Cuốn sách của nàng thơ là góc nhìn của tác giả Nicky Khánh Ngọc về đời sống của người phụ nữ thành thị với các lát cắt khác nhau: Tình yêu, đời sống, làm đẹp, thời trang... Được sự đồng ý của Phục Hưng Books, Zing xin trích đăng một phần nội dung sách.
Những ai đang trải qua đổ vỡ hẳn sẽ nghĩ tôi không biết gì về nỗi đau nên mới nói vậy. Thất tình là một liều thuốc đắng ai cũng phải ít nhất một lần bị ép uống. Tôi cũng đã có những đêm nằm lăn dưới sàn nhà khóc lóc, những sớm mai thức dậy nhớ tha thiết một cái tên, không hiểu đoạn đường phía trước thiếu nhau sẽ sống thế nào.
Có những khi nỗi nhớ biến thành sự hoang tưởng: Chúng ta vẫn bên nhau, người vẫn còn đó không hề rời xa, bao đẹp đẽ đã qua ngày hôm nay có thể gõ cửa quay về.
Thất tình cũng có sức mạnh biến những người hiền lành nhẫn nhịn nhất thành một tảng băng im lìm hay bộc phát vũ lực. Đêm trường trầm cảm, nghi ngại bản thân, trượt dài tăm tối - mọi thứ đều có thể xảy ra khi phát hiện trái tim và niềm tin đang tan ra từng mảnh.
Sau những con đau dài mê man đó, tôi rút ra một điều: Cốt lõi của tình yêu không phải là người đó mà là chính tôi. Mục đích cuối cùng không phải là ở bên nhau dù thế nào mà là bản thân tôi trong hành trình yêu đó có trở nên một người bình yên hơn hay không.
CEO Phục Hưng Books Thái Minh Châu và Cuốn sách của nàng thơ. Ảnh: NVCC. |
Điều này nghe có vẻ đi ngược với bản chất tình yêu: Yêu là cho đi, trao tặng, là bỏ qua cái Tôi, không phải sao? Bắt đầu tình yêu dạy cho tôi cách cho đi, nhưng kết thúc tình yêu dạy cho tôi cách quay về.
Đúng là phải "hi sinh hết mình cho tình yêu". Nhưng là cả 2 người đều phải "hi sinh hết mình" chứ không phải chỉ riêng một người ngồi xây lâu đài cát dù bao con sóng cứ từng đợt từng đợt cuốn mãi tất cả đi xa bờ.
Sớm mai thức giấc, đêm về lặng câm, những chuyến bay xuyên qua màn đêm, chuyến tàu nào băng qua phố lạ, rốt cuộc cũng chỉ có một người thực sự còn bên tôi đó là chính tôi.
Không có ai chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình ngoài chính mình. Nói ra thì tàn nhẫn nhưng quả thật, bạn không thể đem nhu cầu được yêu thương, được che chở, chiều chuộng, được thấy an toàn, được có đôi của bản thân đặt lên vai một người khác.
Gánh nặng quá lớn không ai chịu nổi, hoặc chịu được ít lâu rồi cũng bùng nổ. Chừng nào bên trong bạn không tròn đầy, bạn không thể trao đi sự tròn đầy. Bên trong bạn không có tình yêu cho chính mình thì chưa thể yêu một bản thể khác.
Tại sao đa số những cuộc tái hợp sau tan vỡ thường rơi vào vòng lẩn quẩn bế tắc cũ? Vì một trong hai người cho rằng đối phương mới là kẻ cần thay đổi, cần sửa sai, không phải mình.
Chỉ cho đến khi cả hai cùng nhận ra mình cũng là người thiếu khuyết, và chỗ khuyết đó tự mình phải vun sao cho đầy, thì hai nửa trọn vẹn lúc gặp nhau mới có thể thành một tròn trịa, ấm áp.
Tự yêu chính mình không hẳn là nhìn vào gương và tự nhủ mình có đôi lúm đồng tiền thật đẹp, đường cong thật gợi cảm, khuôn mặt thật kiều diễm, cũng không hẳn tự yêu chính mình là mua một cái đầm mới, đi làm móng tay, gội đầu.
Yêu chính mình là biết lập ra những giới hạn đúng đắn trong đời sống tình cảm. Người Nhật có câu nói rất tuyệt vời: người thông minh là người biết khoảng cách trong mọi mối quan hệ. Cho đến đâu để người nhận thấy quý?
Trao tặng đến mức nào để không biến nhau thành gánh nặng? Yêu thương bao bọc khác với cuộc sống ký sinh trùng như thế nào? Ta đang yêu nhau hay ta đang nghiện tình yêu như nghiện một loại chất cấm? Ta muốn người đạt được ước mơ, một cách đường hoàng ngay thẳng - hay ta đang làm người yếu dần đi trong tình yêu này?
Tình yêu thì không bao giờ nên gắn với chiến lược. Nhưng tình yêu có lẽ là một cuộc hành hương: một hành trình dài đòi hỏi nhiều thời gian nhiều hi vọng ấp ủ có khi chẳng nhận được đáp đền từ ai, cả mồ hôi cả của cải, với trái tim trong trẻo nhất cất bước đi trên dặm đường dài gió bụi. Đường đi xa ngái, đôi khi chẳng gặp được người nhưng lại thấy rõ chính ta.