Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thấy gì từ cuộc 'hôn nhân' giữa Southernbank và Sacombank?

Theo các chuyên gia, ở thương vụ sáp nhập Sacombank và Southernbank, ngay cả khi vĩnh viễn mất đi thương hiệu, ngân hàng Phương Nam vẫn được nhiều hơn mất.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chính thức có tờ trình xin chấp thuận chủ trương sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) vào Sacombank trong năm 2014. Dù phương án sáp nhập chưa được Ngân hàng Nhà nước thông qua, song trước đó, với thông điệp sẽ cho ra mắt những tổ chức tín dụng lớn mang tầm cỡ khu vực, thì có khả năng, cơ quan này sẽ không gây khó dễ gì với “cuộc hôn nhân” nói trên, nếu cả hai bên trình được phương án hợp lý. Tuy nhiên, một trong những câu hỏi đặt ra với chính các nhân sự của 2 nhà băng này, cũng như giới tài chính là Sacombank, Southernbank sẽ được gì, mất gì sau khi sáp nhập?

Trên thị trường tài chính, Southernbank có quy mô nhỏ, nhưng Sacombank lại là một thương hiệu đã được khẳng định từ nhiều năm. Thậm chí, nhắc đến danh sách những ngân hàng đình đám, một thời Sacombank được liệt vào một trong những nhà băng có thương hiệu tốt, với dấu ấn của nguyên Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Thành. Việc sáp nhập một ngân hàng nhỏ hơn, với tiềm lực tài chính, danh tiếng và gần như tất cả mọi thứ đều không bằng, đang làm dấy lên lo ngại rằng Sacombank sẽ phải “cõng” thêm một đơn vị khác và sẽ khiến cho hoạt động của tổ chức mới bị thụt lùi.

Ngay cả khi vĩnh viễn mất đi thương hiệu, thì cuộc hôn phối với Sacombank vẫn khiến Phương Nam được nhiều hơn mất.

Chia sẻ về đề án sáp nhập trước đó, ông Phạm Hữu Phú - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, ông không lo thương vụ này sẽ kéo lùi Sacombank trở lại. Theo ông, trước khi sáp nhập, đề án phải được thảo luận cực kỹ, và cơ quan ra quyền quyết định là Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ chấp thuận phương án nếu ngân hàng mới hoạt động ổn định, phát triển sau sáp nhập. Quy trình đưa 2 ngân hàng trở thành “người một nhà”, theo ông Phạm Hữu Phú, cũng cần phải được đại hội đồng cổ đông thảo luận, cân nhắc kỹ càng.

Với cuộc hôn nhân này, Phương Nam sẽ được lợi nhiều hơn Sacombank, ngay cả khi bị mất toàn toàn thương hiệu gây dựng sau 21 năm ra đời, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết. Theo phân tích của vị này, suốt từ khi thành lập đến nay, Phương Nam vẫn được định vị nằm trong top những ngân hàng quy mô nhỏ, có các chỉ số tài chính thấp hơn Sacombank. Nên nếu Phương Nam có “về một nhà” với Sacombank, việc giữ lại thương hiệu Sacombank sẽ có lợi hơn cho hoạt động của tổ chức mới sau này. Bên cạnh đó, số liệu trong báo cáo tài chính của Phương Nam trong vòng 5 năm trở lại đây cũng cho thấy hoạt động của nhà băng này có một số vấn đề liên quan tới nợ xấu, lợi nhuận, với sự ổn định và tăng trưởng kém hơn Sacombank.

Chia sẻ với Zing.vn, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty luật BASICO, cũng đồng tình với quan điểm rằng Phương Nam sẽ được lợi nhiều hơn nếu sáp nhập vào Sacombank. Cái được của Phương Nam chính là thương hiệu, uy tín, giá trị cổ phiếu, chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động mà Sacombank có được trong suốt những năm gây dựng, phát triển. Về với Sacombank, Phương Nam cũng có cơ hội nhiều hơn để phát triển, tránh được nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường. “Dù Phương Nam không nằm trong danh sách những ngân hàng buộc phải tái cơ cấu, nhưng trên thị trường tài chính, đây là một trong những ngân hàng top cuối. Có thể bây giờ Phương Nam chưa gặp khó, song trong bối cảnh kinh tế những năm vừa rồi, thì những nhà băng nhỏ càng đi đường dài sẽ càng đuối. Đề nghị sáp nhập với Sacombank là hướng đi khôn ngoan của Southernbank”, ông Đức chia sẻ.

Về phía Sacombank, theo chia sẻ của ông Trương Thanh Đức, cái được sẽ không nhiều bằng. Cái được đầu tiên kể đến là hệ thống mạng lưới phòng giao dịch, nguồn lực, nhân sự. Bên cạnh đó, một lượng khách hàng Hoa kiều nhất định trước đó là thế mạnh của Phương Nam sẽ được chuyển giao sang Sacombank, khi 2 ngân hàng này thành một. Theo chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức, nếu thành công, đây sẽ là thương vụ có tiềm năng nhất trong số những “cuộc hôn nhân” diễn ra trước đó. Bởi vì các thương vụ trước đều diễn ra giữa một tổ chức có tiềm lực bình thường với một đơn vị yếu kém hẳn, còn ở thương vụ Sacombank- Southernbank, bản thân Sacombank là đơn vị có tiềm lực, còn Phương Nam cũng không yếu kém tới mức mất kiểm soát.  

Một chuyên gia khác thì bình luận, việc sáp nhập Sacombank và Phương Nam là một bước tiền trạm quan trọng cho kế hoạch hình thành ngân hàng quy mô tầm cỡ khu vực, như thông điệp trước đó của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và tuyên bố của Sacombank, Eximbank, ACB. Vị này bình luận, nếu đã có chủ trương, chắc chắn thương vụ này sẽ thành công, vì các thành viên trong HĐQT hay cổ đông lớn của Sacombank phần lớn là “người Southernbank”. 

Theo chuyên gia này, bản chất của vụ việc chính là thực thi lời hiệu triệu của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước về việc tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Thay vì ép buộc, các ngân hàng sẽ tự tìm đến với nhau, trên cơ sở sự chấp thuận của cổ đông. “Quan trọng nhất là bài toán lợi ích. Nếu như các cổ đông lớn nhìn thấy cơ hội tăng giá trị cổ phiếu nhờ vào sáp nhập, hợp nhất thì việc sáp nhập cũng là bình thường”, chuyên gia nói trên nêu ý kiến.

Vị chuyên gia nói trên cũng cho rằng, cũng có thể “cuộc hôn nhân” của 2 ngân hàng nói trên là cách thu về một mối 2 ngân hàng có dáng dấp một chủ sở hữu. Nhưng điều đó không chi phối tất cả, khi mà nguyên tắc biểu quyết trong đại hội cổ đông không thể bị chi phối chỉ bởi một vài cá nhân. 

 

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm