Triết gia: "Chúng ta hãy nói về mối quan hệ giữa người với người từ một góc độ hơi khác một chút. Cậu có biết từ 'cảm giác tự ti' không?".
Chàng thanh niên: "Một câu hỏi ngốc nghếch. Hẳn là thầy đã hiểu qua cuộc trò chuyện từ đầu đến giờ rằng tôi là một gã đàn ông cực kỳ tự ti".
Triết gia: "Cụ thể cậu tự ti về điều gì?".
Chàng thanh niên: "Chẳng hạn khi nhìn thấy trên báo đài hình ảnh thành công của những người cùng độ tuổi, tôi lại có cảm giác rất tự ti. Rằng, người sống cùng thời với mình thành công đến vậy còn mình thì làm được gì cơ chứ. Hoặc mỗi khi nhìn thấy bạn bè hạnh phúc, cảm giác ghen tị, bực bội xuất hiện còn trước cả cảm xúc vui mừng cho bạn. Tôi cũng không thích khuôn mặt đầy mụn này, tôi còn rất tự ti về những vấn đề như học vấn, nghề nghiệp, thu nhập... Nói chung là có cảm giác tự ti về mọi mặt".
Triết gia: "Tôi hiểu rồi. Nhân tiện tôi xin nói luôn, Adler được cho là người đầu tiên sử dụng từ 'cảm giác tự ti' với ý nghĩa như hiện nay".
Chàng thanh niên: "Ồ, tôi không hề biết đấy".
Triết gia: "Trong tiếng Đức của Adler, ông dùng từ 'Minderwertigkeitsgefühl'. Có nghĩa là cảm giác về giá trị thua kém. Nghĩa là, 'tự ti' là một từ liên quan tới việc đánh giá giá trị bản thân".
Chàng thanh niên: "Đánh giá giá trị?".
Triết gia: "Là cảm giác mình không có giá trị, hoặc giá trị của mình chỉ chừng này thôi".
Chàng thanh niên: "Vâng, nếu là cảm giác đó thì tôi hiểu rõ lắm. Tôi đúng là như vậy mà. Ngày nào tôi cũng trách mình: có lẽ mày còn chẳng có cả giá trị để sống nữa".
"Tự ti" là một từ liên quan tới việc đánh giá giá trị bản thân. Ảnh: martech. |
Triết gia: "Vậy hãy nói về cảm giác tự ti của tôi. Khi mới gặp tôi, cậu có ấn tượng gì? Ý tôi hỏi về đặc trưng hình thể ấy".
Chàng thanh niên: "Dạ, thì...".
Triết gia: "Cậu không phải ngại đâu. Cứ nói thẳng ra".
Chàng thanh niên: "Vâng, tôi nghĩ thầy nhỏ người hơn mình hình dung".
Triết gia: "Cảm ơn cậu. Tôi cao 1m55. Nghe nói Adler cũng cao chừng đó. Và cho đến tận khi bằng tuổi cậu, tôi vẫn buồn phiền về chiều cao của mình. Nếu mà mình cao bằng người khác, nếu mình cao thêm 20cm, không, chỉ cần 10cm thôi thì hẳn là sẽ khác. Có khi đã có một cuộc đời vui vẻ hơn mở ra cho mình. Tôi nghĩ thế, nhưng rồi một lần tâm sự với bạn, cậu ấy liền gạt phẳng đi: 'Vớ vẩn!'".
Chàng thanh niên: "...Thô lỗ quá! Sao lại có người như thế!".
Triết gia: "Rồi cậu ấy nói tiếp thế này. 'Cậu cao lớn hơn làm gì chứ? Cậu có khả năng khiến mọi người cảm thấy thoải mái mà'. Đúng là những người đàn ông cao lớn, mạnh mẽ thường sẽ áp đảo đối phương, ngược lại, người nhỏ bé như tôi lại khiến đối phương buông lỏng cảnh giác. Chí lý, cậu ấy đã khiến tôi nghĩ rằng, nhỏ người như mình thế mà lại tốt cho cả mình và những người xung quanh. Đây là sự chuyển đổi giá trị. Bây giờ tôi không còn buồn phiền về chiều cao của mình nữa".
Chàng thanh niên: "Ừm, nhưng đó là...".
Triết gia: "Cậu hãy nghe tôi nói hết đã. Điều quan trọng ở đây là, chiều cao 1m55 của tôi không có gì là 'thua kém'".
Chàng thanh niên: "Không có gì là thua kém?".
