Theo South China Morning Post, vụ Scarlett Johansson kiện hãng Disney phát hành Black Widow trên dịch vụ trực tuyến song song với ngoài rạp là ví dụ nổi bật về những cuộc tranh luận đang sục sôi trong ngành.
Russell Hollander - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ (Guild of America) - cho biết: "Xem xét nhiều khía cạnh, cuộc chiến giữa những người liên quan đến Black Widow hay HBO Max chỉ là bề nổi của tảng băng chìm".
Vụ kiện của Scarlett Johansson chỉ là bề nổi của những vấn đề còn tồn đọng. Ảnh: South China Morning Post. |
Thực tế, cục diện ngành phim ảnh đã thay đổi dẫn đến nhiều vấn đề nan giải, nhất là trong bối cảnh dịch vụ phát trực tuyến chiếm lĩnh vị trí ưu tiên.
Câu hỏi lớn mà người trong nghề phải đối mặt là: Làm thế nào để được trả tiền khi mô hình kinh doanh đang chuyển đổi từ kinh doanh dựa trên doanh thu phòng vé và xếp hạng truyền hình sang mô hình đăng ký trực tuyến?
Cục diện phim ảnh thay đổi
Trong nhiều thập kỷ, nhà làm phim và diễn viên đã đặt cược vận mệnh vào sự may rủi của tác phẩm. Họ sẽ không chỉ kiếm được mức lương đáng kể, mà còn dễ thu hút những hợp đồng béo bở khác nếu phim hoặc chương trình của họ chạm tới mốc doanh thu nhất định.
Theo South China Morning Post, khoản lợi nhuận này gọi là tiền lãi hoặc phụ trợ. Đối với phim rạp, doanh thu cao thì diễn viên mới nhận được khoản ăn chia này và ngược lại, khi đuối sức ở phòng vé, tiền lãi sẽ bị giảm hoặc cắt đi.
Chia lợi nhuận ở hình thức chiếu trên nền tảng trực tuyến lại dựa trên thỏa thuận của các đơn vị phân phối. Khi một bộ phim chiếu đủ 100 tập, khoản ăn chia của họ lớn tới độ chi phí ban đầu bỏ ra chỉ bằng một con muỗi.
Sự lớn mạnh của dịch vụ phát trực tuyến làm thay đổi cách tính lợi nhuận cho diễn viên. Ảnh: South China Morning Post. |
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng nổ đã dẫn đến cuộc cách mạng về lợi nhuận, phá vỡ những tiêu chuẩn trước đó. Nền tảng trực tuyến lên ngôi tạo nên cục diện mới nhiều tranh cãi.
Netflix từng vận hành theo hình thức trả cho các nhà sáng tạo tiền sản xuất cộng với khoản "tiền bảo hiểm" thỏa thuận. Khoản này sẽ thay thế khoản ăn chia lợi nhuận về sau. Hợp đồng là sự bảo toàn quyền lợi của đôi bên.
Trong những năm đầu, các nhà làm phim, diễn viên xem đây là loại bảo hiểm trong một hoàn cảnh không chắc chắn. Về cơ bản, họ đã được trả tiền cho dù phim thành công hay thất bại.
Tuy nhiên, giờ đây, khi lượng người đăng ký trực tuyến tăng dẫn đến giá cổ phiếu công ty tăng, giới chuyên môn và luật sư chỉ ra rằng sẽ không có bất kỳ khoản tiền lãi nào được trả thêm cho diễn viên, những nhà làm phim, dù cho phim của họ ngày càng thu hút.
Trái lại, tập đoàn đối thủ WarnerMedia tỏ ra hào phóng khi quyết định chi 200 triệu USD bù vào lợi nhuận cho diễn viên, nhà làm phim trước tình trạng phim không thể ra rạp vì dịch. Các phim được chuyển sang chiếu trên HBO Max nhưng vẫn đảm bảo không tính thêm phí cho người dùng.
