Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thay đổi mang tính chiến lược của TP.HCM trong quản lý F0

Thay đổi phương án quản lý F0 giúp nhiều địa phương tháo gỡ khó khăn mà họ phải đối mặt suốt nhiều tuần qua. Tuy nhiên, giải quyết các khúc mắc mới cũng không hề đơn giản.

TP.HCM cach ly F0 tai nha anh 1

13 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM phát hiện hơn 32.000 ca dương tính. Tức là, nếu mỗi ngày thành phố thiết lập được một bệnh viện điều trị Covid-19 cỡ 2.500 giường, cơ sở này sẽ lập tức bị lấp đầy. Đây cũng là số bệnh nhân mà về lý thuyết, đơn vị cấp cứu phải vận chuyển mỗi ngày.

Dù Sở Y tế TP.HCM đã chuẩn bị tới 59.000 giường điều trị F0 tại 35 cơ sở y tế (gồm 13 bệnh viện dã chiến), các địa phương liên tục phản ánh tình trạng "tồn" F0 trong cộng đồng do chậm chuyển viện. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phải thẳng thắn nhìn nhận quy trình thu dung F0 “có sự lúng túng”, gây mất thời gian cấp cứu bệnh nhân. Để giải quyết, một tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch được thành lập ngày 20/7.

Created with Highcharts 8.2.2Biểu đồ số ca F0 tại TP.HCM từ 9/7Dữ liệu cập nhật 17h hàng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - HCDC cung cấp*Số ca nhiễm trong ngàyTrong cộng đồng, bệnh việnTrong khu cách ly, phong tỏa9/710/711/712/713/714/715/716/717/718/719/720/721/701k2k3k4k5k6k
Biểu đồ số ca F0 tại TP.HCM từ 9/7
Dữ liệu cập nhật 17h hàng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - HCDC cung cấp*
Nhãn 9/7 10/7 11/7 12/7 13/7 14/7 15/7 16/7 17/7 18/7 19/7 20/7 21/7
Số ca nhiễm trong ngày
1229 1320 1397 1764 1797 2229 1992 2381 2766 4015 3038 3322 5130
Trong cộng đồng, bệnh viện
265 259 594 225 113 338 185 204 402 610 243 263 528
Trong khu cách ly, phong tỏa
964 1061 803 1539 1684 1891 1807 2177 2364 3405 2795 3047 4555

Ngay hôm sau, TP.HCM tiếp tục cho phép các địa phương cách ly tại nhà F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng (CT>=30). Bên cạnh đó, thay vì chuyển F0 lên bệnh viện cấp thành phố, quận/huyện được yêu cầu thiết lập khu cách ly F0 với tổng công suất trên 1.000 giường/địa phương - theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh.

Đây là 2 thay đổi lớn việc quản lý F0 của TP.HCM sau gần 2 năm dịch bệnh bùng phát. Thay đổi này nhận được sự ủng hộ của nhiều địa phương bởi nó tháo gỡ vướng mắc mà họ phải đối mặt suốt nhiều tuần qua. Đây cũng là phương án giảm bớt áp lực đang ngày càng đè nặng lên ngành y tế.

Tuy nhiên, sự thay đổi đồng thời khiến các quận, huyện phải đối mặt với những khó khăn phát sinh.

Nhiều F0 "cá biệt" phải cách ly tại nhà

“Thời gian qua, thực chất rất khó khi chuyển F0 nặng”, Bí thư quận 1 Trần Kim Yến chia sẻ khó khăn. Dù tổ công tác chuyên điều phối F0 đã được thành lập, tối 20/7, bà Yến cho biết quận vẫn còn 66 ca F0 “tồn” trong cộng đồng chưa thể chuyển đi, trong đó có ca nặng.

Bà Yến cho hay những ngày qua, nhiều trường hợp F0 quận không thể đưa đi cách ly tập trung mà buộc phải linh hoạt xử lý để cách ly tại nhà. Ví dụ trường hợp mẹ là F0 nhưng 2 con (2 tháng tuổi và 3 tuổi) đều âm tính với SARS-CoV-2, ngành y tế phải chấp nhận phương án để người mẹ ở nhà và giám sát y tế. Hay có trường hợp người lớn tuổi là F0 nhưng bị liệt, cần chăm sóc đặc biệt cũng phải cách ly tại nhà và hướng dẫn người thân theo dõi.

Trao đổi với Zing, bà Yến bày tỏ sự ủng hộ với hướng dẫn mới của thành phố về xem xét cách ly F0 mới phát hiện, không triệu chứng tại nhà. Bà cho rằng công văn này giúp quận có cơ sở pháp lý để linh động phương án xử lý. Tuy nhiên, quan điểm của Bí thư quận 1 vẫn là cố gắng không để F0 trong cộng đồng mà chỉ áp dụng cho những trường hợp cá biệt.

Việc chuyển F0 nặng tới bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến trên tại nhiều địa phương gặp khó khăn. Ảnh: Duy Hiệu.
TP.HCM cach ly F0 tai nha anh 2
TP.HCM cach ly F0 tai nha anh 2

Việc chuyển F0 nặng tới bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến trên tại nhiều địa phương gặp khó khăn. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng chia sẻ khó khăn lớn nhất của quận thời gian qua là nguồn lực và cơ sở vật chất. Với điều kiện cách ly tập trung F0, F1, việc trưng dụng cơ sở vật chất quận có thể sắp xếp được, nhưng con người thì khó khăn.

“Chủ trương cách ly F0 tại nhà có xem xét sự an toàn và cách ly F1 tại nhà rất thuận lợi, giúp địa phương tập trung nguồn lực để xử lý khu vực cấp bách hơn, giảm áp lực”, ông Dũng cho biết.

Lãnh đạo quận Gò Vấp cho biết sau hướng dẫn của UBND TP.HCM, quận khẩn trương cùng ngành y tế lên phương án theo dõi F0 tại nhà. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều mà ông lo ngại nhất vẫn là ý thức của người tự cách ly.

Lực lượng y tế tình nguyện "ngại" tham gia khối điều trị

Ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11, chia sẻ thay đổi mang tính chiến lược của thành phố giúp tháo gỡ khó khăn để khi quận phát hiện ca F0 thì có thêm nơi cách ly. “Trước chưa có thì ca F0 nằm trong cộng đồng. Người chưa dương tính họ lo, mà người bị bệnh chưa đưa vào khu cách ly y tế thì cũng thiếu người theo dõi, giám sát”, ông chia sẻ.

Ông Long cho biết quận 11 hiện có 260 giường để phục vụ F0 có triệu chứng và đang hình thành thêm một khu 300 giường ở chung cư tái định cư Phú Thọ (phường 15), dự kiến đưa vào sử dụng trong tuần sau.

Dù nỗ lực, quận cho rằng khó thiết lập được 1.000 giường như đề nghị của thành phố bởi khu theo dõi F0 phải đáp ứng nhiều yêu cầu về vật chất như máy móc, thiết bị… và đặc biệt là lực lượng y, bác sĩ.

Quận 11 đã huy động được khoảng 30-40 bác sĩ nghỉ hưu xung phong hỗ trợ. Quận cũng kêu gọi được đông đảo lực lượng y tế tư nhân với gần 40 người tình nguyện tham gia chống dịch. Tuy nhiên, nhóm này chủ yếu hỗ trợ tại 42 điểm tiêm vaccine mà quận triển khai trong đợt 5. Trong khi lực lượng tổ chức tiêm chủng khá dư dả thì đội ngũ điều trị thiếu trầm trọng.

TP.HCM cach ly F0 tai nha anh 3

Bác sĩ theo dõi bệnh nhân Covid-19 nặng tại cơ sở hồi sức tích cực. Ảnh: Duy Hiệu.

Chia sẻ về điều này, ông Long cho biết lực lượng bác sĩ nghỉ hưu “ngại” tham gia điều trị vì lớn tuổi. Còn lực lượng bác sĩ tình nguyện thì “ngại” vì liên quan đến trách nhiệm và tính pháp lý. Nhiều F0 chuyển nặng quá nhanh, chỉ vừa chuyển vào khu cách ly tập trung một vài ngày là suy hô hấp, “phổi đã trắng xóa”, nhưng quy trình chuyển lên tuyến trên lại rất khó khăn. Do đó, đội điều trị đa phần phải lấy từ lực lượng nằm trong biên chế của các cơ sở y tế công lập.

Ông Long cho biết cơ sở cách ly F0 260 giường của quận hiện có 5 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Nhóm này được bố trí ở hẳn trong cơ sở điều trị và chưa có phương án thay người. Trong khi đó, cơ sở 300 giường mà quận đang thiết lập mới chỉ có một bác sĩ và 2 điều dưỡng. Quận đã đề xuất thành phố hỗ trợ tối thiểu 10 nhân viên y tế để phục vụ cơ sở này.

Quận 11 cũng rơi vào tình trạng “thiếu trầm trọng” xe cứu thương. Bệnh viện quận có 2 xe cấp cứu nhưng được sử dụng để phục vụ cho hệ thống cấp cứu của Trung tâm 115. Quận vận động được 2 chiếc xe cứu thương khác từ các bệnh viện đa khoa trên địa bàn quận để hỗ trợ khi cần thiết. Ông Long cho biết đến giờ cơ bản giải quyết được vấn đề vận chuyển.

TP.HCM cach ly F0 tai nha anh 4

Nhiều địa phương gặp khó khăn trong thiết lập khu cách ly tập trung quy mô lớn. Ảnh: Chí Hùng.

Trong khi đó, Bí thư quận 1 Trần Kim Yến chia sẻ thực chất thời gian qua quận đã chủ động tổ chức các khu cách ly tập trung cho F0 nhưng sẽ rất khó để đạt được mục tiêu 1.000 giường như mục tiêu thành phố đặt ra. Quận đã phải chuyển trung tâm cách ly F1 thành nơi cách ly F0 tạm thời nhưng việc tổ chức khu cách ly quy mô lớn tại một quận trung tâm thành phố không dễ dàng.

Trường học lớn nhất ở quận 1 cũng chỉ tổ chức được 45 phòng với 90 giường, còn lại trung bình khoảng 30-35 phòng, có nơi 20 phòng. Quận trưng dụng cả sân thi đấu thể thao nhưng cũng chỉ tổ chức được chưa tới 100 giường. Bà Yến cho biết quận đang làm “cuốn chiếu” để có thêm cơ sở với mong muốn giảm áp lực cho thành phố và tạo thuận lợi cho người dân.

Trong trường hợp số F0 vượt khả năng cách ly của quận, bà Yến cho biết sẽ phải đề xuất thành phố để chuyển F0 sang các địa phương lân cận còn khả năng thu dung F0 để chia sẻ gánh nặng.

Không thể cứng nhắc trong một cuộc chiến

Trả lời câu hỏi của Zing về nguyên nhân thay đổi việc cách ly với F0, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ theo kinh nghiệm của nhiều nước, số ca dương tính khi tăng lên sẽ tạo áp lực rất lớn cho ngành y tế.

“Số ca mắc nhiều thì đương nhiên tỷ lệ nặng sẽ nhiều và tỷ lệ tử vong sẽ cao”, ông Hưng nói.

Vì biến chủng Delta lây lan rất nhanh, do đó, nhiệm vụ của các nước là kiềm chế sự lây lan cũng như số ca dương tính để giảm áp lực. “Áp lực của ngành y tế nếu đến mức không đáp ứng được thì sẽ ảnh hưởng và nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người dân”, lãnh đạo Sở Y tế chia sẻ.

Đại diện ngành y khẳng định quyết định thay đổi chiến lược cách ly với F0 xuất phát từ cơ sở khoa học là 70-80% số ca mắc không có triệu chứng và không phải lúc nào cũng cần sự chăm sóc của ngành y tế. Những trường hợp này sẽ được chăm sóc thích hợp tại nhà và khu cách ly tập trung ở quận, huyện, TP.

TP.HCM cach ly F0 tai nha anh 5

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TP.HCM đã phân tầng điều trị và không phải tất cả bệnh nhân đều giống nhau mà phân theo triệu chứng nặng nhẹ. Ông Hưng khẳng định việc cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0 đều kèm theo điều kiện nghiêm ngặt, đòi hỏi cả sự chung tay giám sát của địa phương và đặc biệt là sự tự giác, tuân thủ của người cách ly.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng với từng diễn biến dịch cụ thể phải có chính sách phù hợp bởi đây “thực sự là một cuộc chiến”.

"Không thể cứng nhắc theo một phương án mà cần linh hoạt với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân", ông Hưng nhấn mạnh.

*Theo giải thích của đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số liệu ca nhiễm do HCDC công bố hàng ngày có độ vênh so với Bộ Y tế do nhiều trường hợp HCDC ghi nhận rồi mới báo cáo để Bộ Y tế xác minh, đánh số.


Thí điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 đợt 5 ở TP.HCM
00:00
/
Video sẽ chạy sau3
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Thí điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 đợt 5 ở TP.HCM Chiều 21/7, TP.HCM tiêm thí điểm khoảng 60 liều vaccine ngừa Covid-19 đợt 5. Chiến dịch tiêm chủng sẽ đồng loạt diễn ra vào ngày mai (22/7).
Bài liên quan

Thu Hằng

Bình luận

Ý kiến bạn đọc

Nổi bật
  • Mới nhất
Gửi bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

    Xem thêm bình luận

    Thông báo