Dưới góc độ chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, cho biết doanh nghiệp xây dựng cầu ở di sản Tràng An là việc không thể chấp nhận được. Vấn đề này, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và ban quản lý di sản Tràng An.
“Quan điểm của tôi là phải tháo dỡ công trình vi phạm. Nhưng để xảy ra việc đã rồi mới xử lý chắc chắn sẽ có hậu quả. Đây là bài học cho tỉnh Ninh Bình và các địa phương có di sản trên cả nước”, ông Khiển nói.
Không thể khôi phục nguyên trạng
Chia sẻ với Zing.vn, PGS Nguyễn Xuân Khiển cho rằng việc để doanh nghiệp tháo dỡ công trình khiến ông và các chuyên gia địa chất không an tâm. Nếu không cẩn trọng, di sản Tràng An sẽ bị xâm hại nặng nề hơn. Bởi, khi xây dựng, doanh nghiệp dùng máy móc bạt đá, cắm những thanh bê tông vào núi. Núi Cái Hạ được coi là khu vực điển hình Cácxtơ đá vôi (địa hình đặc biệt của vùng núi đá vôi), dễ bị tổn hại nếu tác động.
Không thể khôi phục nguyên trạng khi di sản Tràng An bị xâm hại. Ảnh: Quang Vinh. |
"Khi đã đổ bê tông lên, địa hình Cácxtơ sẽ bị xâm hại vĩnh viễn, không thể khôi phục. Không nên hy vọng khôi phục được nguyên trạng ban đầu nơi bị xâm hại", ông Khiển phân tích.
Không nên hy vọng khôi phục được nguyên trạng ban đầu nơi bị xâm hại
PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển
Theo đó, khi tháo dỡ cầu xuyên lõi sẽ trơ ra những phần đã bị xâm hại thô bạo trước đó. Rút những thanh bê tông cốt thép cắm sâu vào núi đá sẽ lộ ra những lỗ cọc, thậm chí gây nứt nẻ thêm vách đá.
"Nếu tháo dỡ công trình không có chuyên môn thì việc xâm hại di sản càng trầm trọng hơn", ông nói.
PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển cho rằng UBND tỉnh Ninh Bình cần thành lập ngay hội đồng thẩm định phương án tháo dỡ. Hội đồng bao gồm các chuyên gia về địa chất, địa mạo, di sản, kiến trúc xây dựng. Hội đồng thảo luận tháo dỡ công trình ở mức độ nào, quy trình tháo dỡ làm sao để hạn chế tổn hại ở mức thấp nhất.
“Những khối bê tông làm hoành tráng giờ họ đục đẽo, vận chuyển xuống tôi rất e rằng sẽ xâm hại thêm di sản ở phía dưới. Nhưng dù sao vẫn phải tháo dỡ để răn đe cho các doanh nghiệp khác. Không được để có chuyện phạt rồi cho công trình tồn tại”, ông Khiển nhấn mạnh.
Nếu đơn vị tháo dỡ không có đủ chuyên môn, nghiệp vụ, di sản Tràng An sẽ bị xâm hại nặng hơn. Ảnh: Quang Vinh. |
Bộ Văn hóa không thẩm định phương án tháo dỡ
Sáng 28/3, trả lời Zing.vn, ông Đinh Chung Phụng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết ngày 26/3, ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Tràng An đã cam kết phá dỡ công trình cầu xuyên lõi di sản UNESCO Tràng An bắt đầu từ 30/3. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện và các cơ quan chức năng giám sát việc tháo dỡ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và di sản.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư nói rằng dù doanh nghiệp đã cam kết nhưng huyện vẫn thành lập ban tháo dỡ. Ban tháo dỡ của huyện chủ động khi doanh nghiệp thực hiện chậm hoặc không đúng.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa, cho biết kể cả di tích, di sản cấp quốc gia, di sản thế giới, Chính phủ phân cấp về UBND tỉnh, thành phố quản lý trực tiếp.
Khi di sản Tràng An tỉnh Ninh Bình quản lý bị xâm hại, Bộ Văn hóa xuống kiểm tra, đối chiếu quy định pháp luật chỉ ra những cái sai, vấn đề bất cập và yêu cầu tỉnh khắc phục, trả lại mặt bằng, nguyên trạng cho danh thắng. Việc này Thanh tra Bộ đã thực hiện đầy đủ và có văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Bình.
Cầu xuyên lõi tại Tràng An thuộc Hoa Lư, Ninh Bình. Ảnh: Google Maps. |
Ông Phúc khẳng định việc tháo dỡ cầu xuyên lõi di sản Tràng An, tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm phê duyệt phương án. Lãnh đạo chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Địa phương triển khai chủ động, không phải báo cáo Bộ Văn hóa và Bộ không thẩm định phương án. Tuy nhiên, việc này phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, không xâm hại thêm cảnh quan di sản nữa.
“UBND tỉnh đã có phương án nhưng không thể làm một cách lấy được bởi xây dựng còn dễ, phá dỡ khó hơn. Nếu làm không cẩn thận thì nguy hiểm cho người tháo dỡ và xâm hại thêm di sản”, ông Phúc nói.
Gần đây, du khách tham quan di sản Tràng An (Hoa Lư, Ninh Bình) bất ngờ với cây cầu bê tông xuyên vùng lõi khu di sản này. Theo đó, cây cầu này bắc từ chân núi lên đỉnh núi Cái Hạ và nằm chênh vênh trên các vách đá. Chủ công trình được xác định là Công ty Cổ phần du lịch Tràng An.
Không chỉ xuyên qua di sản hỗn hợp danh thắng Tràng An, cây cầu còn xuyên qua không gian của rừng đặc dụng đã được giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường quản lý.
Cầu được xây từ tháng 8/2017 ngay ở vùng lõi Tràng An, khu di sản UNESCO.