Ban Thường vụ Thành ủy vừa có văn bản kết luận việc thống nhất về chủ trương đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND TP.
Thường vụ Thành uỷ giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, góp ý của HĐND thành phố, Văn phòng Thành ủy và của chuyên gia. Bên cạnh đó, đơn vị lập đồ án cần tổ chức lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng theo đúng quy định.
Đồ án phải tuân thủ một loạt quy hoạch như: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông; Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô và các quy hoạch có liên quan khác.
Quy hoạch phân khu sông Hồng khiến giá nhà đất ở khu vực biến động mạnh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện làm tốt công tác thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân.
"Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm nhằm trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng các công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn", chỉ đạo của Đảng bộ TP Hà Nội nêu rõ.
Theo ghi nhận của Zing, trước đó, hoạt động thăm dò, mua bán bất động sản ở khu vực 2 bờ sông Hồng trở nên cực kỳ sôi động sau khi Thành ủy Hà Nội cho biết quy hoạch phân khu sông Hồng dự kiến được duyệt vào tháng 6.
Đặc biệt tại các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì và Thường Tín (nơi quy hoạch phân khu sông Hồng đi qua), giá đất tăng mạnh từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi mét vuông.
Nhìn nhận về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng việc đầu cơ, trục lợi đất đai tại các quy hoạch là điều không mới ở Hà Nội. Đặc biệt là tại các dự án lớn, có tầm ảnh hưởng như quy hoạch phân khu sông Hồng thì hoàn toàn có thể dự đoán trước.
"Hiện giờ quy hoạch còn chưa được phê duyệt, chưa kể sau khi có quy hoạch phân khu còn phải chờ quy hoạch chi tiết. Đến lúc đó người dân mới biết được đâu là đất ở, đâu là đất công cộng, đất không được phép xây dựng", vị chuyên gia nói với Zing.
Để hạn chế việc này, ông Tùng cho rằng yêu cầu quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch toàn bộ các thông tin về quy hoạch này và chính quyền địa phương có vai trò định hướng, hướng dẫn người dân. Thông tin càng công khai, rõ ràng bao nhiêu thì càng hạn chế được các tiêu cực, trục lợi.
Theo dự thảo đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được UBND TP trình lên Thường trực Thành ủy, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu R1, R2, R3, R4, R5, trên đoạn sông dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích bao phủ khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số ước tính theo quy hoạch là 280.000 đến 320.000 người.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã giao UBND TP khẩn trương làm việc, xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng để hoàn thiện đồ án, sớm trình lên Ban Thường vụ Thành ủy để phê duyệt trong tháng 6.