Một trong những khoảnh khắc hãi hùng nhất trong mọi bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng là khi con người và người ngoài hành tinh chạm mắt nhau.Và tác giả Daniel Susskind đã mang khoảnh khắc đó đến với chúng ta trong cuốn World Without Work: Technology, Automation and How We Should Respond. Theo đó, con người sẽ nhanh chóng tiến đến (chỉ trong vài thập kỷ) thời điểm mà hầu hết công việc của con người sẽ được máy móc thay thế.
Cuốn sách được ra mắt ngày 14/1. Ảnh: Amazon. |
Con người trước nguy cơ bị đào thải
Theo Susskind, sự xuất hiện của AI (trí tuệ nhân tạo) đã thay đổi mọi thứ. Đã có nhiều dự đoán khác nhau nhưng đều chắc chắn một điều là có ít nhất một nửa số công việc hiện tại sẽ bị tổn thương bởi AI, từ lái xe tải, nhân viên bán lẻ, công việc kho đến các chuyên ngành dược, luật hay kế toán.
Trong chương Understanding Machines, Susskind kể lại câu chuyện khá nổi tiếng về AlphaGo, chương trình máy tính được công ty con về AI Deepmind của Google phát triển, đã đánh bại nhà vô địch thế giới trong trò chơi cờ vây. Cỗ máy này chiến thắng không phải bằng cách chơi tốt hơn con người, mà bằng cách chơi không giống con người.
Susskind đánh giá: “Điều đáng chú ý là chiến thắng chung cuộc của nó đến từ một động thái đặc biệt mà AlphaGo đã thực hiện, bước thứ 37 trong ván thứ hai, điều vi phạm một luật chơi bất thành văn ngay cả với những người mới bắt đầu. Vào đầu trò chơi, tránh đặt cờ trên dòng thứ năm từ rìa bàn cờ. Và đây chính xác là điều AlphaGo đã làm. Trong khi một chuyên gia theo dõi trận đấu gọi động thái này là điều ‘tuyệt đẹp’ thì một người khác nói rằng điều này làm cho ông ấy cảm thấy không thoải mái”.
Kì thủ Lee Sedol đã thất bại trước AlphaGo. Ảnh: Google. |
Phản ứng đó cho thấy những quan điểm trái chiều về một thế giới mới, trong đó máy móc sẽ làm hầu hết điều con người làm được ngày nay. Người sáng lập và nhà đầu tư mạo hiểm của Netscape, Marc Andreessen, đã có một câu nói nổi tiếng rằng “phần mềm đang ăn thế giới” và cuối cùng, sẽ chỉ còn hai loại người: người lập trình máy móc và những người khác.
Nhà kinh tế học Susskind thậm chí còn đi xa hơn, lập luận rằng chúng ta đang trên bờ vực của một kỷ nguyên mới, trong đó máy móc có thể đưa ra những ý tưởng hoàn toàn mới về cách tự lập trình.
Luận điểm cốt lõi của Susskind là chúng ta đang hướng tới một thế giới mà công việc của con người sẽ trở nên lỗi thời. Tác giả viết trong cuốn sách: “Các nhà kinh tế học đã nghĩ rằng để hoàn thành một nhiệm vụ, một máy tính phải tuân theo các quy tắc rõ ràng được xác định bởi con người và các khả năng của máy phải bắt đầu bằng ứng dụng trí thông minh của con người. Nhưng suy nghĩ này là sai lầm và khiến chúng ta đánh giá quá thấp độ sâu và bề rộng các tác động phá vỡ thị trường lao động của AI”. Theo ông, nhiều máy móc hiện có các quy tắc hoàn toàn mới, không liên quan đến những quy tắc mà con người đưa ra. Máy móc không còn phụ thuộc vào trí thông minh con người.
Thiết chế mới cho thị trường lao động
Lập luận này là một bước nhảy vọt về suy nghĩ. Không phải tất cả các nhà công nghệ hay nhà kinh tế đều đồng ý rằng AI sẽ gần như phá vỡ sức lao động của con người như Susskind đặt ra. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người, bao gồm những người đứng đầu chuỗi phát triển công nghệ, tin theo quan điểm của Susskind. Và họ rất quan tâm tới cách xã hội có thể đối phó với kịch bản tương lai trên – phần hấp dẫn và hữu ích nhất trong cuốn sách của Susskind.
AI và robot đang phát triển với một tốc độ chưa từng có. Ảnh: Reuters. |
Theo tác giả, thách thức của một thế giới không có việc làm không chỉ về giá trị kinh tế mà còn có yếu tố chính trị và tâm lí. Do đó, chúng ta cần một hệ thống giáo dục dạy mọi người cách bước vào thế giới công việc không chỉ chú ý tới hiệu quả mà còn cần tìm ra ý nghĩa, mục đích của công việc. Susskind cho rằng đây là một sự thay đổi về mô hình giáo dục nhưng không phải là điều hoàn toàn mới. Con người đã từng trải qua điều này ở xã hội Sparta cổ đại, giáo dục là đào tạo cho chiến tranh, chứ không phải cho công việc.
Theo quan điểm của Susskind, việc áp dụng mô hình này trong bối cảnh hiện tại sẽ cần kiềm chế sức ảnh hưởng của các ông lớn công nghệ và quan trọng hơn là trao nhiều quyền hơn cho nhà nước. Susskind cho rằng nhà nước có thể xây dựng chính sách về thu nhập cơ bản toàn cầu, được lấy từ thuế, để chia sẻ với mọi người lợi nhuận thu được từ việc sử dụng công nghệ. Những công việc còn sử dụng lao động cũng cần được nhà nước đứng ra phân phối đều hơn và tìm ra cách tạo ra ý nghĩa và gán giá trị cho những đóng góp của công dân trong thế giới công nghệ bao trùm xã hội.