Trao đổi với báo chí chiều 6/3, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc ngân hàng (NH) Sacombank, cho biết phương án sáp nhập NH Phương Nam vào Sacombank sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại đại hội đồng cổ đông Sacombank vào ngày 25/3.
Hoạt động tại phòng ngân quỹ ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). |
Theo ông Khang: Đại hội đồng cổ đông Sacombank năm 2013 đã thông qua tờ trình cho phép tìm một NH để sáp nhập, mở rộng hơn nữa quy mô hoạt động của Sacombank. Sau một thời gian làm việc, đến nay Hội đồng Quản trị (HĐQT) NH Phương Nam đã có đề nghị sáp nhập vào Sacombank và được HĐQT Sacombank chấp thuận. Hai NH hiện đang xem xét quy trình, thủ tục và xây dựng đề án để trình NH Nhà nước. Dự kiến ngày 10/3, NH sẽ công bố dự thảo nội dung đại hội cổ đông, trong đó có nội dung trình đại hội cổ đông chấp thuận chủ trương cho NH Phương Nam sáp nhập vào Sacombank theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông 2013.
- Vì sao Sacombank lại chọn NH Phương Nam mà không là NH khác?
- Phương Nam là NH tầm trung, có mạng lưới tương đối tốt và lượng khách hàng khá, nếu sáp nhập với Sacombank sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của Sacombank. Sau khi sáp nhập với Phương Nam, Sacombank sẽ có mạng lưới, tổng tài sản chỉ đứng sau Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.
- Việc tiếp nhận Phương Nam có ảnh hưởng đến hoạt động của Sacombank?
- Đó không phải là vấn đề lớn. Sau khi sáp nhập, tất cả định hướng chiến lược, hướng đi sẽ theo định hướng của Sacombank.
- Thời gian qua NH Phương Nam gặp một số vấn đề về thanh khoản, nợ xấu cao, lợi nhuận khá thấp. Việc sáp nhập liệu đảm bảo quyền lợi của cổ đông của hai NH?
- Đến nay tôi chỉ có thể nói rằng, sau khi sáp nhập vẫn giữ thương hiệu Sacombank và sẽ xóa tên NH Phương Nam. Vấn đề về hoán đổi cổ phiếu sẽ được HĐQT hai NH bàn thảo kỹ. Các phương án tính toán đã có, nhưng tôi xin được giữ kín đến khi công bố đề án chính thức. Tuy nhiên, phương án đưa ra sẽ trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư.
Phương án xử lý nợ xấu của NH Phương Nam cũng sẽ được đề cập kỹ trong đề án sắp công bố. Hiện đề án sáp nhập đang được chúng tôi gấp rút hoàn thành. Nếu kịp sẽ công bố ngay tại đại hội cổ đông vào ngày 25/3. Còn nếu chưa kịp, HĐQT Sacombank sẽ trình trước chủ trương để xin thông qua. Sau khi hoàn thành đề án sáp nhập, NH sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua.
NH Phương Nam hiện có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng, mạng lưới hoạt động gồm 141 chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị trực thuộc trên toàn quốc. Sacombank hiện có vốn điều lệ 12.425 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 160.000 tỷ đồng với 424 điểm giao dịch tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Vốn điều lệ của Sacombank sau khi sáp nhập là 16.425 tỷ đồng, tổng tài sản ở mức 240.000 tỷ đồng, có mạng lưới 564 điểm giao dịch.
Cổ đông hai ngân hàng đều có lợi
Trao đổi với phóng viên chiều 6/3, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, sẽ về lại Eximbank sau khi đại hội đồng cổ đông Sacombank vào ngày 25/3. Ông Phú cho biết trước đây sang Sacombank theo sự phân công của Eximbank. Hiện nay tình hình Sacombank đã ổn định và Eximbank cũng cần bổ sung nhân sự, nên hai bên đã trao đổi với ông Phú về việc đưa ông quay trở lại Eximbank. Còn nhiệm vụ cụ thể khi trở về Eximbank sẽ tùy thuộc vào sự phân công của HĐQT.
Bình luận về việc sáp nhập Phương Nam vào Sacombank, ông Phú nói: “Cá nhân tôi cho rằng, trong việc sáp nhập này, một số cổ đông sẽ cảm thấy thiệt thòi, nhưng trong dài hạn thì việc sáp nhập này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho cổ đông cả hai bên. Các chi nhánh, phòng giao dịch của NH Phương Nam sau khi sáp nhập về Sacombank sẽ hoạt động hiệu quả hơn, dưới sự điều hành của Sacombank, chi phí huy động vốn cũng rẻ hơn, các khoản cho vay cũng hiệu quả hơn. Sacombank sau khi nhận Phương Nam có thể sẽ chững lại, nhưng triển vọng lâu dài sẽ tốt hơn, cổ đông cũng được hưởng lợi từ điều này. Nhìn rộng ra, cổ đông của cả hai bên NH sẽ được lợi từ thương vụ sáp nhập này chứ không riêng NH nào”.