Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy bơi miệt vườn

Trong khi học sinh đang chuẩn bị nghỉ hè thì thầy Lê Trung Sứng lại tất bật với công việc quen thuộc suốt hơn 20 năm nay: Bơi thử, dò đường để sẵn sàng cho khóa học bơi miễn phí.

Hai năm trước, thầy Lê Trung Sứng là một trong 3 nhà giáo trên cả nước được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư thăm hỏi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11. Không chỉ chăm lo dạy bơi cho học sinh, thầy Sứng còn được coi là HLV phong trào rất có uy tín ở Cần Thơ. Bất cứ hội thảo nào liên quan đến bơi lội, đuối nước tổ chức ở ĐBSCL cũng luôn có ông hiện diện.

Hơn 20 năm dạy miễn phí

Năm nay đã 57 tuổi nhưng thầy Lê Trung Sứng vẫn rất vạm vỡ, rắn rỏi, cơ bắp như sóng nổi, da dẻ hồng hào. Đặt biệt, đôi mắt ông cực kỳ tinh anh nhưng rất hiền hòa.

Mới đây, tôi có dịp trò chuyện cùng "thầy bơi miệt vườn" - cách gọi trìu mến của người dân địa phương. Trong khi học sinh đang chuẩn bị nghỉ hè thì ông lại tất bật với công việc quen thuộc suốt hơn 20 năm nay: Bơi thử, dò đường để sẵn sàng cho khóa học bơi miễn phí mới vào tháng 9 tới, song song với học văn hóa tại 2 ngôi trường tiểu học Long Hòa 1 và Long Hòa 3 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

Thay day boi mien phi anh 1
Thầy Lê Trung Sứng trong một buổi dạy trẻ tập bơi.

"Việc bơi thử, dò đường trước là cực kỳ quan trọng bởi dòng chảy dưới sông thay đổi liên tục, mình cần phải biết để tuyệt đối tránh nguy cơ đuối nước cho học trò" - thầy Sứng giải thích. Hơn 20 năm nay, ông thuộc nằm lòng từng vị trí, từng dòng chảy trên con sông đoạn qua phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Cũng ngần ấy năm, 2 ngôi trường tiểu học Long Hòa 1 và Long Hòa 3, nơi thầy Sứng dạy văn hóa cạnh con sông rộng hơn 40 m, chưa từng xảy ra vụ đuối nước nào.

Với những khóa dạy bơi miễn phí của thầy Sứng, hàng nghìn học trò nghèo đã bơi lội thuần thục. Các em bơi tốt cũng nhờ thời gian luyện tập kéo dài - khai giảng khóa mới vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 5 năm sau như học chính khóa, đều đặn tuần 3 buổi, mỗi buổi hơn 1 giờ và học rất nghiêm túc. "Thời gian biểu tập bơi không cố định, có thể từ 6 giờ 30 phút buổi sáng hoặc sau khi tan học buổi chiều vì phải đợi con nước lớn để dòng sông sạch hơn", ông cho biết.

Tôi từng nhiều lần được mục kích các buổi dạy bơi của thầy Sứng. Trước khi xuống nước, học sinh bắt buộc phải khởi động xương khớp thật kỹ trên bờ cùng thầy khoảng 15 phút. Khi xuống nước, em nào bơi thạo hơn thì ra vòng ngoài gần giữa sông - được giăng một sợi dây làm giới hạn, em nào chưa thạo thì ở gần bờ. Chú bảo vệ Lê Văn Tỏi và các cô nhân viên tạp vụ của Trường Tiểu học Long Hòa 3 cũng được huy động để canh chừng học sinh và ghe xuồng.

Chiếc can nhựa rỗng lớn, vặn chặt nắp được thầy Sứng cột dây dài cầm tay, để trôi dọc theo đường bơi của học trò. Em nào chới với, đuối sức, chiếc can nhựa sẽ lập tức được ông "điều" ngay tới gần để bám lấy.

Thầy Sứng thì luôn đi như chạy dọc bờ sông, mặt đỏ như gấc, liên tục hò hét học trò chỉnh sửa kỹ thuật bơi. Có chất giọng trời cho dõng dạc nhưng nhiều hôm, giọng ông khản đặc. Tuy lớn tiếng la hét nhưng ông chỉ nhắc nhở cách bơi, ngợi khen, khích lệ..., tuyệt nhiên không một lời nặng nề, mắng mỏ hay chê bai học trò.

"Thỉnh thoảng, thầy Sứng lại tổ chức những cuộc thi mini rồi mang kẹo, bánh đến thưởng cho những học sinh bơi tốt. Vì thế, em nào học bơi cũng hăng hái. Một số người dân sống gần sông rảnh rỗi cũng ra phụ cảnh giới ghe xuồng cho các em học bơi", chú Tỏi cho biết.

Tuyệt đối an toàn

Theo thầy Bùi Quang Thân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Hòa 3, suốt hơn 20 năm qua, đầu vào của mỗi khóa bơi khoảng 30 học sinh thì đầu ra bao giờ cũng đúng 30 em đó, không ai bỏ dở. Sau 1 năm học tập, rèn luyện, em nào cũng bơi thạo.

"Ở vùng sông nước này, ai chỉ mới biết bơi nhờ vài khóa học mấy tháng ở ngoài thì chưa nhằm nhò gì cả đâu, mà cần luyện tập, bơi thạo mới tránh được cảnh đuối nước thương tâm vẫn thường xảy ra. Tôi đặc biệt vui mừng là hơn 20 năm nay, các em học bơi với thầy Sứng tuyệt đối an toàn. Chẳng những nhà trường mà gia đình học sinh cũng rất vững dạ", thầy Thân bày tỏ.