Triết gia: "Thật thế, nó không thiếu hụt hay kém cỏi so với bất cứ thứ gì. Chiều cao 1m55 chỉ là một con số đo lường khách quan, Ở mức thấp hơn số đo trung bình mà thôi. Thoạt trông có lẽ sẽ nghĩ là thua kém đấy. Nhưng vấn đề là tôi nhìn nhận chiều cao ấy thế nào, tôi gán giá trị gì cho nó".
Chàng thanh niên: "Thầy nói vậy là sao?".
Triết gia: "Điều tôi cảm thấy từ chiều cao của mình, xét cho cùng chỉ là sự so sánh với người khác, nghĩa là cảm giác rằng mình thua kém mang tính chủ quan ấy lại nảy sinh từ mối quan hệ giữa người với người. Vì nếu không tồn tại những người khác để so sánh, chắc chắn tôi thậm chí còn không nghĩ là mình thấp. Hiện giờ hẳn cậu cũng đang khổ sở cảm thấy thua kém nhiều mặt. Nhưng hãy hiểu rằng đó không phải sự thua kém mang tính khách quan mà là sự thua kém mang tính chủ quan. Thậm chí cả vấn đề chiều cao cũng có thể quy về tính chủ quan kia mà".
Chàng thanh niên: "Nghĩa là nỗi tự ti làm chúng ta khổ sở không phải là 'sự thật khách quan' mà là 'sự suy diễn mang tính chủ quan'?".
Triết gia: "Đúng vậy. Câu nói của người bạn: 'Cậu có khả năng khiến mọi người cảm thấy thoải mái' đã khiến tôi nhận ra một điều. Xét trên khía cạnh 'khiến mọi người cảm thấy thoải mái' hay 'không làm người khác thấy quá áp lực' thì chiều cao của tôi lại có thể là ưu điểm. Tất nhiên, đây là một cách giải thích mang tính chủ quan. Thậm chí còn có thể nói là một ngộ nhận tùy tiện. Nhưng, chủ quan có một điểm tốt. Đó là có thể tự mình lựa chọn. Coi chiều cao của bản thân là ưu điểm hay nhược điểm hoàn toàn do bản thân quyết định".
Chàng thanh niên: "Là quan điểm lựa chọn lại lối sống mới mà thầy nói hôm trước phải không?".
Triết gia: "Đúng vậy. Chúng ta không thể tác động đến sự thật khách quan. Nhưng có thể tác động tùy ý đến những suy nghĩ chủ quan. Và chúng ta thì sống trong thế giới mang tính chủ quan. Điều này tôi đã nói lúc đầu rồi nhỉ?".
Chàng thanh niên: Vâng. "Là nước giếng 18 độ C ạ".
Triết gia: "Hãy nhớ lại ý nghĩa của từ 'cảm giác tự ti' trong tiếng Đức. Lúc nãy tôi đã nói, trong tiếng Đức, 'cảm giác tự ti' là một từ liên quan đến việc đánh giá giá trị của bản thân. Vậy, giá trị đó là bao nhiêu? Chẳng hạn, kim cương được mua vào bán ra với giá đắt. Hoặc đồng tiền của mỗi quốc gia. Chúng ta gán cho chúng một giá trị nào đó, rồi nói 1 cara bao nhiêu tiền, hay giá cả thế nào đó. Nhưng nếu thay đổi cách nhìn thì kim cương chẳng qua chỉ là một viên đá mà thôi".
Chàng thanh niên: "Thì về mặt lý thuyết là vậy".
Triết gia: "Cũng có nghĩa, giá trị là thứ được hình thành trong một bối cảnh xã hội cụ thể. Cho dù giá trị của tờ 1 đôla đã trở thành thường thức thì đấy cũng không phải là giá trị khách quan. Nếu nhìn nhận như một sản phẩm in ấn thì giá gốc của nó không đến 1 đôla. Nếu trên thế giới này không tồn tại ai khác ngoài tôi, thì có lẽ tôi đã lấy tờ 1 đôla đốt lò sưởi hoặc dùng làm giấy vệ sinh rồi. Với cùng cách lý luận như vậy, dĩ nhiên tôi sẽ chẳng buồn phiền về chiều cao của mình nữa".
Chàng thanh niên: "...Nếu trên thế giới này không tồn tại ai khác ngoài tôi?".
Triết gia: "Đúng vậy. Nghĩa là vấn đề giá trị cuối cùng cũng được quy về mối quan hệ giữa người với người".
Chàng thanh niên: "Đây là chỗ liên hệ đến câu 'mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người', phải không?".
Triết gia: "Chính xác!".