Nếu làm một phép toán đơn giản: Lấy mốc dân số Việt Nam hiện tại gần 100 triệu người, tỷ lệ dân số ở độ tuổi có thể ra rạp xem phim (từ 10-15 tuổi trở lên) chiếm hơn 50%. Như vậy trong số 100 triệu dân, có đến 50 triệu người có khả năng ra rạp xem phim.
Nhà bà Nữ bán vé ra khoảng 5 triệu vé đồng nghĩa với tỷ lệ người mua vé ra rạp chỉ 5%. Ở nước ngoài, tỷ lệ này ở mốc khoảng 30%.
Kể ra để thấy, sau Nhà bà Nữ với doanh thu 430 tỷ đồng, tiềm năng về doanh thu phòng vé ở Việt còn rất lớn. Khán giả Việt luôn ủng hộ sản phẩm nội địa. Vấn đề cuối cùng đặt ra cho điện ảnh nước nhà là cần một chiến lược tổng thể đến từ chính sách, hạ tầng và đầu tư bài bản để có thể chinh phục giấc mơ xa hơn - nơi những phim Việt có thể chạm mốc nghìn tỷ đồng.
Tiềm năng doanh thu phim Việt còn rất lớn
Đến sáng 15/2, Nhà bà Nữ vượt mức doanh thu trên 430 tỷ đồng (theo thống kê từ Box Office Vietnam), sau gần một tháng ra rạp. Vượt qua Bố già (2019), tác phẩm mới của Trấn Thành trở thành phim Việt ăn khách nhất mọi thời.
Đối thủ đồng hương của Nhà bà Nữ là Chị chị em em 2 cũng vừa vượt mốc 110 tỷ đồng sau dịp lễ Valentine. Dù còn tranh cãi về chất lượng, hai phim Việt có thành tích tốt tại phòng vé là những tín hiệu tích cực cho thị trường điện ảnh trong năm 2023.
Trao đổi với Zing, đạo diễn Khoa Nguyễn nhận định điện ảnh Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là trong điều kiện dân số đông và trẻ như hiện nay.
Đạo diễn viện dẫn nền điện ảnh Hàn với phim Đại thủy chiến (2014) là tác phẩm có doanh thu cao nhất mọi thời đại của nước này tính đến thời điểm hiện tại, với số vé bán ra hơn 17 triệu. Dân số Hàn Quốc vào năm 2014 khoảng 50 triệu người. Gần một thập kỷ trước, tỷ lệ người dân xứ củ sâm ra rạp xem phim Đại thủy chiến đã ở mức khoảng 30%.
"Tất nhiên, so sánh giữa thị trường điện ảnh Hàn Quốc và Việt Nam hơi khập khiễng. Nhưng triển vọng về 30% dân số ra rạp xem phim là vẫn có thể. Do đó, tiềm năng doanh thu phim Việt thậm chí có thể đạt 3.000 tỷ đồng. Con số này thoạt qua nghe quá khủng khiếp. Nhưng 1.000 tỷ đồng doanh thu cho bộ phim tại Việt Nam với dân số như hiện tại là điều không phải không thể xảy ra", đạo diễn Khoa Nguyễn nhìn nhận.
Nhà bà Nữ vượt mốc 430 tỷ đồng doanh thu phòng vé. Ảnh: ĐPCC. |
Đồng quan điểm, đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ câu chuyện một tác phẩm "made in Vietnam" đạt mức doanh thu nghìn tỷ đồng trên chính quê hương, có thể trong tầm tay. Anh nói chỉ cần đạt tỷ lệ 15% khán giả Việt mua vé thưởng thức một bộ phim trong nước là điện ảnh Việt có thể đạt mốc doanh thu như kỳ vọng.
Cha đẻ của Siêu lừa gặp siêu lầy cho biết sự ủng hộ của khán giả Việt đối với phim Việt là nhân tố quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến trình hình thành nền công nghiệp điện ảnh nước nhà.
"Khán giả trong nước ngày càng tinh tường, không ai có thể dắt mũi được. Phim tốt, hợp gu, đúng điều họ cần, khán giả sẽ sẵn sàng chi tiền cho rạp phim. Ngược lại, phim dở, họ sẽ quay lưng. Thành bại về doanh thu phòng vé Việt đều nằm trong tay khán giả. Vì thế, nhà làm phim phải tập trung để hoàn thành tác phẩm chỉn chu, đàng hoàng, xứng đáng để người ta bỏ tiền ra rạp", đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ.
Công thức cho bộ phim nghìn tỷ đồng ở Việt Nam trong tương lai
Sau Bố già (hơn 400 tỷ đồng), Nhà bà Nữ (430 tỷ đồng), không ít khán giả ngờ vực rằng giới làm phim sẽ tập trung vào chủ đề gia đình để dễ dàng "hốt bạc" tại phòng vé. Tuy nhiên, đạo diễn Khoa Nguyễn phủ nhận điều này.
