Ảnh minh họa: themainewire.com |
Các nhà tâm lý của Bệnh viện Tâm thần thuộc Đại học Zurich tại Thụy Sĩ thực hiện một cuộc khảo sát quy mô lớn tại 63 nước trên thế giới để tìm hiểu tác động của tình trạng không có việc đối với tâm lý con người. Họ thu thập số liệu từ nhiều nguồn - bao gồm dữ liệu về tuổi thọ của Tổ chức Y tế Thế giới và các báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế - để phân tích. Nhóm nhận thấy số người tự kết liễu mạng sống vì thất nghiệp cao gấp 9 lần so với số người quyên sinh vì khủng hoảng kinh tế, RT đưa tin.
"Hàng năm, khoảng 1/5 số vụ tự sát liên quan tới thất nghiệp", Carlos Nordt, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu sau khi họ công bố kết quả khảo sát trên tạp chí The Lancet Psychiatry.
Theo thống kê của nhóm nghiên cứu, khoảng 233.000 người chết vì tự sát mỗi năm. Khoảng 45.000 người tự vẫn vì không có việc trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới 2011, trong khi chỉ 5.000 người hành động tương tự vì khủng hoảng kinh tế trong cùng thời kỳ.
Điều đáng chú ý là tỷ lệ người thất nghiệp ở một quốc gia càng thấp thì tỷ lệ người tự sát vì mất việc càng cao.
"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy số người tự tử tăng trong 6 tháng trước khi tỷ lệ thất nghiệp tăng. Chúng tôi cũng nhận thấy người dân ở những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp hay nghĩ tới cái chết hơn, nghĩa là họ cảm thấy sợ hãi và bất an hơn, so với những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao", tiến sĩ Carlos nói.
Bình luận về nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Zurich, Roger Webb và Navneet Kapur, hai nhà nghiên cứu của Đại học Manchester tại Anh, xác nhận rằng các vấn đề xã hội và tâm lý đóng vai trò quan trọng đối với số vụ tự tử.
"Ngay cả những người không thất nghiệp trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng cũng đối mặt với vô số vấn đề tâm lý và xã hội - như thu nhập giảm, nguy cơ thất nghiệp vào mọi thời điểm, công ty kinh doanh kém, nợ nần, mức sống giảm", hai nhà nghiên cứu lập luận.