Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

'Thấy cái xe đó chứ? Tôi cá tài xế là nữ'

Nam hành khách trên xe nói vậy với tôi khi thấy ôtô trước mặt rẽ trái mà xi nhan phải. Chúng tôi vượt lên nhìn thì quả nhiên tài xế là nữ. Những chuyện như vậy lặp đi lặp lại.

Nam hành khách trên xe nói vậy với tôi khi thấy ôtô trước mặt rẽ trái mà xi nhan phải. Chúng tôi vượt lên nhìn thì quả nhiên tài xế là nữ. Những chuyện như vậy lặp đi lặp lại.

Đó là chia sẻ của một tài xế gần 10 năm lái taxi. Anh cho rằng phụ nữ lái xe dở không phải định kiến mà là một thực tế đúng đang tồn tại.

Zing ghi nhận lại câu chuyện của 5 người phụ nữ và đàn ông về những chia sẻ với tư cách một người cầm lái. Đàn ông thật sự nghĩ gì về sự an toàn khi phụ nữ lái xe và những người phụ nữ đang sống thế nào với những định kiến mà xã hội quàng lên mình?

Tôi 57 tuổi, lẽ ra được nghỉ hưu rồi những vẫn đi làm xe ôm. Tôi lái xe từ năm 1996, sau khi ông nhà tôi mất, đến nay đã 24 năm. Trước, ông ấy làm lơ xe nuôi hai mẹ con nhưng sau đấy rượu bia nhiều quá nên bệnh chết sớm. Tôi một thân một mình nuôi con trai 4 tuổi.

Vừa chăm con nhỏ, vừa kiếm ăn thì làm xe ôm là tiện nhất. Mình chủ động đưa đón con đi học, lo cơm nước, rảnh thì đi mần ăn. Ngày ấy, nữ xe ôm là mới mẻ lắm, có người gọi lại thấy là phụ nữ lái thì không chịu đi nữa, nhưng cũng có người thấy lạ nên đi rồi thành khách quen.

Lái mấy chục năm, mình cũng biết chọn đi, ở thế nào cho an toàn. Tôi bắt đầu lái từ 3h sáng đến 11-12h thì nghỉ. 3h sáng thì mình ra Bến xe miền Đông chờ bà con từ Gia Lai, Kon Tum…vào đây khám bệnh, chở họ ra viện. Trưa chiều tôi nghỉ vì nóng lắm, lái mệt hoặc mưa ngập, lái cũng không nổi. Tầm tối tối thì sợ nguy hiểm.

Khách của tôi hầu hết là nữ, nhất là mấy bà già tuổi trạc mình, với nhiều khách quen. Họ thích mình chở vì chạy chậm chậm, an toàn. Khách vãng lai rất ít khách nam mà mình cũng sợ chở đàn ông. Nhỡ nó giở trò bạo lực, mình chống đỡ không nổi.

Phụ nữ lái xe thì thế nào hả? Tôi ít khi nào đi quá 40 km/h lắm. Nói thật, tôi cũng không có bằng lái, ngày ấy lên xe là chạy tới giờ thôi. Mình biết mấy cái cơ bản như rẽ thì xi nhan, đèn đỏ thì dừng đúng vạch, đi đúng làn, còn đâu cứ đi giống người ta là được, cũng chẳng để ý biển báo vì nhiều cái xem không hiểu.

Tôi chả va quẹt mấy đâu vì mình chạy chậm mà. Sự cố dù có cũng nhỏ thôi, mà họ thường bỏ qua, chắc thấy mình có tuổi rồi cũng nể. Chạy cái xe Honda cà tàng ông già để lại hơn 20 năm, đến năm trước tôi mới mua một chiếc Honda Wave. Cái xe 24 triệu, xấp xỉ số năm mình làm xe ôm, mỗi năm để ra được 1 triệu, dành dụm 1/3 cuộc đời mới được cái xe.

Nhiều người bảo tôi già rồi sao không nghỉ đi, đã là phụ nữ, còn cao tuổi, lái xe làm gì cho khổ. Là đàn ông hay phụ nữ, ai mà chẳng phải mưu sinh. Nhà mình nghèo, chỉ có 1 con trai đang làm công nhân xưởng gỗ, ở rể nhà vợ. Hai vợ chồng nó khó khăn, nuôi con không nổi, chỉ dám đẻ một đứa thì sao nuôi nổi mình. Mình tự nuôi mình thôi.

Nữ, 57 tuổi, đã làm xe ôm 24 năm.

dinh kien voi phu nu trong giao thong anh 1

“Thấy cái xe đó chứ? Tôi cá tài xế là nữ”, nam hành khách trên xe nói với tôi khi thấy ôtô trước mặt rẽ trái mà xi nhan bên phải. Chúng tôi vượt lên nhìn thì quả nhiên tài xế là nữ. Những chuyện như vậy lặp đi lặp lại, thành ra ấn tượng với mình. Tất nhiên cũng có những phụ nữ lái được, tôi từng thấy phụ nữ làm tài xế taxi, nhìn là biết lái tốt, nhưng số ấy ít gặp lắm.

