Kẻ đến, người đi
Gần đây nhất là ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) - mà tiền thân là ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank - mã NVB), chính thức có tổng giám đốc sau gần 9 tháng chiếc ghế này bỏ trống. Vị tân tổng giám đốc của ngân hàng này là bà Trần Hải Anh, Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị.
Vào đầu tháng 6/2013, ông Lê Quang Trí đã từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Navibank sau 9 năm tại nhiệm. Từ đó đến nay, Navibank không có Tổng giám đốc. Người đảm nhiệm tạm thời chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn tổng giám đốc là phó tổng giám đốc Đặng Quang Minh. Trước đó, vào cuối 2013 vừa qua, ông Cao Kim Sơn Cương, Phó tổng giám đốc đã từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Sau khi bà Hải Anh được bổ nhiệm làm tổng giám đốc, ban điều hành của Navibank đã hoàn thiện với 1 tổng giám đốc và 8 phó tổng giám đốc.
Trước đó không lâu, ngành ngân hàng được phen ngỡ ngàng trước thông tin người kế nhiệm CEO DongA Bank từ chức. Cụ thể, từ ngày 15/2/2014, ông Lê Trí Thông sẽ thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc DongA Bank. Thay vào đó, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến sẽ giữ chức phó tổng giám đốc thường trực, kể từ ngày 1/2/2014.
Việc ông Thông thôi làm phó tổng giám đốc DongA Bank có thể nói là một điều bất ngờ. Bởi theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc ngân hàng này, ông đang đào tạo ông Lê Trí Thông thành người "nắm giữ vị trí tổng giám đốc trong vài ba năm tới". Tuy nhiên, chưa kịp đạt đến hứa hẹn này, ông Thông đã bỏ cuộc chơi.
Kỷ lục của VietA Bank
Sau hai năm các ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu, vấn đề biến động nhân sự cấp cao trong ngành được cho là chưa dừng lại, mà sẽ còn tiếp diễn trong mùa đại hội cổ đông của ngành, diễn ra trong khoảng thời gian tháng 3 và tháng 4 năm nay.
Có lẽ cái tên đầu tiên cần nhắc đến là Eximbank, ngân hàng lùm xùm nhất trong thời gian qua, khi thay đổi một số lãnh đạo cao cấp và liên tục có các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu với khối lượng lớn, trong khi lợi nhuận sụt giảm, kết quả kinh doanh quý IV/2013 thua lỗ bất ngờ, tạo cú sốc cho nhà đầu tư, cho tới chính sách cắt giảm nhân sự hàng loạt, cắt giảm lương thưởng từ sếp cho tới nhân viên… Sau một loạt những biến động này, Eximbank đang toan tính gì để tự vực dậy? Câu trả lời đầu tiên mà Eximbank tính đến chính là củng cố và tăng cường bộ máy lãnh đạo của ngân hàng.
Tính đến thời điểm này, trong tất cả các ngân hàng đã công bố chốt ngày Đại hội cổ đông, duy nhất có Eximbank thông báo trước cho toàn bộ cổ đông biết, ngân hàng này dự kiến sẽ bầu bổ sung 3 thành viên Hội đồng Quản trị trong ngày đại hội tổ chức vào 28/4 tới. Hiện tại, Eximbank có 1 tổng giám đốc và 14 phó tổng giám đốc, là ngân hàng có số lượng phó tổng giám đốc lớn thứ hai sau Sacombank. Trong khi đó, theo một nguồn tin, sau một thời gian ngắn thay đổi nhiều CEO, trong kỳ đại hội đồng cổ đông lần này, VietA Bank cũng sẽ chính thức trình cổ đông thông qua việc bổ nhiệm người điều hành ở vị trí CEO, và chờ Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.
VietA Bank được xem là đã có sự thay đổi về CEO nhiều nhất trong thời gian vừa qua. Người nắm quyền CEO VietA Bank hiện nay là bà Phương Thanh Nhung, đồng thời cũng là thành viên Hội đồng Quản trị ngân hàng này. Như vậy, mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay được cho là sẽ có nhiều vấn đề nóng và thu hút sự quan tâm nhiều hơn của các cổ đông, nhất là những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng đang phải tái cấu trúc.
Sóng lớn chưa dừng
Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) và ngân hàng Phương Tây (Western Bank) mở đầu cho làn sóng thay tướng tính từ năm 2012. Cho đến thời điểm này, thống kê qua các thông tin công bố, đã có 21 quyết định như vậy trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. 21 thành viên này gồm: Western Bank, Techcombank, ACB, Sacombank, Southern Bank, VPBank, Tienphong Bank, SCB, ABBank, Kienlong Bank, Baoviet Bank, Maritime Bank, OCB, LienVietPostBank, VietABank, VietCapital Bank, MDB, BIDV, Eximbank, DongABank, Navibank.
Thực tế, con số 21 này mới chỉ là quyết định tính theo tên các đơn vị, chưa kể đến tần suất thay đổi khá dày tại một số thành viên. Có những ngân hàng trong một năm có vài quyết định bổ nhiệm như Eximbank, Sacombank... thậm chí có trường hợp người vừa bổ nhiệm chưa ấm chỗ đã lại chuyển, như trường hợp ngân hàng Techcombank, DongA Bank... Và cũng đã có một thời, các ngân hàng Việt đua nhau “sính ngoại”, khi thuê các CEO người nước ngoài. Dù cho đến nay, xu hướng sử dụng CEO ngoại dường như đã thay đổi, đặc biệt sau khi CEO người nước ngoài từ giã Techcombank vào tháng 8/2013.
Có vẻ khá giống bóng đá Việt Nam, chặng đường thay tướng cầm quân của các ngân hàng trong thời gian qua cũng thử thách hết tướng “ngoại” rồi lại “nội”, thậm chí từ “tướng nội” này sang “tướng nội” khác. Nhưng, có ngân hàng thay “sao” thì đổi được “vận”, có ngân hàng thì không.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: “Việc ra đi của các sếp ngân hàng xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, khi mà lĩnh vực ngân hàng vốn nhiều áp lực lại đang trải qua giai đoạn khó khăn, như lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng cao, tăng trưởng tín dụng thấp”. “Phải nhìn nhận đây là điều tất yếu. Sự xáo những trộn chiếc ghế nóng trong ngành ngân hàng gắn liền với mục tiêu, chiến lược mới của các nhà băng, và được dự báo sẽ còn rầm rộ hơn trong thời gian tới”, ông Hiếu nói.