Huyện Củ Chi nên phát triển thành quận hay thành phố thuộc TP.HCM? Đó là một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Hội thảo khoa học Tiềm năng, định hướng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư cho huyện Củ Chi ngày 19/2.
Lãnh đạo huyện Củ Chi cùng hầu hết chuyên gia, nhà quản lý đều chung quan điểm Củ Chi nên phát triển thành thành phố và gợi ý nhiều mô hình, định hướng cho huyện.
Phát triển Disneyland tại Củ Chi
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng Củ Chi không nên lên quận mà nên lên thành phố. Bởi lẽ, nếu lên quận thì Củ Chi sẽ không giữ được phần nông nghiệp, còn lên thành phố thì có thể gìn giữ và phát triển các xã nông nghiệp
54 km hành lang sông của huyện Củ Chi cũng là thế mạnh được bà Thảo nhấn mạnh. Huyện cần tận dụng tiềm năng này cùng bề dày lịch sử, truyền thống sẵn có để phát triển.
"Tiềm năng xưa và cái đang có là rất mạnh. Làm sao để những cái mạnh lẻ tẻ có thể kết nối thành chuỗi sản phẩm độc đáo để thu hút khách du lịch", bà nói.
Đồng quan điểm, TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng Củ Chi nên phát triển thành thành phố thuộc thành phố bởi hiện nay, huyện đã gần như đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, để lên quận thì sẽ có "độ trễ" và đòi hỏi nhiều thời gian hơn.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T. |
Trong bài tham luận, PGS.TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM, phân tích Củ Chi còn nhiều dư địa phát triển lâu dài. Cụ thể, huyện còn quỹ đất đai lớn, là vùng đất cao, thuận lợi cho xây dựng đô thị hiện đại, không bị sụt lún, thoát nước dễ dàng.
Củ Chi có giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường thủy và là cửa ngõ của TP.HCM và tiếp giáp với tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương. Củ Chi có thể tận dụng lợi thế kết nối giao thông với các địa phương và có đường bộ qua Tây Ninh để đến Campuchia, Thái Lan.
Về quy hoạch chung và không gian phát triển, bà Trương Thị Hiền chỉ ra 3 hướng phát triển. Thứ nhất, trục quốc lộ 22 - Xuyên Á và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài - Tây Ninh - Campuchia. Thứ hai, trục dọc đường Vành đai 4 và tỉnh lộ 7, 8. Thứ ba, dọc ven sông Sài Gòn phát triển các khu du lịch cao cấp, ven sông như du lịch sinh thái, du lịch thể thao dưới nước, du lịch gắn với lịch sử tâm linh (gắn với Đền Bến Dược - Củ Chi, địa đạo Củ Chi)…
Bà cũng đề xuất Củ Chi cần hình thành các khu du lịch sinh thái, du lịch thể thao dưới nước, du lịch cảnh quan nhà vườn dọc sông; khu du lịch cao cấp, du lịch truyền thống, lịch sử, tâm linh như Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.
Củ Chi cũng có thể hình thành khu vui chơi giải trí cao cấp như Disneyland - Tân Phú Trung (từ cầu An Hạ dọc quốc lộ 22 đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á).
Đường nhỏ, không thể thu hút FDI lớn
Nói về giải pháp để thu hút FDI cho Củ Chi, PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing, cho rằng huyện Củ Chi có nhiều khu, cụm công nghiệp (KCN) như KCN Tây Bắc - Củ Chi rộng 387 ha; KCN Đông Nam rộng 342,5 ha, KCN Tân Phú Trung 542 ha, KCN Cơ khí ôtô rộng 100 ha... với hơn 1.000 doanh nghiệp. Đây là tiềm năng để huyện thu hút FDI.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế. Vướng mắc lớn nhất của Củ Chi trong thu hút FDI hiện nay là chuẩn bị quỹ đất sạch cho KCN để thu hút đầu tư. Hạn chế thứ 2 là hệ thống giao thông với các tuyến đường còn nhỏ, thường xuyên ùn tắc giao thông cũng gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa nếu số lượng doanh nghiệp hoạt động tại huyện gia tăng.
Bên cạnh đó, huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng giá trị gia tăng không cao, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và chưa có khả năng tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Cuối cùng, quy mô doanh nghiệp tại Củ Chi chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, khó tham gia và tạo chuỗi liên kết sản xuất chất lượng cao nếu không có doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt.
Đề xuất giải pháp, ông cho rằng Củ Chi cần xác định rõ ngành thế mạnh, có giá trị gia tăng cao để thu hút FDI. Củ Chi cần chuẩn bị điều kiện để thu hút FDI thế hệ mới, đưa huyện thành đô thị kinh tế số. Đường giao thông cần được mở rộng để phát triển logistics, phục vụ doanh nghiệp FDI chất lượng cao.
Chuyên gia đề xuất Củ Chi định hướng thu hút dòng FDI thế hệ mới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, gợi ý Củ Chi cần phát triển mô hình du lịch nông nghiệp.
Ông dẫn chứng nhiều ví dụ như người dân làng rau Trà Quế, Hội An, Quảng Nam, trước kia "nghèo rớt mồng tơi". Nhưng sau khi phát triển tour du lịch "Một ngày làm nông dân" cho du khách quốc tế đến trồng rau thì làng giàu lên thấy rõ. Tương tự là nhiều mô hình tại Ninh Bình, Quảng Ninh, Đồng bằng sông Cửu Long...
Củ Chi là điển hình trong thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là lợi thế lớn để giúp địa phương phát triển dịch vụ du lịch gắn liền với nông nghiệp bền vững, công nghệ cao.
Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, xu hướng quay về với thiên nhiên, nơi có không khí trong lành đang ngày càng phát triển cho thấy tiềm năng của du lịch nông nghiệp.