9 năm lái taxi, tôi va quẹt không biết bao nhiêu lần mà kể. Nhiều nhất là bị xe Honda tạt đầu, đa số là nữ lái xe. Không phải tôi định kiến đâu mà đó là thực tế. Phụ nữ, họ không học luật hay sao ấy.

Đi đường gặp ôtô rẽ không xi nhan, đi sai làn, chuyển làn đột ngột, đậu xe sai vị trí…thì y như rằng là nữ tài xế. Hay mấy cô đi xe Honda Lead to đùng, hay chen chúc vào những chỗ rất trái khoáy, hoặc là đỗ xe choán hết cả một phần đường nhỏ rồi bỏ vào mua đồ, làm kẹt cứng cả con phố giờ cao điểm.

Tôi nhớ nhất một pha “kinh điển”. Có lần dừng đèn đỏ, đèn chuyển xanh rồi vẫn không thấy ôtô đậu trước mặt di chuyển. Bấm còi cũng không động tĩnh gì trong khi mấy làn xung quanh mọi người đi ầm ầm. Mình tưởng có tai nạn nên ra xem có chuyện gì.

Đi lên thấy cô gái khá trẻ, chắc chưa tới 30, đang mở gương đánh son. Mình gõ cửa nhắc nhở thì cô ấy nói: “Em dừng xe sát lề đường rồi mà. Em chỉ dừng một tí thôi, em đang gấp quá”. “Lề đường” của em này phải cách vỉa hè cả mét, hơn nữa lại là chỗ cấm đậu xe. Vừa giận vừa buồn cười, tôi nhắc nhở thôi. Nặng lời với phụ nữ làm gì.

Nam, 53 tuổi, đã lái taxi 9 năm.

dinh kien voi phu nu trong giao thong anh 2

Tôi đi Lead cả chục năm rồi, lâu đến mức cũng không đếm nữa, tôi tự gọi mình là “Ninja Lead” kỳ cựu. Cách đây 3 năm, tôi mua xe mới cũng vẫn chọn Lead. Nó thực sự giúp cuộc sống của tôi gọn nhẹ hơn rất nhiều. Tôi thấy ở thành phố thì đi Lead còn tiện hơn cả đi xe hơi.

Trong cốp tôi bây giờ luôn có: Áo mưa, dù, giày đi mưa, áo chống nắng, váy chống nắng, bao tay, khẩu trang, kính mát và 2 nón bảo hiểm. Toàn đồ để đối phó với các kiểu thời tiết. Khi đi làm, tôi còn để được cả hộp đồ ăn trưa, túi xách và đồ đi tập yoga để lúc rảnh có thể tranh thủ đi tập, không phải về nhà lấy đồ. Để được hết đồ vào cốp, mình cũng đỡ lo bị cướp giật.

Mẹ nào có con nhỏ mới hiểu giá trị của xe Lead. Đưa con ra ngoài là phải mang theo rất nhiều đồ như quần áo, bỉm, sữa, khăn ướt, giấy khô, xịt muỗi, đồ chơi nhỏ…và cả xe đẩy nữa. Để hết túi đồ vào cốp, địu con sau lưng và để xe đẩy ở gầm trước, một mình tôi cũng có thể đưa con đi chơi mà không cần nhờ đến chồng.

Con lớn hơn chút, đi mẫu giáo thì mình làm thêm ghế ngồi xe máy ở trước gầm xe để đưa con đi học, sau lưng vẫn đeo được balo/túi xách để sau đó đi làm. Hay lúc đi chợ cũng mua được rất nhiều đồ mà không mất công chằng chằng buộc buộc, chỉ cần khéo thu xếp một chút.

Xem mấy clip trên mạng, thấy có người rẽ trái xi nhan phải, lấn làn đột ngột…tôi cũng phải tự nghĩ lại xem mình có đi thế không. Tôi vốn nhớ đường rất kém, có con lại càng dở tệ. Nhiều lúc đi đến ngã tư không biết quẹo bên nào, vừa đi chậm chậm vừa nhìn tên đường để đi cho đúng. Hay chuyện đầu nghĩ rẽ trái mà tay lái rẽ phải thì rất hay xảy ra.

