Báo cáo rò rỉ này được đánh dấu “nội bộ, tuyệt đối giữ kín”, theo CNN.
Tài liệu cho thấy giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc ghi nhận tổng cộng 5.918 ca nhiễm Covid-19 mới chỉ trong ngày 10/2, gấp đôi con số 2.478 mà chính quyền Trung Quốc công bố.
Cũng theo tài liệu trên, tổng số người chết vì Covid-19 ở tỉnh Hồ Bắc từ khi bùng dịch đến ngày 7/3 là 3.456 - cao hơn hẳn so với mức 2.986 ca tử vong mà giới chức y tế Trung Quốc tuyên bố.
Chỉ 2/3 số ca nhiễm mới trong ngày 10/2 tại Hồ Bắc được công bố, theo CNN. Ảnh: AP. |
Hồ sơ nói trên nằm trong số 177 trang tài liệu rò rỉ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, được xác minh bởi 6 chuyên gia thẩm định độc lập và công bố bởi CNN. Người tố giác yêu cầu giữ kín danh tính để đảm bảo an toàn cá nhân.
Tập “hồ sơ Vũ Hán” rò rỉ trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước phương Tây đang áp lực yêu cầu Trung Quốc tiết lộ thông tin đầy đủ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để nghiên cứu về nguồn gốc chủng virus đã lây nhiễm cho gần 65 triệu người với 1,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Đến nay, khả năng tiếp cận của các chuyên gia y tế thế giới đối với cơ sở dữ liệu thô về diễn biến dịch thời điểm mới bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc vẫn còn hạn chế, dù giới chức Trung Quốc nhiều lần cam kết sẽ cho phép các điều tra viên tiếp cận thực địa tâm dịch.
Giới chuyên gia y tế vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tâm dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Ảnh: AP. |
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, chính quyền Bắc Kinh đã một mực bác bỏ các cáo buộc từ phía Mỹ và một số nước phương Tây rằng thông tin chi tiết về đại dịch đã bị che giấu và giảm nhẹ.
Số tài liệu nói trên ghi lại một số diễn biến nổi bật của quá trình bùng dịch trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 4/2019.
Hồ sơ này phản ánh sự thiếu linh hoạt, tính chất quan liêu và khả năng hạn chế trong việc phản ứng với đại dịch của giới chức Trung Quốc, CNN nhận định.
Mất 23 ngày để xác định bệnh
Trong đó, việc chẩn đoán các bệnh nhân tại Vũ Hán có dấu hiệu viêm phổi cấp được cho là tốn quá nhiều thời gian và cho ra kết quả chưa chính xác.
Ngay cả khi các nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc khẳng định với công chúng rằng quy trình xử lý dịch được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch, các tài liệu rò rỉ đã chứng minh điều ngược lại.
Một ghi chép vào đầu tháng 3 cho biết thời gian trung bình từ lúc một bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng phơi nhiễm chủng virus “lạ” cho đến khi được xác định viêm phổi cấp lên đến 23,3 ngày.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng việc quá trình chẩn đoán bệnh kéo dài đã cản trở công tác thăm khám và điều trị sau đó.
“Rõ ràng là họ (giới chức y tế Trung Quốc) đã mắc sai lầm”, chuyên viên Yanzhong Huang tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận định.
Ông Yanzhong Huang thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Ảnh: Đại học Seton Hall. |
Yếu tố khách quan hay che đậy?
Tuy nhiên, ông Huang cũng nói thêm rằng nhiều khả năng tình trạng sai lệch trong các bản báo cáo xuất phát từ bộ tiêu chí đo lường số ca nhiễm khắt khe của giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc.
Theo đó, một số bệnh nhân thuộc diện “nghi vấn” dương tính với SARS-CoV-2. Các quan chức y tế không gộp các trường hợp này vào tổng số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận, do đó gây ra sự chênh lệch trong các tài liệu nội bộ và báo cáo công khai.
“Tình trạng này phản ánh sự hỗn loạn, phức tạp và khó lường của tình hình dịch bệnh thời điểm đó”, ông Huang nhận xét.
Một số chuyên gia cho rằng sự chênh lệch số liệu trong các báo cáo ở Hồ Bắc phần nào chịu ảnh hưởng của yếu tố khách quan. Ảnh: Getty. |
Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc Andrew Mertha tại Đại học John Hopkins cho rằng giới chức Vũ Hán đã cố tình công bố số ca nhiễm ở mức thấp nhất có thể để che đậy những vấn đề về sự thiếu chuẩn bị và thiếu hụt kinh phí của các cơ sở y tế địa phương.
Ông Mertha cũng cho rằng sự chênh lệch giữa số trường hợp tử vong ghi nhận trong tài liệu nội bộ và số liệu được công bố phản ánh sự thiếu minh bạch.
“Trung Quốc cần bảo vệ hình ảnh của họ trên trường quốc tế. Các quan chức địa phương hiểu điều này, do đó có động cơ để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của diễn biến dịch”, giáo sư Mertha nhận định.
Hiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc và Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc đều từ chối bình luận về số tài liệu rò rỉ nói trên.