Chính phủ Mỹ sẽ đạt tới trần nợ công 16,7 nghìn tỷ USD vào ngày 17/10. Nếu quốc hội không thể thông qua trần nợ trong vài tuần tới, chính phủ Mỹ - con nợ lớn nhất thế giới – sẽ đột nhiên mất khả năng chi trả mọi khoản nợ của họ. Thất bại ấy sẽ gây chấn động các thị trường tài chính khắp thế giới và có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào vòng suy thoái. Nhưng viễn cảnh vỡ nợ đang tới rất gần do Hạ viện và Thượng viện Mỹ đang bất đồng sâu sắc về dự luật ngân sách 2014.
Việc chính phủ Mỹ ngừng hoạt động và nguy cơ vỡ nợ sau ngày 17/10 là hai trong số những thách thức lớn nhất của Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Ảnh: AP. |
Nguy cơ vỡ nợ của Mỹ khiến nhiều nhà lãnh đạo khắp thế giới lo lắng. Họ bày tỏ tâm trạng bất an, đồng thời kêu gọi chính giới Mỹ gạt bỏ bất đồng vì lợi ích của đất nước và thế giới, Washington Post đưa tin.
“Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với tất cả chúng ta. Tôi hy vọng rằng mọi lực lượng chính trị tại Mỹ sẽ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay càng sớm càng tốt”, Tổng thống Nga Vladimir Putin bình luận.
Trong hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Indonesia hồi đầu tuần, Tổng thống Mexico, ông Enrique Peña Nieto, khẳng định việc Mỹ vỡ nợ sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nước Mỹ, mà còn gây tác động xấu đối với toàn cầu.
Zhu Guangyao, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc, cũng kêu gọi Washington nỗ lực tháo gỡ tình hình trước ngày 17/10.
"Việc tránh viễn cảnh vỡ nợ là trách nhiệm của nước Mỹ", ông Zhu nói.
Mặc dù tâm trạng của dư luận chưa tới mức hoảng loạn, một số nhà phân tích ở châu Âu và châu Á nói rằng họ cảm thấy sửng sốt trước tình trạng chia rẽ quá sâu sắc trong cơ quan lập pháp Mỹ.
Các nhà phân tích tài chính tại London thừa nhận sự vỡ nợ của Mỹ có thể phá hoại đà phục hồi kinh tế của Anh. “Triển vọng của nền kinh tế Anh tương đối sáng sủa, song vẫn mong manh. Mọi biến cố mang tính toàn cầu, như sự vỡ nợ của Mỹ, sẽ là tin xấu đối với Anh”, Howard Archer, trưởng nhóm kinh tế của tổ chức phân tích tài chính IHS Global Insight tại London, nhận xét.
Giới phân tích chính trị lo lắng về vị thế ngoại giao của Mỹ và an ninh toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng xấu nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ.
“Thế giới sẽ ra sao nếu bỗng dưng Mỹ không còn là một đối tác đáng tin cậy?”, Xenia Dormandy, một nhà nghiên cứu của tổ chức Chatham House, đặt câu hỏi.
Dư luận vẫn tin Mỹ sẽ tránh tình trạng vỡ nợ bằng một thỏa thuận vào phút chót, một sự kiện từng xảy ra khi chính phủ Mỹ suýt ngừng hoạt động hai năm trước. Giới đầu tư cũng tỏ ra lạc quan. Biểu hiện của sự lạc quan này là các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở châu Á tăng nhẹ trong phiên giao dịch hôm 9/10.
Nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, các nhà kinh tế lo ngại rằng tổn thất sẽ vượt xa vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers cách đây 5 năm. Các chỉ số chứng khoán sẽ lao dốc, lãi vay sẽ tăng vọt và những nước nắm trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ hứng chịu tổn thất vô cùng lớn.
Việc Mỹ vỡ nợ có thể cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản – vốn đang trên đà tiến lên sau gần hai thập kỷ chìm trong suy thoái. Nhật Bản và Trung Quốc là hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Khoản nợ của Mỹ đối với Nhật Bản – khoảng 1,14 nghìn tỷ USD – tương đương gần 20% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ.
“Thảm họa ấy đồng nghĩa với việc trái phiếu chính phủ Mỹ - thứ an toàn nhất thế giới - đã không còn an toàn nữa. Sự vỡ nợ của Mỹ có thể gây nên một loạt hệ lụy trong hệ thống tài chính. Một khi những sự kiện đó đã xảy ra, chúng ta không thể khiến chúng dừng lại”, Willem Verhagen, một nhà kinh tế cao cấp của tổ chức Quản lý Đầu tư ING tại London, phát biểu.