Sự hỗn loạn trong khâu thỏa thuận dẫn đến thực tế thiếu thống nhất trong ngành. Từ đó, xảy ra tình trạng những người có liên quan - mà cụ thể là đạo diễn, nhà sản xuất, các diễn viên - phải lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Trường hợp của Scarlett Johansson là một ví dụ.
Trả lời South China Morning Post, Jamice Oxley - luật sư ngành giải trí tại Pryor Cashman - cho biết những khách hàng đăng ký sử dụng nền tảng trực tuyến mới là đối tượng quyết định tương lai. Thành bại của phim giờ đây không còn nằm ở tay nghệ sĩ.
Những bất cập liên quan
Dịch vụ phát trực tuyến tiếp quản mô hình chiếu phim kiểu truyền thống đã khiến một bộ phận nhà sản xuất điêu đứng. Họ đang mất dần doanh thu tiền bản quyền các bộ phim, chương trình truyền hình mà nhẽ ra sẽ được phân phối hoặc bán lại.
Vấn đề nan giải gần đây đã thúc đẩy sự vào cuộc của những nhà biên kịch hàng đầu Hollywood, tương tự như lần họ trỗi dậy hồi năm 2017 - sau một thập kỷ xảy ra cuộc đình công của Hiệp hội biên kịch WGA (Writers Guide of America). Vụ đó đã khiến ngành công nghiệp này rơi vào trạng thái khủng hoảng và rất nhiều series phim nổi tiếng đã bị ảnh hưởng.
Hiện tại, giới chức Hollywood đang theo dõi sát sao và chặt chẽ diễn biến của ngành. Nhiều khả năng sẽ dẫn đến một cuộc đàm phán hợp đồng vào năm 2023.
South China Morning Post dẫn lời các nhà sản xuất cho biết đang giải quyết hợp đồng để diễn viên được đền bù tiền quảng cáo nếu tác phẩm của họ chuyển sang hình thức chiếu trực tuyến.
Luật sư giải trí Jake Levy, người đại diện cho các nhà sản xuất và công ty sản xuất, nói: "Các thỏa thuận cần phải bắt kịp với thực tế mới của thế giới. Chắc chắn vụ kiện này (giữa Johansson và Disney) sẽ khuyến khích những hợp đồng bắt kịp thực tế đó".
Nhiều phim bom tấn Hollywood chiếu trên dịch vụ trực tuyến do ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: South China Morning Post. |
Trong diễn biến khác, tờ Variety nhận định thành công của phim có thể được đo lường bằng số liệu của Netflix, thông cáo báo chí của HBO Max về chỉ số ăn khách của những diễn viên.
Tuy nhiên, vấn đề là các nhà sản xuất thường không biết chương trình của họ đang hoạt động tốt như thế nào. Theo South China Morning Post, số liệu trong kinh doanh phát trực tuyến không rõ ràng, đặc biệt là khi so với phép đo bằng doanh thu phòng vé.
Netflix chỉ mới bắt đầu công khai lượng người xem cho một số chương trình nhất định và có rất nhiều phim chiếu trên nền tảng đã được ẩn dữ liệu.
Tranh luận xung quanh công cụ đo lường này càng căng thẳng hơn trước sự ảnh hưởng của đại dịch. Disney đã quyết định phát hành Black Widow trên Disney + khi phòng vé toàn cầu gặp bất ổn. WarnerMedia quyết định chuyển phim sang HBO Max và Warner Bros. có kế hoạch làm phim phát trực tuyến dài hạn.
Trước thực tế đó, Lindsay Conner - nhà nghiên cứu của Manatt, Phelps & Phillips - chia sẻ: "Làm thế nào để tạo ra hệ thống đền bù công bằng cho những người liên quan, khi hệ sinh thái kinh tế cơ bản của ngành thay đổi theo từng năm? Câu trả lời duy nhất là phải suy nghĩ cách tiếp cận ngắn nhất".