Người ta gọi mấy người đi xe Lead là “hung thần xa lộ”, “wonder woman” này kia, tôi cũng biết nhưng không quan tâm. Tôi nghĩ những người đó hẳn không phải phụ nữ, cũng không có con nhỏ, nên họ chẳng hiểu trên chiếc xe Lead cồng kềnh đang gồng gánh những gì. Nói cho cùng, dư luận chỉ là một cộng đồng vô hình, họ đâu thể giúp tôi chống đỡ những gánh nặng cuộc sống như chiếc xe.

Nữ, 38 tuổi, nhân viên văn phòng, đã lái xe Lead hơn 10 năm.

dinh kien voi phu nu trong giao thong anh 3

Tôi biết nhiều phụ nữ lái xe rất giỏi, có người gần 60 tuổi vẫn lái xe khách đường dài 30 chỗ, có người còn lái xe bồn Bắc - Nam. Ở trường dạy lái xe của tôi cũng có cả nữ giáo viên dạy lái xe tải. Không phải cứ phụ nữ là lái xe dở, nhưng người ta định kiến cũng có lý do.

7 năm lái xe hơi, tôi nhận ra đàn ông thường mắc lỗi quá tự tin, kiểu như xỉn rồi nhưng vẫn khăng khăng “không sao, anh lái được”. Còn lỗi của phụ nữ là quá cẩn thận, làm gì cũng rụt rè nên lái xe nhiều khi không dứt khoát, xử lý tình huống chậm. Phụ nữ cũng thường ít để ý biển báo, thậm chí không hiểu ý nghĩa của nhiều loại biển nên lái xe hay lỗi là chuyện đương nhiên.

Lái xe là kỹ năng, lái nhiều thành quen, còn lâu lâu mới động tới thì phạm lỗi là chuyện bình thường. Có thể do định kiến, tôi thấy nữ ít khi được cầm lái mà thường do chồng lái. Ví dụ có gia đình tôi quen, hai vợ chồng đều biết lái xe nhưng cứ có chồng trên xe thì nhất định không chịu để vợ lái, chê phụ nữ lái xe không cẩn thận.

Nhưng tôi thấy bây giờ thay đổi nhiều rồi. Trước kia, tôi đi học lái xe có 7 người thì chỉ 2 nữ. Bây giờ, một lớp lái xe 7 học viên thì chỉ có 2 nam. Có thể do Luật phòng chống tác hại rượu, bia nên giờ các ông chồng cổ động vợ đi học lái xe nhiều hơn.

Nữ, 35 tuổi, kế toán kiêm giáo viên đào tạo lái ôtô, kinh nghiệm 7 năm lái ôtô.

dinh kien voi phu nu trong giao thong anh 4

Phụ nữ lái xe hơi có nhược điểm là tâm lý yếu, tự ti, hay hồi hộp nên xử lý tình huống kém, thấy chướng ngại vật ở rất xa đã luống cuống, phanh gấp. Nhưng khi rèn luyện nhiều, bình tĩnh rồi thì phụ nữ lái xe tốt hơn các ông nhiều. Họ cẩn thận xử lý hết tình huống chứ không ẩu và chủ quan như cánh đàn ông, cũng hạn chế uống rượu, bia hơn.

Lái xe là nghề đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm, “trăm hay không bằng tay quen”, không phải việc đòi hỏi sức lực nên khỏe hơn cũng không giúp ích gì. Quan trọng là người lái xe xử lý tình huống tốt, khéo léo.

Tôi lấy ví dụ nhiều người bảo đạp nhầm chân phanh và chân ga là lỗi điển hình của phụ nữ. Hơn 20 năm đào tạo lái xe, tôi thấy không đúng. Nam học viên cũng mắc lỗi này rất nhiều chứ không chỉ nữ.

Đạp phanh và ga quan trọng là ở cảm giác của người lái. Lái nhiều sẽ có cảm giác chân. Giống như người gõ máy tính, bàn phím có rất nhiều phím nhưng họ không nhìn từng phím vẫn gõ đúng bởi gõ nhiều nên có cảm giác tay, biết chữ nào nằm ở đâu. Vậy mà có ai nói đàn ông đánh máy giỏi hơn phụ nữ, hay ngược lại đâu?

Lái xe giỏi ăn nhau ở số giờ chạy, giống như phi công giỏi hơn nhau ở số giờ bay. Nếu cứ nghĩ phụ nữ lái xe kém, rồi hạn chế cho phụ nữ lái thì đến khi được cầm vô lăng, người ta đương nhiên lái dở đúng như định kiến của các ông thôi.

Nam, 53 tuổi, hơn 20 năm đào tạo lái ôtô.

'Bán xăng cho phụ nữ là tội ác' - định kiến sai lầm

Phản bác câu nói "bán xăng cho phụ nữ là tội ác", ông Khuất Việt Hùng cho biết nam giới chiếm tới 81% thống kê giới tính liên quan TNGT. Tỷ lệ này duy trì ổn định nhiều năm qua.

Thu Hằng

Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm