Một thời những bộ phim xứ Đài làm mưa làm gió trên truyền hình làm thổn thức bao trái tim khán giả. Bộ phim truyền hình dài tập Đấu ngư được chiếu tại Việt Nam với tên Những ngã rẽ cuộc đời để lại ấn tượng trong lòng người xem với nhân vật nữ chính Tiểu Yến Tử (do An Dĩ Hiên đóng) có ánh mắt to tròn thánh thiện, đen láy và mái tóc đen dài buông sau vai dịu dàng, Vu Hạo (do Quách Phẩm Siêu đóng) - chàng nam sinh với sống mũi cao, ánh mắt dịu dàng và nụ cười đẹp làm xao động biết bao thiếu nữ.
Hình ảnh trong phim Đấu ngư. |
Tình bạn, tình yêu của các nhân vật trong phim cũng đẹp và đáng trân trọng như biết bao mối tình tuổi học trò khác, nhưng cảnh ngộ khác biệt cùng những lựa chọn ở bước ngoặt của cuộc đời đưa họ rẽ sang lối đi khác. Họ cho rằng lối đi mình chọn lựa là hạnh phúc đích thực, hạnh phúc mà họ tìm kiếm và mong đợi. Những ngã rẽ ấy không giống với mong mỏi sắp đặt của cha mẹ. Họ chấp nhận đương đầu với nghịch cảnh chỉ bằng tình yêu mãnh liệt dành cho nhau.
Sóng gió cuộc đời cho mỗi người một trải nghiệm, người còn, người mất, người quay về bên gia đình, người bỏ đi không rõ tung tích, nhưng đọng lại trong người xem vẫn là những khoảnh khắc trong sáng, những cử chỉ, tình nghĩa tốt đẹp mà các nhân vật dành cho nhau.
Nguyên tác của bộ phim để lại nhiều dư âm ấy là Bông cúc nhỏ - tác phẩm được nữ nhà văn Lạc Tâm viết khi cô còn ngồi trên ghế giảng đường. Nguyên tác có một số điểm khác với phim, tên nhân vật thay đổi, kết thúc của các nhân vật chính cũng có chút khác biệt với phim.
Bông cúc nhỏ - nguyên tác phim Đấu ngư. |
Nhân vật nữ chính được biết đến với tên “Bông cúc nhỏ” - biệt danh mà bạn bè đặt cho cô. Ẩn sau vẻ mong manh, trong sáng của "Bông cúc nhỏ" là sự kiên định, bất chấp với tình yêu mà cô dành cho Lý Hoa Thành (trong phim là Vu Hạo).
"Bông cúc nhỏ" đã bất chấp khoảng cách, hoàn cảnh khác biệt giữa mình và Lý Hoa Thành để yêu anh, rời bỏ vòng tay bao bọc của cha mẹ và điều kiện sống tốt của mình để dấn thân vào xã hội nhiều hiểm nguy và vô định, nơi cô tin đó là hạnh phúc, và đó là lựa chọn của một thời tuổi trẻ...
Ở câu chuyện của họ, mỗi người trong chúng ta cũng như tìm được hồi ức thanh xuân của chính mình, có dại khờ, có tin yêu, có hy vọng, có bồng bột, có hối hận và cả những “giá như”…
Khi nhìn lại những hồi ức đã qua, cả “Bông cúc nhỏ” và mỗi chúng ta có thể sẽ nói rằng “nếu được chọn lựa lại, tôi sẽ làm điều này, tôi sẽ không làm điều kia”.
Khi là người trong cuộc, bạn chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp và hy vọng ở sự lựa chọn ấy, bạn đâu lường trước sự dấn thân đó sẽ đem tới mất mát, đánh đổi. Những nỗi đau hay vết sẹo để lại chính là trải nghiệm để chúng ta có dũng khí hơn, trưởng thành hơn, sống tốt hơn khi nhìn lại.
Bông cúc nhỏ là một bản tình ca buồn, nhưng trong đó, người đọc có thể cảm nhận được nhiều điều tốt đẹp, đó là tình bạn, tình anh em, tình người, tình cảm gia đình không gì thay đổi được.
Bài học lớn nhất từ tác phẩm Bông cúc nhỏ là tầm quan trọng của gia đình với mỗi bạn trẻ khi họ đứng trước cánh cửa cuộc đời, khi họ muốn mình được tự quyết định lối đi của mình thì cha mẹ là người bạn, người chia sẻ và tư vấn quan trọng với họ.
Sách Bông cúc nhỏ. |
Bông cúc nhỏ thức tỉnh những người làm cha làm mẹ cần biết quan tâm và thấu hiểu con cái của mình hơn, để trở thành những người bạn của con chứ không phải áp đặt với con. Khi con trẻ đứng trước sự thay đổi về tâm sinh lý, cha mẹ hãy là người tư vấn, gần gũi, chia sẻ với con để những người trẻ đưa ra được lựa chọn đúng đắn nhất cho tương lai của họ.
Trên tất cả, Bông cúc nhỏ ca ngợi tình cảm gia đình và khiến chúng ta hiểu được một điều giản dị mà thiêng liêng rằng dù thế nào thì “nhà” vẫn là nơi ấm áp, đầy yêu thương để những người con lỡ bước quay về những khi yếu lòng hay đau khổ nhất.
Đó chính là hy vọng, là ánh sáng để mỗi người chúng ta tin vào ngày mai, để chúng ta mạnh mẽ cất quá khứ vào một góc của kí ức, sống tin tưởng hơn, tốt đẹp hơn ở hôm nay.