Ông cho biết việc một bộ phim cùng đề tài nhất định sẽ thắng ở phòng vé luôn là câu chuyện không có thật tại Việt Nam. Nếu thống kê lại doanh thu những bộ phim trăm tỷ đồng của nước nhà trong 5 năm kể lại đây đều thuộc các thể loại khác nhau: Cua lại vợ bầu, Em chưa 18 (Chủ đề tình yêu đôi lứa); Lật mặt, Chị Mười Ba (Phim hành động); Em và Trịnh (Tâm lý, tình cảm)...
Ngược lại, không ít bộ phim thuộc đề tài gia đình nhưng không đạt thành tích tốt về doanh thu tại phòng vé.
"Câu chuyện về việc cứ làm một đề tài nào đó đang thắng thì nhất định sẽ thắng vẫn là cách tư duy khá thời vụ. Theo tôi, phim có doanh thu tốt, không phụ thuộc vào đề tài gì, mà phần lớn đến từ việc câu chuyện đó có phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người xem hay không. Sau thành công của Nhà bà Nữ, chắc hẳn cũng có một bộ phận nhà đầu tư, giới làm phim nhìn nhận thị trường theo hướng như vậy. Song tôi không mong điều đó xảy đến", ông nói.
Giới chuyên môn cho rằng tiềm năng doanh thu của phim Việt còn rất lớn. Ảnh: ĐPCC. |
Khi được hỏi về công thức để đạt phim trăm tỷ, thậm chỉ nghìn tỷ ở Việt Nam trong tương lai, đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ điều kiện cần là kịch bản đủ hay, thuyết phục khán giả, ê-kíp chuyên nghiệp, diễn viên tốt. Điều kiện đủ là phim phải có điểm nổi trội, đặc biệt để tạo ra hiệu ứng truyền miệng. Tác phẩm cần tạo ra một chủ đề được bàn tán rộng rãi trong một khoảng thời gian mà phim tồn tại ở rạp.
"Nếu bộ phim hội tụ hai yếu tố nói trên thì phim chắc chắn trên trăm tỷ và có thể đạt doanh thu cao hơn nữa. Còn làm sao để phim đạt cả điều kiện cần và đủ thì bao hàm cả trăm yếu tố trong đó", Võ Thanh Hòa nhìn nhận.
Điểm nghẽn của điện ảnh Việt
Cú hích doanh thu phòng vé của điện ảnh Việt trong mùa Tết Nguyên đán có thể hâm nóng lại thị trường ảm đạm kéo dài sau đại dịch Covid-19. Song trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thách thức đặt ra cho giới làm phim trong nước ngày càng cao.
Giới chuyên môn cho rằng khó khăn lớn nhất của đạo diễn, nhà sản xuất Việt là nguồn vốn đầu tư. 2023 và những năm tới vẫn là giai đoạn khó khăn của điện ảnh nước nhà. Để lấy lại sự hồi phục và phát triển như trước dịch, ngành nghệ thuật thứ 7 nước nhà cần một chiến lược tổng.
Cụ thể, theo đạo diễn Khoa Nguyễn, việc tiếp tục xây dựng nhiều hành lang pháp lý để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành điện ảnh phát triển là vấn đề bức bách, cần thiết. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế, tạo điều kiện phát triển hạ tầng, hệ thống rạp phim, phim trường, nâng cấp chương trình đào tạo đội ngũ chuyên môn, thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách hệ thống kiểm duyệt...
"Chúng ta có nhiều tấm gương để học hỏi về việc phát triển ngành điện ảnh nội địa như Hàn Quốc, Thái Lan... Vậy nên, quan trọng là về mặt Nhà nước, có đưa ngành điện ảnh vào trong nhóm các ngành cần được quan tâm đầu tư và phát triển hay không là chuyện tiên quyết", tác giả Người lắng nghe nêu quan điểm.
Về phía nhà làm phim, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho rằng cần tăng cường sự cạnh tranh giữa hãng phim tư nhân và phim Nhà nước. Quỹ Điện ảnh nhất thiết phải được hình thành, đi vào hoạt động để nhanh chóng hỗ trợ các đạo diễn trẻ có tài năng đủ nguồn lực thực hiện các dự án phim.
"Tại Hollywood, hãng phim mở ra nhiều và mỗi năm phá sản cũng không ít. Sự cạnh tranh thực sự khốc liệt ở những thị trường điện ảnh phát triển. Tuy nhiên, điều đó không thể tránh khỏi. Sự chọn lọc là tất yếu để những người làm phim thực sự giỏi, tâm huyết ở lại, tạo ra những tác phẩm ngày càng tốt. Chỉ khi nào điện ảnh Việt Nam đạt ở mức như vậy, mới phát triển được", nam đạo diễn nhấn mạnh.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.