Hà Nội đề ra kế hoạch đến năm 2025 đưa 5 huyện Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì lên quận và dự kiến chi gần 83.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu này.
Để hoàn thành đề án thành quận, các huyện phải đạt được hai nhóm tiêu chí, gồm 27 tiêu chí để huyện thành quận và 15 tiêu chí để xã thành phường.
Với huyện Thanh Trì, đến nay địa phương đã đạt 24/27, thiếu 3 tiêu chí về: Cân đối thu, chi ngân sách; mật độ giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng.
Theo báo cáo của lãnh đạo huyện, 3 tiêu chí còn thiếu đang có sự chuyển biến tích cực.
Cụ thể, tỷ lệ cân đối thu, chi ngân sách của huyện đã đạt 52,3% tính đến hết năm 2021. Tiêu chí mật độ giao thông đô thị đạt 9,3km/km2 - còn thiếu khoảng 0,7 km/km2 so với tiêu chuẩn quận - tương ứng hơn 50 km đường giao thông đô thị.
Còn tiêu chí đất cây xanh công cộng trên địa bàn đạt 4,5 m2/người - thiếu 1,5 m2/người - tương đương thiếu hơn 41 ha đất cây xanh công cộng.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa 5 huyện Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì lên quận. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để hiện thực hóa mục tiêu lên quận vào 2025, huyện Thanh Trì đặt lộ trình cụ thể nhằm giải quyết 3 tiêu chí còn thiếu.
Địa phương dự kiến tỷ lệ cân đối thu, chi ngân sách đạt 63,6% tính đến hết 2022; 77,5% vào 2023; 98,7% vào 2024 và 2025 sẽ vượt mức 109%.
Với tiêu chí mật độ giao thông đô thị, huyện đề xuất thực hiện 46 dự án đường giao thông giai đoạn 2021-2025. Nếu hoàn thành tất cả 46 dự án, đến hết năm 2025, số km đường giao thông đô thị trên địa bàn huyện sẽ tăng thêm khoảng 51,55 km, vượt tiêu chuẩn “mật độ đường giao thông đô thị” để lên quận.
Huyện cũng tập trung đầu tư 18 dự án hạ tầng cây xanh công cộng, 13 dự án trung tâm văn hóa kết hợp cây xanh công cộng tại các xã để hoàn thành tiêu chí cuối cùng về đất cây xanh công cộng trên địa bàn. Dự kiến đến hết 2022, tỷ lệ này tăng thêm 49,31 ha, vượt con số mà huyện đang còn thiếu.
Phó chủ tịch Hà Nội Hà Minh Hải gợi ý huyện Thanh Trì rà soát lại toàn bộ quy hoạch, đặc biệt dự báo dân số để đầu tư đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đảm bảo hiệu quả nhất.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến lưu ý tiêu chí khó nhất là cân đối thu, chi ngân sách. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, huyện cần hỗ trợ hàng chục nghìn hộ sản xuất kinh doanh để phát triển thành doanh nghiệp, nhằm tạo nguồn thu bền vững.
Hà Nội hiện có 12 quận gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.
17 huyện của thành phố gồm: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn và Ứng Hòa.
Thị xã duy nhất của Hà Nội là Sơn Tây.
Thanh Trì là huyện nằm ở phía nam thành phố Hà Nội. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 6.200 ha, dân số trên 200.000 người, gồm 15 xã và 1 thị trấn. Đây cũng được xác định là đầu mối giao thông quan trọng của thủ đô, tạo thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh phía nam.