Bà Thắm, nhà ở cạnh Trường Tiểu học Long Hòa 3, cho biết gần 20 năm trước, bà và vài người có con theo học bơi với thầy Sứng cảm thấy bất an, bèn rủ nhau ra sông canh chừng. "Thế nhưng, chỉ sau 2 buổi đầu tiên, chúng tôi hoàn toàn yên tâm, kéo nhau về làm việc nhà, trông coi vườn tược...", bà nhớ lại.

Ông Võ Văn Năm, ở phường Long Hòa, hồ hởi: "Tui từng rất khổ tâm với thằng con trai. Nó học chi cũng giỏi, chỉ tội cứ xuống nước là chìm nghỉm dù tui đã mất tiền triệu với 2 khóa học bơi. Xứ này sông rạch chằng chịt, hở ra là đuối nước... Một ngày, thằng con đang học lớp 3 về khoe bơi được rồi. Tui không tin, dắt nó ra sông bơi thử. Nó bơi băng băng khiến tui mừng khôn xiết. Tất cả là nhờ công ơn của thầy Sứng".

Không chỉ ông Năm hay bà Thắm, hàng nghìn phụ huynh ở quận Bình Thủy cũng từng hưởng niềm vui khi con mình bơi lội thành thạo nhờ lớp dạy miễn phí của thầy Sứng suốt hơn 20 năm qua. Người dân sống ven sông khẳng định họ có thể bắt gặp thầy Sứng bất cứ lúc nào trên sông. Buổi sáng sớm, thầy đi xem xét chỗ nào nước chảy mạnh, chỗ nào yếu, có dòng xoáy... Buổi chiều muộn, thầy ra xem lúc nào dòng nước sạch nhất... Có khi ông nhảy xuống bơi kiểm tra, bất kể lúc trời mưa gió hay nước sông cuồn cuộn chảy.

Nhiều HLV bơi lội ở Cần Thơ cũng thường xuyên tìm đến thầy bơi miệt vườn "thỉnh giáo", nhất là khi gặp khó và thầy Sứng luôn trao đổi tận tình. Ít ai biết rằng thầy Sứng dạy trái nghề: tốt nghiệp trung học sư phạm rồi chuyển sang dạy thể dục do trường thiếu giáo viên thể dục theo sự phân công của hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Hòa 3 cho đến nay.

Ba năm qua, thầy Sứng chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Long Hòa 1 nhưng vẫn giữ CLB bơi lội của mình, chỉ chuyển sang tập ở khu vực bờ kè chùa Long Quang, đoạn sông rộng khoảng 30 m. Nhiều học sinh học bơi với thầy ở Trường Tiểu học Long Hòa 3 cũng theo về Trường Tiểu học Long Hòa 1 học tiếp.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Sứng luôn day dứt: "Tại sao ở vùng sông nước ĐBSCL kênh rạch, sông ngòi chằng chịt mà trẻ em ngày càng ít biết bơi, ngày càng xảy ra nhiều cảnh đuối nước thương tâm?". Thầy nhắc lại lời người cha của mình: "Ở ĐBSCL, trẻ con biết đi thì phải biết bơi". Ý tưởng thành lập CLB bơi lội miễn phí ở Trường Tiểu học Long Hòa 3 rồi Long Hòa 1 của thầy Sứng và theo đuổi đến nay cũng là từ câu nói ấy của người cha.

"Còn 3 năm nữa tôi về hưu. Nhưng nghỉ thì nghỉ, nếu tôi còn đi được thì đám nhỏ sẽ còn được dạy bơi thành thạo. Về hưu, tôi càng có thời gian mở rộng, chăm lo cho CLB bơi lội của mình", thầy Sứng khẳng định. 

Nhiều học trò thành danh

Dù chỉ là "nghề tay trái" nhưng thầy Lê Trung Sứng từng có học trò là kỷ lục gia bơi lội Việt Nam - VĐV Ngô Minh Nhanh với cự ly 200 và 400 m. VĐV Ngô Minh Nhanh giờ đã trở thành một HLV bơi lội nhiều tiềm năng của đất Tây Đô. Anh hồi tưởng: "Thầy Sứng đã cho tôi nền móng đầu tiên vững chắc để vươn tới đỉnh cao. Những bài học kỹ thuật ban đầu, nhất là tinh thần thi đấu hết mình, bằng tất cả đam mê mà thầy truyền dạy, luôn theo suốt tôi đến tận bây giờ, để tôi truyền lại cho các thế hệ sau".

Nhiều học trò khác của thầy Sứng cũng là VĐV tiếng tăm trong làng bơi Việt Nam như: Nguyễn Văn Nhân (từng đoạt 2 HCV giải Trẻ Đông Nam Á), Nguyễn Thị Thanh Tâm, Đinh Thị Cẩm Giếng, Lâm Văn Tùng, Trương Thanh Kiều, Nguyễn Thị Thanh Phúc… từng gây ấn tượng tốt ở các giải vô địch quốc gia.

Chàng trai sửa giày miễn phí cho người nghèo ở Sài Gòn

Hàng ngày, Cường vẫn cứ cặm cụi đánh giày, sửa giày, dán đế… bên cạnh tấm bảng "Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị".

 

 

 

 


http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thay-boi-miet-vuon-20170513215747694.htm

Theo Trần Đình Phượng/Người lao động

Bạn có thể quan tâm