Theo thống kê của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tuyến quốc lộ 1 đi qua Bình Định, người dân tự ý tháo gần 80 tấm chống lóa để lấy chỗ băng qua dải phân cách. Dù các nhà thầu liên tục kiểm tra, lắp lại cái bị mất nhưng sau đó người dân tiếp tục tháo dỡ.
Người dân tự ý tháo tấm chống lóa trên dải phân cách quốc lộ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Việc gắn tấm chống lóa trên dải phân cách là để giúp tài xế kiểm soát tầm nhìn. Ông Nguyễn Minh Khánh - Cán bộ Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lo ngại, người dân tự ý tháo tấm này để băng qua dải phân cách vừa gây nguy hiểm tính mạng vừa dễ gây thảm họa giao thông.
Trong khi đó, tuyến quốc lộ 1 đi qua huyện Hoài Nhơn có ít nhất 32 tấm chống lóa gắn trên dải phân cách bị người dân tháo dỡ. Ông Đặng Nguyễn Thành Lâm - Cán bộ Công ty Cổ phần BOT Bắc Bình Định cho hay, tình trạng người dân ở huyện Hoài Nhơn tự ý tháo tấm này rất phổ biến, chủ yếu vào ban đêm nên khó thể kiểm soát. Mỗi tấm thép mạ kẽm dài 2 m, giá gần 1 triệu đồng.
"Các phương tiện chạy trên quốc lộ từ 60 đến 80 km/h nên người dân trèo qua dải phân cách rất nguy hiểm. Xe đang đi tốc độ cao khi tránh đột ngột dễ gây tai nạn giao thông dây chuyền", ông Lâm nói.
Nhiều người dân Bình Định lý giải, khi dự án quốc lộ 1 chưa mở rộng, không có dải phân cách thì việc qua lại dễ dàng. Còn hiện tại, do những “vật cản” này nên phải đi vòng đường xa mất nhiều thời gian, trở ngại làm ăn, buôn bán. "Chúng tôi tháo dỡ tấm lưới thép là để băng qua đường cho nhanh chứ không có ý trộm cắp hay phá tài sản Nhà nước", ông Lành (ngụ huyện Phù Cát) phân trần.
Người dân băng qua đường sau khi tháo tấm chống lóa. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, sớm lắp lại tấm chống lóa trên quốc lộ 1. Tuyên truyền, theo dõi nếu phát hiện người tự ý tháo dỡ thì xử lý nghiêm khắc.
Theo Nghị định 171/2013 của Chính phủ, khi phát hiện, xác định được cá nhân (hay tổ chức) tự ý tháo dỡ, di chuyển rào chắn, dải phân cách, mốc chỉ giới..., cơ quan chức năng có thể phạt tiền 3 - 5 triệu đồng (đối với cá nhân), 6 - 10 triệu (đối với tổ chức) và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu.