nghiên cứu về tính nhạy cảm (đối với virus corona) được thực hiện ở một số quốc gia đã chỉ ra rằng mèo nhà, chồn sương, chuột hamster và chồn vizon đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh. Mèo có thể nhiễm virus và truyền cho đồng loại".

Trong số hơn 100 con mèo ở Vũ Hán được xét nghiệm, có gần 14% được xác định dương tính với virus. Người ta cũng đã phát hiện chồn sương nhiễm virus hàng loạt tại Đan Mạch, Hà Lan, sau đó là nhiều nơi khác ở châu Âu và châu Mỹ. Chúng đã bị tiêu hủy.

Bất chấp các manh mối về bộ gen, nhiều giả thuyết hướng về phía Trung Quốc vẫn xuất hiện. Thậm chí, nhiều cáo buộc cho rằng virus SARS-CoV-2 được tạo ra trong phòng thí nghiệm của khoa virus học tại Viện Vũ Hán.

Thông tin này đã chính thức bị bác bỏ trên tạp chí Nature thông qua những nghiên cứu và bằng chứng mà các nhà khoa học đưa ra.

Tác giả đầu tiên bác bỏ lý thuyết này chính là cô Kristian Andersen của Viện Nghiên cứu Scripps tại California. “Qua phân tích, chúng tôi khẳng định rằng Sars-CoV-2 không phải là một cấu trúc sinh ra trong phòng thí nghiệm hay một loại virus bị thao túng có mục đích”, cô nói.

Josie Golding, một chuyên gia y tế của quỹ Wellcome Trust, cho biết: “Có rất nhiều nhà nghiên cứu đã đồng tình rằng SARS-CoV-2 không phải là sản phẩm của phòng thí nghiệm, bởi vì không ai lại tạo ra một loại virus có quá nhiều liên kết với các loại virus đã được tìm thấy trong tự nhiên”.

Golding tiết lộ cô cũng từng làm việc tại một phòng thí nghiệm tại Pirbright, Surrey. Những nơi như vậy thường có thiết bị chức năng chuyên biệt, giúp ngăn chặn tối đa việc các cấu trúc phòng thí nghiệm bị lọt ra ngoài.

Vì vậy, cô khẳng định không thể xảy ra khả năng virus corona mới vô tình thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán. Nhiều khả năng động vật bị nhiễm virus rồi truyền cho con người.

Tuy nhiên, bất kể virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ đâu, lợi thế của Trung Quốc và các nước châu Á khác là họ đã nghiêm túc coi nó là mối đe dọa nghiêm trọng ngay từ đầu, và từ đó có những biện pháp cứng rắn.

Trong khi đó, ông Aylward cho biết các quốc gia phương Tây vẫn chưa nhận thức được rõ ràng tính nghiêm trọng của vấn đề từ đầu. Và đối với ông, đó chính là lý do mà hầu hết nước phương Tây đều chưa thể vượt qua được đại dịch sau gần một năm đối mặt với nó.

Ảnh vệ tinh cho thấy Covid-19 có thể lây lan ở Vũ Hán từ tháng 8/2019 Theo một nghiên cứu từ trường Y Harvard (Mỹ), những bức ảnh vệ tinh chụp bãi đỗ xe của các bệnh viện tại Vũ Hán cho thấy virus corona có thể đã lây lan từ tháng 8/2019.

Hé lộ giao dịch 'bóng tối' ở Vũ Hán thời kỳ khởi phát Covid-19

Điều tra của hãng tin AP cho thấy vào thời điểm Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, chỉ có ba công ty ở Thượng Hải được phép sản xuất và phân phối kit xét nghiệm.

Chuyện gì đã xảy ra ở Vũ Hán?

Cách phản ứng đối với đại dịch của giới chức thành phố 11 triệu dân được cho là nguồn cơn làm bùng phát sự lây lan virus, theo kết quả điều tra kéo dài 6 tháng của Financial Times.

Hồ sơ mật hé lộ những ngày đầu dịch tại Vũ Hán

Tài liệu rò rỉ từ giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc tiết lộ những góc khuất trong giai đoạn bùng phát ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới.

Hồng Ngọc

Theo Guardian

Bạn có thể quan tâm